Bệnh sởi và các biện pháp phòng, chống

02/08/2024 - 08:34

 - Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ phát sinh thành dịch lớn, do virus sởi gây ra, triệu chứng điển hình như: sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi, mắt khô đỏ và phát ban, bệnh lây truyền qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp với chất tiết từ mũi, họng người bệnh khi ho, hắt hơi, hay gián tiếp qua dụng cụ đã bị nhiễm khuẩn. Bệnh xảy ra quanh năm, tập trung nhiều vào mùa khô và đông xuân, mọi người đều có thể mắc bệnh sởi, nhưng phổ biến nhất ở trẻ em. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong do các biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, suy kiệt cơ thể.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tại Việt Nam, tính đến ngày 16/5/2024 cả nước ghi nhận rải rác 331 trường hợp nghi sởi tại 40 tỉnh, thành phố, trong đó có 115 trường hợp dương tính tại 26 tỉnh, thành phố, không có trường hợp tử vong;

Từ việc trẻ đủ 9 tháng tuổi nhưng không được tiêm phòng sởi, cùng với số trẻ được tiêm nhưng không đầy đủ mũi các vắc xin trong chương trình tiên chủng mở rộng, kết hợp với yếu tố di dân, tập trung nhiều ở các khu vực thành phố, đô thị, khu công nghiệp, tình trạng ô nhiễm môi trường, điều kiện sinh hoạt chật chội, vệ sinh kém … đây cũng chính là những nguy cơ tiềm ẩn làm gia tăng số trường hợp mắc sởi và bùng phát dịch sởi trên phạm vi toàn cầu kể cả Việt Nam.

Khi gia đình có người mắc bệnh sởi, sẽ tiêu tốn rất lớn đến chi phí điều trị và chăm sóc, nhất là các gia đình có thu nhập thấp, việc làm bấp bênh, không ổn định, tạo áp lực gánh nặng về đời sống kinh tế cho mỗi gia đình, ảnh hưởng chung đến sự phát triển ổn định, bền vững về kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi quốc gia.

Do đó, việc chủ động phòng, chống bệnh sởi là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác lãnh, chỉ đạo, phối hợp cả hệ thống chính trị là yếu tố quyết định cho sự thành công.

Trong cuộc sống sinh hoạt gia đình hay giao tiếp trong cộng đồng xã hội, cần lưu ý:

- Mang khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh hay người có sốt phát ban.

- Hạn chế tiếp xúc với người có nguy cơ mắc sởi cao.

- Ăn, uống đủ chất, bổ sung vitamin A theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

- Vệ sinh môi trường trong và xung quanh nhà, lau, chùi, rửa các vật dụng trong nhà kể cả đồ chơi trẻ em bằng các chất tẩy rửa.

BS. NGÔ VĂN TRUNG (Trung tâm Y tế Phú Tân)