Bộ GD-ĐT: Bộ Y tế chủ trì xây dựng chuẩn đào tạo nhóm ngành sức khỏe

28/05/2023 - 14:21

Xung quanh vấn đề một số trường đại học đưa môn Ngữ văn vào tổ hợp xét tuyển khối ngành y đang thu hút sự quan tâm của dư luận, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lên tiếng.

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Quyết định số 436/QĐ-TTg ngày 30/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ (ban hành Kế hoạch thực hiện khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học giai đoạn 2020-2025) đã giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng chuẩn chương trình đào tạo của khối ngành Sức khỏe. 

Đây là thông tin được Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ với báo chí sáng nay, 28/5, xung quanh việc một số trường đại học sử dụng môn Ngữ văn để xét tuyển vào ngành y.

Cũng theo bà Thủy, Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành (thực hiện theo Luật Giáo dục Đại học) quy định rõ: Chuẩn chương trình đào tạo của các ngành, nhóm ngành ở từng lĩnh vực (như lĩnh vực/khối ngành Sức khỏe do Bộ Y tế chủ trì xây dựng) phải bao gồm cả các quy định về chuẩn đầu vào cũng như các yêu cầu khác về điều kiện bảo đảm chất lượng và chuẩn đầu ra cho từng lĩnh vực, nhóm ngành, ngành đào tạo.

Khi quy định về chuẩn đầu vào, cần có quy định rõ các yêu cầu về kiến thức, năng lực… của người học, trong đó có thể có yêu cầu về kiến thức các môn trong tổ hợp xét tuyển hay bài thi đánh giá năng lực đầu vào.

Trong khi đó, quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định rõ mỗi phương thức tuyển sinh (mà cơ sở đào tạo quyết định sử dụng) phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng và xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành đào tạo. Tiêu chí đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo.

Bà Thủy cho hay Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, có trách nhiệm xem xét, xử lý khi có những dấu hiệu, hành vi vi phạm chính sách, quy chế của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý. Với những vấn đề chuyên sâu về chuyên môn như tổ hợp tuyển sinh đại học, các môn tuyển sinh đầu vào… cần lắng nghe các đơn vị đào tạo, các chuyên gia trong lĩnh vực cụ thể tương ứng.

Vì thế, bà Thủy cho rằng việc đưa môn Văn vào tổ hợp tuyển sinh y khoa ở một số trường đại học tư thục, các chuyên gia, các trường đào tạo y khoa đã lên tiếng và các trường đã giải trình, là những biểu hiện tích cực, thể hiện tinh thần tự chủ đại học, đi đôi với trách nhiệm giải trình. Qua đó, phụ huynh và thí sinh có thêm các thông tin đa chiều để nghiên cứu, lựa chọn.

"Yếu tố quan trọng nhất mà tất cả các bên liên quan đều quan tâm, đó chính là chất lượng đào tạo của các trường. Trường nào có hình thức, cách thức tuyển sinh không phù hợp, có đầu vào tuyển sinh quá thấp… thì sẽ chịu ảnh hưởng đến chính uy tín, thương hiệu, chất lượng đào tạo của mình, và về lâu về dài chắc chắn thí sinh sẽ không lựa chọn vào học," Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nói.

Khẳng định Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn lắng nghe, tiếp thu để có thể có những điều chỉnh chính sách phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước, bà Thủy cho hay trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát tổng thể phương thức tuyển sinh của các trường, trong trường hợp cần thiết sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo liên quan báo cáo, giải trình về những vấn đề mà xã hội quan tâm./.

Theo PHẠM MAI (Vietnam+)