Biểu hiện và cách phòng ngừa bệnh sốt Chikungunya

28/08/2020 - 08:14

 - UBND tỉnh cho biết, theo thông báo của Bộ Công an, từ ngày 19 đến 22-7-2020, tại tỉnh Banteay Meanchey (Campuchia) đã ghi nhận khoảng 100 người mắc bệnh do virus Chikungunya (CHIKV) gây ra, lây truyền từ muỗi Aedes. Ngày 1-8-2020, đã có 1.020 người bị nhiễm tại 12 tỉnh, thành phố ở Campuchia. Đến ngày 7-8-2020, Campuchia ghi nhận thêm bệnh nhân ở 3 tỉnh, thành phố: Kampong Thom, Kandal và Sihanoukville, với tổng số 2.047 trường hợp. Bệnh CHIKV lây truyền từ người qua người thông qua muỗi Aedes và đã lây lan nhanh sang 15 tỉnh, thành phố tại Campuchia, trong đó có 4 tỉnh biên giới giáp với Việt Nam và 2 tỉnh giáp với An Giang (Kandal
và Takeo).

Đặc điểm lâm sàng

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), CHIKV là bệnh do virus được lây truyền sang người qua trung gian là muỗi Aedes nhiễm bệnh. Triệu chứng của bệnh là sốt, đau khớp nghiêm trọng, đau cơ, nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi và phát ban. Các dấu hiệu lâm sàng của bệnh này giống như bệnh sốt xuất huyết và Zika.

Nhóm tuổi mắc bệnh thường là người lớn trên 16 tuổi, nữ mắc bệnh nhiều hơn nam. Sốt là triệu chứng thường gặp (92%). Sốt cao đột ngột kéo dài từ 24 đến 48 giờ, đạt đỉnh 39-400C kèm ớn lạnh và đáp ứng tốt với thuốc hạ sốt. Đau khớp (87%), đau lưng (67%), đau đầu (62%). Các khớp mắt cá chân, cổ tay và khớp nhỏ của bàn tay chịu tác động nặng nề nhất, trong khi đó các khớp lớn hơn như: khớp gối, khớp vai và cột sống thì có ảnh hưởng nhưng nhẹ hơn và triệu chứng đau khớp này phần lớn là tự khỏi. Mảng phát ban được ghi nhận 50% ở các trường hợp. Ngoài ra, bệnh nhân có thể có các biểu hiện viêm miệng (25%), loét miệng (15%). Hiếm hơn bệnh nhân có thể xuất hiện các u máu, biểu bì bọng nước, buồn nôn, đau cơ, xuất huyết, gan to, hội chứng não-màng não.

Hiện nay, các xét nghiệm thường được sử dụng để chẩn đoán xác định nhiễm virus CHIKV có 2 loại chính: xét nghiệm phát hiện kháng nguyên (phân lập virus, PCR) và xét nghiệm phát hiện kháng thể (huyết thanh học ELISA và kháng thể trung hòa PRNT).

Ra quân vệ sinh môi trường và tuyên truyền diệt muỗi, lăng quăng góp phần phòng, chống bệnh sốt Chikungunya

Điều trị và phòng ngừa

Bệnh sốt CHIKV chưa có thuốc điều trị đặc hiệu để chữa bệnh. Việc điều trị bệnh chủ yếu là làm giảm thiểu các triệu chứng và biến chứng lâm sàng xảy ra. Bệnh sốt CHIKV cũng chưa có vaccine để phòng bệnh, nhưng nếu đã mắc bệnh thì có thể miễn nhiễm lâu dài với bệnh này.

Việc phòng, chống và kiểm soát bệnh sốt CHIKV phải cần xem xét những nơi muỗi truyền bệnh có khả năng hoạt động, phát triển và sinh sản. Từ đó, thường xuyên đánh giá nguy cơ, xác định địa bàn trọng điểm để kịp thời thực hiện các biện pháp can thiệp chủ động.

Theo Sở Y tế, biện pháp phòng, chống và kiểm soát bệnh sốt CHIKV cũng giống như bệnh sốt xuất huyết, cần phải tiêu diệt hết hoặc làm giảm đến mức thấp nhất số lượng muỗi đóng vai trò truyền bệnh. Muốn thực hiện được vấn đề này, cần tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe sâu rộng, huy động mọi lực lượng cùng tham gia tích cực các biện pháp như: triển khai chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy); phát hoang bụi rậm quanh nhà; lật gáo dừa, vỏ xe và các vật dụng chứa nước không cần thiết; thả cá hay sử dụng thiên địch khác để diệt lăng quăng, diệt muỗi...

Trong thời gian dịch bệnh phát triển, ngoài làm tốt công tác vệ sinh môi trường, cần chuyển đổi quy mô can thiệp sang hình thức phun chủ động hoặc dập dịch diện rộng khi đủ tiêu chuẩn. Ngoài ra, người dân tự bảo vệ tránh việc muỗi đốt truyền bệnh như: sử dụng quần áo dài phòng hộ, ngủ trong mùng (kể cả ngủ ban ngày), dùng mùng ngủ tẩm hóa chất xua diệt muỗi, các hóa chất thoa ngoài da, nhang đuổi muỗi được khuyến cáo sử dụng.

Theo Sở Y tế, khi phát hiện những triệu chứng lâm sàng như: sốt cao đột ngột 38-39oC, có các nốt xuất huyết dưới da, nhất là ở phần đùi và cẳng tay; người mệt mỏi, rét run từng cơn, niêm mạc mắt đỏ, kết mạc sung huyết, một số trường hợp bệnh nhân bị đau cơ, khớp... nhưng kết quả thử nghiệm âm tính với virus sốt xuất huyết Dengue; nên nghĩ đến bệnh sốt do virus CHIKV, vì bệnh này có biểu hiện lâm sàng gần giống với bệnh sốt xuất huyết.

Về muỗi truyền bệnh, muỗi Aedes aegypti hoặc Aedes albopictus đều có khả năng truyền bệnh sốt xuất huyết, bệnh sốt CHIKV và cả bệnh Zika. Vì vậy, các hoạt động diệt lăng quăng, diệt muỗi là biện pháp phòng ngừa chủ động, hiệu quả, cần duy trì thường xuyên và liên tục.

Ngày 18-8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước có văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm soát tình hình dịch bệnh Chikungunya. Theo đó, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố (nhất là các địa phương có đường biên giới) tăng cường tuyên truyền, phổ biến về sự nguy hiểm, lây lan nhanh chóng của bệnh; khẩn trương có các biện pháp phòng, chống bệnh cho người dân (các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Chikungunya tương tự như bệnh sốt xuất huyết). Chủ động các biện pháp phối hợp phòng bệnh, kiểm soát chặt chẽ xuất, nhập cảnh, tăng cường nắm tình hình diễn biến bệnh tại Campuchia. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, phương tiện, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống và điều trị dịch bệnh trong mọi tình huống.


HẠNH CHÂU