Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: 'Bộ tứ trụ cột' phải được thể chế hóa toàn diện
23/05/2025 - 18:17
Ngày 23/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; trong đó, tập trung vào các giải pháp để đạt mục tiêu GDP tăng 8% trở lên.
AA
Theo đánh giá của Chính phủ để đạt được mục tiêu này sẽ có rất nhiều thách thức. Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, nhiều đại biểu đề xuất các giải pháp như: Tập trung 3 đột phá chiến lược; “Bộ tứ trụ cột” phải được thể chế hóa toàn diện và cần những giải pháp cụ thể để kích thích các động lực tăng trưởng.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh): Tập trung 3 đột phá chiến lược
Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới là một thách thức rất lớn. Theo báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI), ngành sản xuất Việt Nam tháng 4/2025 giảm thấp, chỉ đạt 45,6 điểm, nguyên nhân là do bị tác động bởi chính sách thuế quan của Mỹ, thương mại quốc tế sụt giảm… Cùng với đó, dự báo về kinh tế các nước trên thế giới cũng có sự suy giảm, nhóm các nước đang phát triển như: Việt Nam và khu vực châu Á cũng dự báo giảm do tình hình địa chính trị, địa kinh tế phức tạp.
Để đạt được mục tiêu GDP tăng trên 8% cần tập trung quan tâm 3 đột phá chiến lược; đó là thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng. Theo đó, thể chế thông thoáng, thông minh. Cơ chế thu hút nhân lực chất lượng cao. Đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ. Cùng với đó, phát huy 3 động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Thực thi chính sách tài khóa chặt chẽ, tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên vốn đầu tư phát triển, nhưng chú ý hiệu quả đầu tư công, không đầu tư dàn trải, dở dang, gây lãng phí… Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay cần tập trung giải quyết các vướng mắc liên quan tới tài sản công, đất công để đưa vào sử dụng, khai thác hoặc đấu giá để có vốn cho đầu tư phát triển... Các địa phương cũng cần dựa vào tiềm năng và lợi thế để tạo sự phát triển ổn định.
Theo đó, thế mạnh của Việt Nam là du lịch, nông nghiệp và dịch vụ. Đối với du lịch, lợi thế là vị trí địa lý, hệ thống giao thông thuận lợi, thiên nhiên ưu đãi, có nhiều danh lam thắng cảnh, có bờ biển dài và đẹp, cạnh đó là nguồn nhân lực dồi dào… Với những lợi thế đó, tôi có thể tin tưởng ngành du lịch Việt Nam góp phần định vị thương hiệu du lịch quốc gia, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước.
Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp nhờ đất đai, khí hậu rất thuận lợi cho phát triển. Đồng thời, có những sản phẩm nằm Top đầu thế giới như: gạo, cà phê hồ tiêu và các mặt hàng trái cây.... Vì vậy, cần có những cơ chế, chính sách và đặc biệt là một Nghị quyết đủ lớn, đủ mạnh dành cho ngành nông nghiệp để ngành có thể đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao, thông minh… đem lại năng suất cao.
Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực dịch vụ đóng góp 65% GRDP và sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai, như: dịch vụ tài chính ngân hàng, logistic, y tế chất lượng cao, công nghệ thông tin…. Đặc biệt, tới đây Quốc hội cho ý kiến về Trung tâm tài chính quốc tế ở TP. Hồ Chính Minh và Đà Nẵng, hai Trung tâm này kỳ vọng sẽ tạo động lực kinh tế mạnh mẽ và nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ tài chính quốc tế.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh): “Bộ tứ trụ cột” phải được thể chế hóa toàn diện
Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Hiện nay có 2 thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế, đó là vấn đề thuế quan của Hoa Kỳ và điều này đặt ra rủi ro tác động rất lớn đến sản xuất, xuất khẩu. Tiếp đến là công cuộc tinh giản bộ máy hành chính và đây là việc tất yếu phải làm, sẽ có tác động tích cực, lâu dài, nhưng đặt ra những thách thức không nhỏ trước mắt.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2025, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết. Theo đó, “Bộ tứ trụ cột”- 4 nghị quyết quan trọng của Đảng đã bao trùm tất cả các vấn đề kinh tế - xã hội, nhưng theo tôi cần được thể chế hóa toàn diện.
Bởi, tinh thần của các Nghị quyết là giảm thủ tục hành chính, nhưng hàng loạt “giấy phép con” vẫn tiếp tục mọc ra. Cùng với đó, trong thực thi vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, Trung ương rất quyết tâm nhưng ở một số địa phương thì công chức vẫn đủng đỉnh, thiếu nhiệt tình. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ là phải làm cho tinh thần đổi mới này thấm xuống đến cấp xã.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP Hồ Chí Minh): Kích thích các động lực tăng trưởng
Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% trong năm nay tuy là một thách thức lớn nhưng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương sẽ cố gắng để đạt được.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% trở lên và tiến tới tăng trưởng hai con số, tôi cho rằng, cần có những giải pháp rất cụ thể để kích thích các động lực tăng trưởng truyền thống như: tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; chính sách tài khóa cần đồng hành với chính sách tiền tệ; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển, vì khu vực này chiếm trên 50% GDP của toàn nền kinh tế.
Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, thủ tục hành chính, đặc biệt ở các thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Trong đó vai trò của khoa học công nghệ, chuyển đổi số là rất quan trọng, cần có chính sách ưu đãi đầu tư mạnh vào các lĩnh vực này.
Đặc biệt, việc sắp xếp lại bộ máy hành chính cũng sẽ mang lại hiệu quả, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Sau khi sắp xếp xong, bộ máy quản lý hành chính nhà nước sẽ được nâng cao, mang tính hiệu quả tốt hơn, xử lý nhanh hơn các vấn đề về dịch vụ hành chính công. Lúc đó, đáp ứng được yêu cầu về thời gian cũng như chất lượng dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, các cơ quan hành chính cũng sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, rút ngắn thời gian xử lý, nâng cao chất lượng dịch vụ…
.Theo TTXVN
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: