Bộ xương chàng trai quỳ gối tiết lộ lịch sử tục hỏa táng

15/08/2020 - 18:38

Từ bộ xương quỳ gối của một thanh niên trong phát hiện khảo cổ mới đây, các nhà khoa học cho rằng tục lệ hỏa táng có thể đã xuất hiện từ 9.000 năm trước.

Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế do Fanny Bocquentin - nhà khảo cổ học và nhân chủng học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp - dẫn đầu vừa phát hiện bằng chứng về tục hỏa táng tại một địa điểm ở Beisamoun, Israel.

"Nhờ sự hiện diện của các nhà nhân chủng học, những bộ xương bị cháy được xác định và mọi sự chú ý đều tập trung vào hố chôn đặc biệt này", bà Bocquentin cho hay. 

Mảnh xương của thi thể bị hỏa táng cách đây 9.000 năm. (Ảnh: Mission Beisamoun)

Nhóm các nhà khoa học sử dụng quang phổ hồng ngoại để xác định thành phần của hố này. Từ đó, họ phát hiện ra 355 mảnh xương. 

Được đặt trong một hố lộ thiên với các bức tường cách nhiệt bao quanh, xương có dấu hiệu biến dạng, nứt nẻ, co rút. Điều này cho thấy chúng được nung nóng tới nhiệt độ lên tới 700°C. Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định, bộ xương này liên quan tới tục hỏa táng xác người mới mất chứ không phải là tàn tích của vụ hỏa hoạn. 

Kích thước và tình trạng của các mảnh xương cho thấy hài cốt này thuộc về một thanh niên. Người này sống vào khoảng năm 7013-6700 TCN, bị thương bởi đạn đá vài tháng trước khi chết. 

Vị trí của bộ xương cho thấy thi thể được đặt ở tư thế quỳ và giữ nguyên như vậy trong suốt quá trình hỏa táng. 

Quá trình chôn cất tốn nhiều thời gian và công sức. Hỏa táng giúp tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh quá trình phân hủy. Ngoài ra, từ khi hỏa táng xuất hiện, các thi thể không còn được di dời sau khi phân hủy. 

Theo bà Bocquentin, việc thay đổi cách thức xử lý thi hài có thể cho thấy sự thay đổi về cách đối xử với người đã khuất.

Theo DIỆU HOA (VTC NEWS)