Bình ổn thị trường hàng hóa cuối năm

30/10/2024 - 06:46

 - Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thị trường hàng hóa 9 tháng của năm 2024 trên địa bàn tỉnh An Giang vẫn giữ nhịp độ tăng so cùng kỳ năm 2023. Để thúc đẩy tiêu dùng nội địa, khôi phục sản xuất, kinh doanh, các cấp, ngành và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp “kích cầu” tiêu dùng trong những tháng cuối năm.

Thị trường hàng hóa duy trì tăng trưởng

Trong 9 tháng qua, thương mại nội địa tiếp tục sôi động. Thời gian này trùng với Lễ hội Vía Bà chúa Xứ núi Sam nên nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí tăng. Ngoài ra, dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và 2/9 vừa qua, An Giang đón lượng lớn khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng nên sản lượng hàng hóa tiêu thụ dồi dào. Cùng với đó, các DN phân phối hàng hóa triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn để kích cầu tiêu dùng của người dân.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 9 của năm 2024 ước đạt 9.576 tỷ đồng, tăng 15,73% so cùng kỳ. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 7.008 tỷ đồng, tăng 15,46% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ gần 2.569 tỷ đồng, tăng 16,46% so cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 84.335 tỷ đồng tăng 15,23% so cùng kỳ.

Thương mại nội địa trong 9 tháng của năm 2024 tiếp tục duy trì phát triển

Theo đại diện một số DN, đơn vị phân phối, bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh, một trong những yếu tố giúp cho ngành bán lẻ giữ vững ổn định và có sức bật từ đầu năm đến nay chính là khả năng ứng biến và thích nghi với thị trường. Cùng với đó, các DN, đơn vị bán lẻ đã nhanh nhạy và kịp thời đầu tư ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển hình thức mua bán trực tuyến, giữ vững sự liền mạch của nguồn lưu chuyển hàng hóa trên thị trường… Chị Lê Thị Thanh Hoa (TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Thời gian gần đây, các siêu thị, trung tâm mua sắm áp dụng hình thức mua bán trực tiếp, giao hàng tận nơi nên việc “đi chợ” của chị em cũng đỡ vất vả hơn trước”.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường bán lẻ nhanh chóng phục hồi và phát triển, ngành công thương An Giang đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thương mại điện tử. Trong đó, tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về thương mại điện tử cho các DN. Sở Công Thương còn tranh thủ nguồn vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng chuyên doanh.

Ngoài ra, ngành còn tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, tạo sự liên kết giữa đơn vị sản xuất với nhà phân phối và người tiêu dùng, giữa các đơn vị sản xuất với nhau. Đồng thời, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn để hỗ trợ sản xuất trong nước và thúc đẩy lưu thông hàng hóa…

Bình ổn thị trường cuối năm

Với mục tiêu phấn đấu đạt được các chỉ tiêu đã đề ra theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2024, thời gian tới, ngành công thương sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ sản xuất - kinh doanh.

Theo đó, Sở Công Thương trình UBND tỉnh điều chỉnh Kế hoạch 281 /KH-UBND tỉnh, ngày 12/5/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Quyết định 1163/QĐ-TTg, ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn An Giang. Đối với hoạt động thương mại điện tử, sẽ phối hợp Cục Thuế tỉnh, tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo quy định. Đồng thời cùng các ngành liên quan hoàn chỉnh sàn thương mại điện tử An Giang và đưa vào vận hành…

Ngành công thương sẽ đồng hành các siêu thị, tổ chức chuyến xe hàng Việt về nông thôn. Cùng với đó, phối hợp UBMTTQVN tỉnh và các đơn vị có liên quan tổ chức phiên chợ hàng Việt năm 2024 trên địa bàn tỉnh... Đặc biệt, những tháng cuối năm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, tập trung ở một số mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán. Nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu, Sở Công Thương sẽ chủ động triển khai các biện pháp bình ổn thị trường. Tiếp tục theo dõi, nắm chắc diễn biến thị trường hàng hoá, giá cả các mặt hàng thiết yếu để kịp thời báo cáo và đề xuất phương án xử lý khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa trên địa bàn.

Cùng với đó, tiếp tục kết nối giao thương tại các tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên, phía Bắc hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ DN trong tỉnh khai thác các dịch vụ logistics, giảm chi phí xuất khẩu trong thời gian tới…

ĐỨC TOÀN