Cán bộ thú y kiểm tra và tiêm phòng cho gia cầm tại Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Chi cục Thú y Hà Nội.
Công điện khẩn ngày 26/2 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian gần đây tại Căm-pu-chia đã phát hiện ca tử vong trên người do vi rút cúm gia cầm A/H5N1 tại tỉnh Prey Veng.
Trước đó, theo thông tin từ Bộ Y tế, ngày 5/10/2022, tại nước ta đã có 1 trường hợp người nhiễm vi rút cúm gia cầm, chủng A/H5 tại tỉnh Phú Thọ (sau hơn 8 năm Việt Nam không có trường hợp người tử vong hoặc nhiễm vi rút cúm A/H5), nâng tổng số người nhiễm vi rút cúm gia cầm A/H5 tại Việt Nam lên 128 trường hợp, trong đó có 64 (chiếm 50%) trường hợp tử vong do vi rút cúm gia cầm A/H5N1 trong giai đoạn từ năm 2003 đến tháng 10/2022.
Với tính chất nguy hiểm của vi rút cúm gia cầm, trong đó có chủng A/H5 rất nguy hiểm cho con người, do đó, việc cấp bách chủ động kiểm soát được dịch bệnh cúm gia cầm là công tác cần thiết mà các cơ sở, hộ chăn nuôi, các cơ quan quản lý chuyên ngành cần tập trung triển khai thực hiện.
Thực tế hiện nay, đàn gia cầm nước ta vốn được nuôi với số lượng rất lớn, nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh cúm gia cầm vẫn còn rất cao. Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tới thời điểm 31/12/2022, trên cả nước, đàn gia cầm có khoảng 523,6 triệu con, trong đó đàn gà trên 420 triệu con (chiếm 80%), đàn thủy cầm trên 103 triệu con (chiếm 20%). Trong khi đó, diễn biến của dịch cúm gia cầm rất phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao do chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm đa số, chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, chưa an toàn dịch bệnh, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vắc xin.
Bên cạnh đó, vi rút cúm gia cầm (các chủng vi rút A/H5 bao gồm: H5N1, H5N6, H5N8,...) lưu hành ở nhiều địa phương với tỷ lệ khá cao (khoảng 6%). Trong khi đó, giao thương buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm trong nước tăng mạnh vào các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, giết mổ nhỏ lẻ còn rất phổ biến (cả nước còn trên 22.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ). Tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm còn xảy ra tại các tỉnh biên giới; thời tiết diễn biến cực đoan, mưa lũ, chuyển lạnh làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.
Báo cáo của Cục Thú y cho thấy, từ đầu năm 2022 đến 20/12/2022, cả nước xảy ra 48 ổ dịch cúm gia cầm tại 38 huyện thuộc 22 tỉnh, thành phố (bao gồm 45 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1, 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6, 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N8, buộc tiêu hủy 97.822 con gia cầm. Điều đó cho thấy dịch bệnh cúm gia cầm ở nước ta vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
Trong tháng 1/2023, tại thời điểm ngày 25/1, cả nước có 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại Quảng Ninh. Tuy con số này không lớn nhưng không thể chủ quan trước diễn biến của dịch cúm gia cầm.
Một số chủng của cúm gia cầm rất nguy hiểm nếu lây nhiễm sang người, chính vì vậy, việc ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh là việc cần được đặt lên hàng đầu và đây cũng là công việc cần được triển khai liên tục để chủ động kiểm soát được dịch bệnh.
Để phòng chống dịch cúm gia cầm, một trong những giải pháp cần được quan tâm đó là tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép vào Việt Nam, gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường. Vận động Nhân dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép vào Việt Nam.
Song song với việc ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh từ bên ngoài, một trong những giải pháp quan trọng không thể không nhắc đến đó là chủ động phòng bệnh cho đàn gia cầm. Về vấn đề này, Cục Thú y đã hướng dẫn các địa phương cần rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh cho đàn gia cầm tại các địa phương đã, đang có dịch, có nguy cơ cao, đặc biệt lưu ý đàn vật nuôi tại các khu vực có nguy cơ cao, bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc xin.
Tăng cường giám sát dịch bệnh trên vật nuôi để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật ra môi trường dẫn đến lây lan dịch bệnh.
Đặc biệt, người chăn nuôi cần tăng cường chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh để đảm bảo phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm. Trong đó, đối với chăn nuôi an toàn sinh học, cần triển khai đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh thú y nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào các cơ sở chăn nuôi và tiêu diệt mầm bệnh tồn tại ở bên trong của cơ sở chăn nuôi.
