Trong số 17 bệnh nhân nghi ngờ nhiễm cúm tại khoa Nội Thận được cách ly và tầm soát thì có 10 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1. Có 1 bệnh nhân đã tử vong (bệnh nhân này có bệnh nền suy thận mãn tính giai đoạn cuối). Như vậy, tính từ ngày 20/6 đến ngày 28/6 tại khoa Nội Thận không phát hiện thêm trường hợp mới nào bị nhiễm cúm.
Tính đến nay, tại TP Hồ Chí Minh đã có 3 người tử vong do cúm A/H1N1. Theo các bác sĩ, toàn bộ bệnh nhân nhiễm cúm đều được xác định chủng virus A/H1N1pdm2009 và chưa phát hiện biến chứng. Các bệnh nhân tử vong đều có chung đặc điểm là những đối tượng có nguy cơ biến chứng cao khi nhiễm cúm như lớn tuổi, mắc bệnh mãn tính (suy thận mãn, đái tháo đường…) hay cơ địa béo phì và không được chích ngừa trước đó.
Bệnh viện Chợ Rẫy khống chế thành công nơi xuất hiện chùm bệnh cúm A/H1N1.
Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, với lưu lượng người ra vào bệnh viện lên tới 15.000 – 20.000 người/ngày gồm bệnh nhân, thân nhân... việc phòng chống dịch bệnh là rất khó khăn. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo kịp thời của ban lãnh đạo bệnh viện, nhiều giải pháp đã được triển khai song song; cùng sự hợp tác tốt của người bệnh và thân nhân bệnh nhân đã giúp bệnh viện kiểm soát, khống chế được chùm bệnh tại khoa Nội Thận chỉ trong thời gian 9 ngày.
Trước đó, ngày 11/6, tại khoa Nội Thận Bệnh viện Chợ Rẫy phát hiện 4 bệnh nhân đang điều trị có biểu hiện lâm sàng tương tự nhiễm cúm. Ngay lập tức, những trường hợp này được cách ly tại khoa bệnh Nhiệt Đới, điều trị với thuốc kháng virus và tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm PCR (xét nghiệm xác định chủng loại cúm). Ngay sau khi kết quả xác nhận 4 bệnh nhân này nhiễm cúm A/H1N1, Bệnh viện Chợ Rẫy đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch như thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm năm 2018 do Giám đốc trực tiếp lãnh đạo; xây dựng kế hoạch cụ thể về phòng chống dịch bệnh tại bệnh viện; thực hiện các quy trình phối hợp các chuyên khoa/phòng khi tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nhiễm cúm.
Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị trong bệnh viện; tổ chức thực hiện cách ly, khoanh vùng quản lý những bệnh nhân nghi ngờ nhiễm cúm; tăng cường công tác truyền thông về biện pháp phòng chống lây nhiễm cho nhân viên y tế, cách phòng ngừa nhiễm bệnh cho thân nhân bệnh nhân, dự phòng, đảm bảo đầy đủ cơ sở trang thiết bị, thuốc men, nguồn cung cấp… phục vụ công tác phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, bệnh viện thiết lập đường dây nóng phục vụ công tác chuyên môn và tư vấn về các vấn đề liên quan đến bệnh; phối hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh dịch tễ Thành phố, viện Pasteur TP Hồ Chí Minh trong công tác phòng chống dịch; thường xuyên báo cáo tình hình của chùm ca bệnh cho các cơ quan có liên quan; chích ngừa cúm cho nhân viên y tế…
Theo ĐAN PHƯƠNG (Báo Tin tức)