Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh Đông Lê Trung Anh cho biết, từ năm 2011, Bình Thạnh Đông bắt đầu xây dựng NTM. Trong quá trình triển khai thực hiện, được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện, các cơ quan, ban, ngành hỗ trợ nên tiến độ hoàn thành các tiêu chí, đầu tư xây dựng diễn ra rất thuận lợi. Bên cạnh đó, địa phương còn quan tâm đến công tác vận động, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận từ phía người dân, từ đó tổ chức thực hiện có hiệu quả. Qua 8 năm, tổng vốn đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn xã là 169 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 17 tỷ đồng, các doanh nghiệp đóng góp 3,6 tỷ đồng xây dựng cầu, đường, các công trình phúc lợi. Những bước tiến về diện mạo nông thôn, sự phát triển về kinh tế, cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư xây dựng đã góp phần đưa đời sống người dân nâng lên. Ngoài ra, xã Bình Thạnh Đông còn có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh tập trung chế biến các mặt hàng nông sản, lúa, gạo góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương. Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, góp phần cùng địa phương phát triển, các doanh nghiệp còn chia sẻ, đồng hành cùng địa phương xây dựng NTM, với nhiều đóng góp thiết thực. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người tại xã Bình Thạnh Đông đạt 42 triệu đồng/người/năm. Địa phương đang tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể nhằm phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, nâng mức thu nhập của người dân lên 45 triệu đồng/người/năm theo tiêu chí đặt ra.
Xã Bình Thạnh Đông hôm nay
Là một xã thuần nông, chương trình xây dựng NTM còn tác động tích cực để người dân Bình Thạnh Đông vươn lên nhờ sản xuất nông nghiệp. Toàn xã có tổng diện tích sản xuất nông nghiệp 980ha, trong đó sản xuất lúa, nếp 780ha; còn lại là rau màu, cây ăn trái. Qua vận động, nhân dân đóng góp đê bao khép kín 3 vùng để canh tác từ 2 vụ tăng lên 3 vụ. Vùng kiểm soát lũ của xã Bình Thạnh Đông có diện tích khoảng 1.000ha, góp phần tăng thu nhập, ổn định phát triển kinh tế của nhân dân, từ đó bà con tham gia xã hội hóa các công trình ngày càng tích cực. Theo ông Lê Trung Anh, để tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, xã vận động người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chủ động tìm hiểu, học hỏi các mô hình sản xuất mới, nhằm giảm giá thành đầu vào, tăng lợi nhuận đầu ra. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, địa phương kêu gọi người dân chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây ăn trái. Trên địa bàn xã hiện đã chuyển 20ha cây trồng, chủ lực là bưởi da xanh, xoài các loại. Đặc biệt, đối với vùng Bình Tây 2 chuyên trồng cây ăn trái với diện tích 30ha được tỉnh hỗ trợ đầu tư hệ thống chống úng và tưới tiêu áp dụng công nghệ cao, từ nay đến năm 2020 sẽ chuyển đổi phủ kín toàn diện tích. Đó là những đột phá để kinh tế của Bình Thạnh Đông vươn lên phát triển dài lâu trên nền tảng nông nghiệp.
Đối với những tiêu chí chưa đạt, xã Bình Thạnh Đông đang tập trung vào tiêu chí 4 và 17, phấn đấu hoàn thành trong tháng 3-2019. Cụ thể, tiêu chí 4 là vận động người dân sử dụng điện an toàn, do xã có nhiều hộ sản xuất rau màu nên phải kéo điện từ nhà ra rẫy phục vụ tưới tiêu. Theo thống kê, còn 160 hộ dân chưa sử dụng điện an toàn. Xã Bình Thạnh Đông sẽ phối hợp Xí nghiệp Điện - nước huyện Phú Tân đến từng hộ dân vận động, hướng dẫn, cải tạo kỹ thuật và cho người dân cam kết sử dụng điện theo đúng quy chuẩn. Còn tiêu chí 17, các chỉ tiêu về môi trường đang được các đoàn thể vận động nhân dân thực hiện việc cải tạo cảnh quan, hành lang lộ giới, làm cột cờ đồng nhất, trồng cây xanh, hàng rào, thu gom rác. Xã đang thành lập 4 đoàn xuống dân thực hiện “cuốn chiếu” ở từng ấp, đến nay đã thực hiện 2/7 ấp. Người dân cũng rất đồng tình để khẩn trương hoàn thiện tiêu chí này vào cuối tháng 3-2019.
MỸ HẠNH