Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu tại buổi bế mạc.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022; cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Nam, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam và đông đảo khán giả đến dự.
Liên hoan năm nay có sự tham gia của gần 1.500 cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên đến từ 16 đơn vị nghệ thuật chèo chuyên nghiệp trên cả nước.
Ông Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 đã đánh giá tổng thể về Liên hoan. Ông cho biết, Trải qua 14 ngày thi tài với 27 vở diễn của 16 đơn vị cho thấy Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 là những công trình mỹ học, đạo đức học đầy nghiêm túc công phu đậm chất Chèo truyền thống với tinh thần cách tân mới mẻ, đa dạng, phong phú hấp dẫn. Nội dung các vở diễn ca ngợi tình đời, tình người, tình nghề nghiệp sâu sắc làm người xem được vươn cao hơn trong đời sống. Do đó có thể khẳng định 27 vở diễn là 27 bài ca về chân – thiện – mỹ của làng Chèo Việt Nam. Ở liên hoàn lần này ghi nhận tài năng của các tác giả, đạo diễn như: Lê Chí Trung, Tạ Minh Tuấn, Hoàng Luyện, Lê Thế Song, Trịnh Thuỷ Mùi, Nguyễn Quang Lập, Vũ Tự Long, Đỗ Duy Thông, Doãn Hoàng Giang… cùng với đó là những lời ca tiếng hát, diễn xuất của các nghệ sỹ: Ngô Thị Hồ, Thuý Hà, Bùi Văn Dũng, Lê Thị Hồng Vân, Nguyễn Ngọc Cao, Phạm Thị Hồng Tươi, Thu Hài …. Đây là những nghệ sỹ vừa có tài năng bẩm sinh vừa được đào tạo bài bản chuyên nghiệp nên họ đã hát đúng hơi, đúng nhịp, đúng tình –cảnh- sự của nhân vật, lôi cuốn khán giả hôm nay.
Trao Huy chương vàng cho nội dung Vở diễn xuất sắc.
Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 Trần Trí Trắc cũng chỉ ra những mặt tồn tại. Ông nhấn mạnh, Liên hoan cũng bộc lộ rất nhiều yếu điểm của sân khấu Chèo lâu nay như thiếu những kịch bản hay để tạo sự bứt phá cho tác phẩm; một số vở diễn thể hiện sự thiếu rạch ròi trong tư duy dàn dựng; một số soạn giả, đạo diễn không bắt kịp được nhịp sống hiện đại, không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả đương đại. Tại Liên hoan rất ít tác phẩm có câu chuyện hay, mới mẻ, phần lớn chỉ là những câu chuyện quen thuộc đã nghe, đã biết, đã thấy ở lịch sử.
Trao Giải thưởng thành phần sáng tạo đối với tác giả, đạo diễn, nhạc sỹ, biên đạo múa xuất sắc.
Phát biểu tại Lễ bế mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đánh giá: Tại Liên hoan lần này, có nhiều vở diễn đạt chất lượng về nội dung và nghệ thuật, hấp dẫn công chúng, đặc biệt có nhiều vở sáng tạo, mới mẻ đến từ tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ. Sự kết hợp tổng thể các yếu tố này mang lại cảm xúc thẩm mỹ đặc biệt cho khán giả, giúp họ cảm nhận được sự tinh tế của nghệ thuật Chèo. Mỗi vở diễn có sắc thái, diện mạo riêng, nhiều vở mang hơi thở của cuộc sống hiện đại, những vấn đề đang bức xúc trong xã hội hiện nay. Liên hoan là dịp để các cơ quan quản lý Nhà nước, các Hội nghề nghiệp chuyên ngành hoạch định những chiến lược phát triển sân khấu Việt Nam nói chung và nghệ thuật sân khấu Chèo nói riêng.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh, liên hoan mang ý nghĩa quan trọng của một ngày hội lớn, nơi gặp gỡ, trao đổi, học hỏi của bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu Chèo. Liên hoan kết thúc đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân Hà Nam và khán giả yêu Chèo cả nước. Những cảm xúc thẩm mỹ mà các vở diễn mang lại cho người xem cùng với những hiệu ứng xã hội sẽ là nguồn tiếp sức để nghệ thuật Chèo có cơ hội bảo tồn, lưu giữ và phát triển mãi mãi về sau.
Trao giải cho các cá nhân nghệ sỹ xuất sắc.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao 1 vở diễn xuất sắc, 6 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc và 4 huy chương đồng cho các vở diễn xuất sắc; 41 Huy chương Vàng, 66 Huy chương Bạc, 9 huyen chương đồng cho các cá nhân nghệ sỹ, diễn viên xuất sắc. Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam đã trao tặng bằng khen cho 16 đơn vị nghệ thuật Chèo chuyên nghiệp tham gia liên hoan; tặng bằng khen cho 4 tập thể giàn nhạc xuất sắc. Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn trao giải cho 4 đạo diễn, nhạc công, biên đạo, họa sỹ… xuất sắc nhất.
Theo Báo Tin Tức