Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch đặc hiệu, nhưng thường gặp nhất ở trẻ em từ 1 - 10 tuổi. Do đó, trẻ em cần phải được tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu khi trẻ được 2 tháng tuổi trở lên.
Bệnh bạch hầu lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người thông qua đường hô hấp. Khi 1 người bị nhiễm bệnh hắt hơi hoặc ho sẽ phát ra giọt nước có chứa mầm bệnh, những người ở gần đó có thể hít phải vi khuẩn bạch hầu, đặc biệt ở những nơi đông người hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo có thể gây thành dịch bạch hầu. Ngoài ra, vi khuẩn bạch hầu cũng truyền từ người này sang người khác thông qua vật trung gian, như: Đồ chơi, dụng cụ học tập, cốc uống nước chưa rửa sạch có dính chất bài tiết của người bệnh. Vi khuẩn bạch hầu có thể xâm nhập qua da bị tổn thương, gây bạch hầu da.
Những dấu hiệu chính để phát hiện bệnh bạch hầu
Người bệnh bạch hầu sẽ có biểu hiện các triệu chứng điển hình, như: Sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Quá trình mắc bệnh, sau 2 - 3 ngày xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc 2 bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Bên cạnh đó, người bệnh có dấu hiệu khó nuốt, khó thở. Khi bệnh trở nặng, người bệnh có các biểu hiện, như: Sung to cổ, khó thở, rối loạn tim, khàn tiếng, liệt dần...
Nếu bệnh không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng sẽ dẫn đến các biến chứng viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh, dẫn truyền cơ tim, đột ngột trụy tim mạch và cuối cùng dẫn đến nguy cơ tử vong nhanh chóng.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh bạch hầu
1. Tiêm vaccine phòng bệnh:
Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch cho trẻ là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu. Vaccine phòng bệnh bạch hầu được tiêm miễn phí cho tất cả trẻ từ 2 - 18 tháng tuổi tại các Trạm Y tế trên cả nước theo lịch tiêm, cụ thể:
Tiêm mũi 1: Khi trẻ được 2 tháng tuổi
Tiêm mũi 2: Cách mũi thứ nhất là 1 tháng
Tiêm mũi 3: Cách mũi thứ hai là 1 tháng
Tiêm mũi 4: Nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi.
Khi trẻ được 7 tuổi có thể tiêm bổ sung 1 liều duy nhất vaccine DT (là vaccine phối hợp phòng 2 bệnh: Bạch hầu - uốn ván) để tăng cường miễn dịch lâu dài của bệnh bạch hầu.
2. Vệ sinh phòng bệnh:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà bông; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Nhà cửa của người bệnh, phòng điều trị bệnh nhân cần phải tiến hành khử trùng, tẩy uế diệt khuẩn hàng ngày bằng hóa chất Cloramin B hoặc nước sát khuẩn Javen; chén, đĩa, đũa, chăn màn, quần áo… phải được luộc sôi; đồ chơi, dụng cụ học tập của trẻ phải ngâm nước sát khuẩn hoặc xà bông sau đó rửa sạch và phải được phơi nắng trước khi cho trẻ chơi.
- Đối với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh do có tiếp xúc với bệnh nhân bạch hầu cần đến cơ sở y tế để được chỉ định làm các xét nghệm cần thiết và điều trị kịp thời.
Vì sức khỏe của trẻ em, các bậc cha, mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đủ mũi, đúng lịch để phòng bệnh bạch hầu
BS NGUYỄN VĂN BẢY (Trung tâm Y tế huyện Tri Tôn)