Theo sử sách, Lê Đại Hành Hoàng đế, họ Lê, tên húy là Hoàn, sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu (941), tại làng Trung Lập, thuộc Ái Châu (nay là xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Sau khi giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp yên loạn 12 sứ quân, lập lại chính quyền thống nhất, năm 968 Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lập ra triều Đinh (968 - 979), đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình).
Năm Tân Mùi (971), Lê Hoàn được giữ chức Thập đạo tướng quân.
Đền thờ Lê Hoàn ở làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Năm Kỷ Mão (979), triều đình nhà Đinh xảy ra biến loạn. Với tài thao lược của mình, Lê Hoàn đã lãnh đạo nhân dân đánh tan quân xâm lược nhà Tống, giữ yên bờ cõi, góp những viên gạch đầu tiên vào công cuộc xây dựng nên kỷ nguyên Đại Việt huy hoàng.
Sau khi lên ngôi Hoàng đế, ông đã cho đổi niên hiệu là Thiên Phúc, lấy miếu hiệu là Lê Đại Hành Hoàng đế, mở ra triều Tiền Lê (980 -1009) hiển hách, để lại những dấu ấn quan trọng trong lịch sử hàng trăm năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Lê Đại Hành Hoàng đế băng hà năm Ất Tỵ 1005, nhân dân đã lập đền thờ ông ở quê nhà. Đền thờ Lê Hoàn là một di tích nằm trong không gian văn hóa của một làng Việt cổ lâu đời, nơi có cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp, đồng ruộng phì nhiêu tươi tốt, con người chuộng nghĩa và giàu truyền thống văn hóa.
Đền thờ Lê Hoàn được đánh giá là một trong những di tích lịch sử, văn hóa - kiến trúc nghệ thuật cổ, đẹp và độc đáo bậc nhất xứ Thanh hiện nay.
Theo một số tài liệu còn lưu lại, ban đầu Đền chỉ là một ngôi miếu nhỏ, được người dân dựng trên nền nhà cũ mẹ con Vua từng sống. Đến đầu thời Lý, vua Lý Thái Tổ cho xây dựng đền theo hình chữ công. Trải qua vô số biến cố lịch sử và thiên tai, ngôi đền vẫn giữ được tương đối nguyên vẹn kiểu kiến trúc cổ truyền.
Sau khi được trùng tu (khoảng thế kỷ XVII), đền thờ có được vóc dáng hoàn chỉnh như hiện nay. Có thể nói, nhờ lối kiến trúc truyền thống cùng nghệ thuật trang trí đặc sắc, mà Đền thờ Lê Hoàn được đánh giá là một trong những di tích lịch sử, văn hóa - kiến trúc nghệ thuật cổ, đẹp và độc đáo bậc nhất xứ Thanh hiện nay.
Đền thờ Lê Hoàn đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt di tích kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Lê Hoàn. Những tài liệu, hiện vật còn được bảo tồn trong di tích, gồm: Văn bia, sắc phong, lệnh chỉ, câu đối, đại tự, hương án, khám thờ, tượng pháp, chóe, đĩa, đũa, bát cổ… có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa.
Nhiều hiện vật có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa còn được bảo tồn trong di tích.
Trong đó chiếc đĩa đá cổ và đôi đũa bằng hợp kim, theo ông Hoàng Hùng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thọ Xuân - Yên Định (Thanh Hóa) là những cổ vật có giá trị về mặt lịch sử cũng như văn hóa hiếm có.
Theo ông Hoàng Hùng, tương truyền vua Tống tặng vua Lê Đại Hành một chiếc đĩa nhân lúc hai nước nối lại bang giao. Trên chiếc đĩa có hai câu: "Giang Nam nhất phiến tuyết, trác khí vạn niên trân", tạm hiểu là: "Tỉnh Giang Nam có phiến đá trắng như tuyết, làm chiếc đĩa vạn năm trân trọng". Trên mặt đĩa còn có con triện khắc chìm, sau này dân làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân gọi là đĩa ngọc.
Chiếc đĩa đá cổ và đôi đũa bằng hợp kim được xem là những cổ vật có giá trị về mặt lịch sử cũng như văn hóa hiếm có.
Là người đã từng được tiếp xúc với chiếc đĩa, ông Hùng tiết lộ, đặc điểm của chiếc đĩa này về đêm soi đèn pin có thể xuyên thấu. Là vật phẩm của nhà Tống tặng nên theo ông Hùng có thể xác định niên đại trong khoảng 981 - 1005. Hàng chục đời nay, người dân xã Xuân Lập đã thấy đĩa đá này rồi. Đây là báu vật để trong cấm cung, đĩa đã nhiều lần bị kẻ gian tìm cách đánh cắp, tuy nhiên luôn được nhân dân nâng cao cảnh giác, bảo vệ an toàn.
Còn đôi đũa theo tương truyền làm bằng hợp kim, rất nặng, dùng để thử độc thức ăn của nhà Vua và được đựng trong một hộp bằng đồng, bên ngoài chạm khắc hoa văn tinh xảo.
Đôi đũa đựng trong chiếc hộp bằng đồng được chạm khắc hoa văn tinh xảo.
Các hiện vật được bảo quản rất an toàn.
"Đôi đũa là một vật dụng phòng vệ, đáng được trân trọng. Chúng ta phải khẳng định với nhau là nó có quý lắm thì mới có một chiếc hộp bằng đồng để cất giữ như thế và nó đã tồn tại hàng nghìn năm nay tại đất Xuân Lập này.
Còn đôi đũa này ai tặng hay ai làm thì không có lý lịch rõ. Hiện nay là hợp kim gì thì chưa có điều kiện đưa đi nhờ các nhà khoa học nghiên cứu, còn nhìn bằng mắt thường thì rất khó nhận biết", ông Hùng khẳng định.
Để đảm bảo an toàn, thời điểm còn công tác trong ngành Văn hóa của huyện Thọ Xuân, ông Hùng đã đề xuất mua két, tủ sắt được khóa bằng số để bảo quản những hiện vật quý.
Ông Hoàng Hùng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thọ Xuân - Yên Định (Thanh Hóa).
"Tất cả các hiện vật gìn giữ được đến ngày nay phần lớn là nhờ vào nhân dân. Thường những ngày lễ các hiện vật được đem ra trưng bày tại đền, xong rồi đưa về cất giữ. Đây là những cổ vật hiếm có, ông cha giữ gìn hàng nghìn năm nay, mình mà để mất đi thì không được", ông Hùng chia sẻ.
Về giá trị lịch sử của các hiện vật, theo ông Hùng, sau khi đã thua, nhà Tống rất tôn trọng nhà Lê và muốn cầu hòa nên tặng chiếc đĩa. Đây là bằng chứng cho thấy vua Tống rất phục và tôn trọng vua Lê. Về mặt văn hóa, với những đặc điểm của nó thì đây là một cổ vật có giá trị, đáng được trân trọng, đáng được đưa vào danh sách bảo vật quốc gia.
Đôi đũa được làm bằng hợp kim.
Công tác bảo quản các hiện vật luôn được chính quyền địa phương và nhân dân chú ý.
Theo TRẦN LÊ (Dân trí)