Theo đó, các biện pháp cần thực hiện gồm: cách ly - là khoảng cách cần thiết giữa cơ sở chăn nuôi với khu dân cư, đường giao thông, chợ,...; khoảng cách giữa các chuồng nuôi, các khu chăn nuôi, trạm ấp, nhà chứa thức ăn,...Địa điểm xây dựng chuồng trại:cách xa nhà ở và khu dân cư.
Vành đai thú y bao gồm:Hàng rào bao quanh khu chăn nuôi nhằm ngăn cách khu chăn nuôi với khu vực xung quanh, qua đó ngăn chặn sự xâm nhập của người và động vật vào khu vực chăn nuôi.
Về khu vực chăn nuôi, có các khu vực chăn nuôi riêng từng lứa tuổi gia cầm nhằm ngăn chặn mầm bệnh lây lan từ đàn này sang đàn khác.
Về giám sát vệ sinh sát trùng, bố trí các hố sát trùng bằng vôi bột hoặc hóa chất trước cổng ra vào trại và trước các cửa chuồng nuôi. Khu vực chế biến, bảo quản thức ăn phải đảm bảo điều kiện vệ sinh, hàng tuần phải được khử trùng và diệt côn trùng,...Nguồn nước cho gia cầm uống phải đảm bảo sạch sẽ, hợp vệ sinh và phải được kiểm tra định kỳ.
Về vệ sinh chuồng trại, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi và vườn, ao hồ chăn thả, hàng ngày phải vệ sinh sạch sẽ máng ăn, máng uống, dụng cụ chăn nuôi, chuồng nuôi, thay chất độn chuồng bị ẩm ướt. Định kỳ vệ sinh sát trùng khu vực chăn nuôi bằng vôi bột hoặc thuốc sát trùng (khoảng 1 tuần một lần đối với vùng không có dịch, 1-2 ngày một lần đối với vùng đang có dịch),...
Theo bà Hạ Thúy Hạnh - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trong chăn nuôi an toàn sinh học có 3 khâu rất quan trọng. Đó là: Cách ly, kiểm soát ra, vào khu vực chăn nuôi; làm sạch, vệ sinh chuồng trại, triển khai công tác thú y và thực hiện khử trùng định kỳ. Nếu thực hiện tốt những khâu này sẽ góp phần giảm các mầm bệnh.
Thực tế nếu triển khai được các giải pháp trên sẽ góp phần quan trọng giúp đảm bảo an toàn về dịch bệnh cho đàn vật nuôi, tránh được những thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi cũng như tránh được việc xuất hiện mầm bệnh có khả năng lây nhiễm đến người.
Để phát huy được điều này, cần tuyên truyền cho người chăn nuôi thấy được lợi ích của chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh nhằm từng bước nhân rộng thêm các mô hình chăn nuôi có hiệu quả này.
Cùng với giải pháp trên, cần tổ chức thông tin, tuyên truyền đối với người chăn nuôi và cộng đồng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh cúm gia cầm, để người chăn nuôi luôn chủ động phòng bệnh và tăng cường kiểm soát dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Kế hoạch Quốc gia phòng chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025 tại Quyết định số 172/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ mục tiêu kiểm soát, khống chế, không để dịch bệnh cúm gia cầm xảy ra và lây lan diện rộng. Chủ động giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp phòng, chống, tạo điều kiện cho việc xây dựng thành công các vùng, các chuỗi cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của cúm gia cầm với sức khỏe cộng đồng, an ninh lương thực và các hoạt động thương mại của Việt Nam.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, hạn chế những thiệt hại do cúm gia cầm gây ra cho ngành chăn nuôi Việt Nam và cho sức khỏe con người, thiết nghĩ, các cơ quan chuyên ngành, các cấp chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm, hướng dẫn cho người chăn nuôi về các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để hạn chế thấp nhất việc phát sinh dịch bệnh. Trong đó, công tác này cần được thực hiện bền bỉ, thường xuyên, liên tục để đảm bảo đạt được hiệu quả cao nhất. Đồng thời, các hộ chăn nuôi cần chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống dịch bệnh. Qua đó, từng bước kiểm soát, khống chế dịch cúm gia cầm, xây dựng ngành chăn nuôi gia cầm nước ta phát triển ổn định và bền vững.
Theo Đảng Cộng Sản