Bị xử phạt vì vi phạm Luật Giao thông đường bộ

19/02/2019 - 07:38

 - Khiếu nại nhiều nơi, bà Phạm Thị Ngọc Trâm (sinh năm 1979, ngụ ấp Tân Hiệp B, thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn) cho rằng, bản thân không vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhưng bị Cảnh sát Giao thông (CSGT) huyện và Công an địa phương xử phạt 200.000 đồng.

Bà Trâm chỉ hướng lưu thông của bà khi sự việc xảy ra

Trình bày sự việc đến Báo An Giang, bà Phạm Thị Ngọc Trâm cho biết: “Tôi nấu ăn ở quán “Tới Bến” (ấp Tân Thành, xã Vọng Thê, Thoại Sơn). Hàng ngày, khi xong việc, tôi về nhà (bên kia cầu Mớp Văn, cùng xã). Khoảng 19 giờ 40 phút ngày 1-1-2019, khi tôi điều khiển xe đến đoạn cầu sắt núi Nhỏ, CSGT huyện và Công an xã Vọng Thê yêu cầu dừng xe. Họ đề nghị cung cấp giấy tờ xe tôi đang chạy. Do mượn xe của đứa cháu, không mang theo giấy tờ, tôi xin gọi về nhà để người thân đem giấy lại. Các anh CSGT không trả lời, tôi không biết chấp nhận hay từ chối. Trong lúc tôi đang gọi về nhà, các anh cho rằng tôi đang ghi hình, nên muốn tịch thu máy. Tức tối, tôi phản ứng lại. Các anh không giải thích gì mà lập biên bản, kêu tôi ký tên vào. Chưa đầy 10 phút sau, người thân tôi đem giấy tờ đến, nhưng các anh không chịu xem. Hôm sau, tôi buộc đóng 200.000 đồng tiền xử phạt để lấy xe. Lúc này, một CSGT kêu tôi viết cam kết “không khiếu nại” và đề nghị viết theo ý của anh. Tôi nghĩ, về việc tuần tra, lập chốt kiểm soát để xử phạt các đối tượng không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe khi có rượu, bia, chạy lạng lách, xe chở 3 người... là cần thiết. Nhưng đối với người điều khiển xe quên đem theo giấy tờ như trường hợp của tôi, các anh có thể nhắc nhở là được; chỉ kiểm tra, kiểm soát đối tượng có lỗi, nghi vi phạm, chớ ai chạy qua trạm cũng kêu dừng xe như vừa qua là phản cảm, không đúng quy định. Tôi yêu cầu xử lý những người thực hiện các hành vi nói trên ”.

Theo thông tin từ Công an xã Vọng Thê và thị trấn Óc Eo, khu vực cầu Mớp Văn là giao lộ liên kết nhiều địa phương, điểm tiếp giáp với huyện Tri Tôn và huyện Hòn Đất (Kiên Giang). Việc tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh trật tự, đặc biệt đối với các ngày lễ hội, dịp Tết là cần phải thường xuyên. Đối với trường hợp bị xử lý của bà Trâm, lực lượng làm nhiệm vụ đã thực thi đúng theo quy định của pháp luật. Thiếu úy Nguyễn Tuấn Dũng (CSGT Công an huyện Thoại Sơn, người tham gia đoàn công tác ngày 1-1-2019) cho biết: “Khi đoàn công tác ra lệnh dừng xe, bà Trâm có thực hiện, nhưng trình bày rằng “không mang theo giấy tờ, do để quên ở nhà”, xin cho đi. Bà nài nỉ không được rồi mở máy điện thoại ghi hình. Bị chúng tôi đề nghị cất máy, không thực hiện hành vi trên, bà nói nhiều câu rất khó nghe. Khi chúng tôi đã lập xong biên bản, người nhà của bà Trâm đem giấy tờ đến. Bà đề nghị hủy biên bản không được, nên tiếp tục lặp lại hành vi nói nhiều câu khó nghe. Hành vi và lời nói của bà Trâm vừa qua còn được lưu trong hồ sơ vụ việc. Khi đóng xong tiền xử phạt, bà xin được lấy xe ra sớm. Chúng tôi đã hướng dẫn theo quy định, không “mớm cung” như lời bà nói”.

Đại diện Công an huyện Thoại Sơn khẳng định: “Thực hiện kế hoạch tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội dịp lễ Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2019 của Giám đốc Công an tỉnh An Giang, Công an huyện Thoại Sơn đã lập 4 đoàn công tác. Về quá trình xử lý việc không mang giấy tờ theo quy định của bà Trâm vừa qua do Đoàn công tác số 1 thực hiện. Vụ việc được ghi hình, chúng tôi có đầy đủ chứng cứ bảo đảm việc thực thi của đoàn đúng theo quy định của pháp luật”.

Luật sư Trần Ngọc Phước (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết: “Người điều khiển xe môtô, xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe, Giấy phép lái xe sẽ bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng cho mỗi hành vi vi phạm. Nếu không xuất trình được cả 2 loại giấy trên sẽ bị xử lý cả 2 lỗi, với tổng mức phạt từ 160.000 đồng đến 240.000 đồng. Thực tế, tại thời điểm kiểm tra, nếu người vi phạm không có Giấy phép đăng ký xe, CSGT buộc phải giữ giấy phép lái xe hoặc ngược lại. Nếu không có cả 2 giấy tờ trên, CSGT sẽ tạm giữ phương tiện để đảm bảo cho việc nộp phạt, chứng minh nguồn gốc xe sau đó của người vi phạm. Không có quy định cho phép người vi phạm như trên được về nhà hoặc nhờ người thân mang giấy tờ đến nơi bị xử lý vi phạm và CSGT phải chờ đợi. Tùy vào bối cảnh đang làm nhiệm vụ, lực lượng CSGT có hoặc không tạo điều kiện cho người vi phạm thêm thời gian để xuất trình giấy”.

Bài, ảnh: N.R