Số thuốc Molnupiravir do Công ty DB - cổ đông sáng lập Tập đoàn Ecopark tài trợ.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía Nam, Bộ Y tế đã liên tục cập nhật các phác đồ về điều trị, đảm bảo để các trường hợp mắc COVID-19 được tiếp cận, chăm sóc điều trị một cách tốt nhất.
Ngày 6/10 Bộ Y tế đã ban hành phác đồ điều trị trong đó có đưa thuốc Molnupiravir vào phác đồ điều trị theo đề cương thuyết minh thử nghiệm lâm sàng.
Cùng với đó, Bộ Y tế tiếp tục triển khai mở rộng chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát F0 tại nhà và cộng đồng. Đơn vị trực tiếp triển khai là Bệnh viện Phổi Trung ương và Sở Y tế các địa phương tham gia chương trình.
Cụ thể, chương trình sẽ thí điểm điều trị có kiểm soát trường hợp mắc COVID-19 tại nhà và cộng đồng bằng thuốc Molnupiravir sẽ được diễn ra tại 12 tỉnh thành phố là: Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Đắk Nông, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu…
Từ ngày 7/10, toàn bộ số thuốc nghiên cứu Molnupiravir do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư và Phát triển DB - cổ đông sáng lập Tập đoàn Ecopark tài trợ đã được bàn giao cho 10 tỉnh thành để phục vụ cho chương trình của Bộ Y tế.
Đây là một phần trong kế hoạch tài trợ gần 2 triệu viên Molnupiravir mà Công ty DB - cổ đông sáng lập Tập đoàn Ecopark cam kết tài trợ cho Bộ Y tế.
Dự kiến sau khi được cấp phép khẩn cấp-thương mại, Công ty DB sẽ bàn giao số thuốc Molnupiravir còn lại cho Bộ Y tế phục vụ công tác điều trị hoặc là nguồn dự trữ trong trường hợp vẫn còn ca mắc COVID-19.
Trước đó, Công ty DB cũng đã trao tặng hàng trăm nghìn lọ Remdesivir cho các tỉnh thành: Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Khánh Hoà, Phú Yên, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Hà Nội. Dự kiến, công ty sẽ tiếp tục gửi tặng nhiều tỉnh loại thuốc được FDA cấp phép điều trị COVID-19 này.
Trước đó, từ cuối tháng 8, Bộ Y tế đã triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát trường hợp mắc COVID-19 tại nhà và cộng đồng bằng thuốc Molnupiravir tại Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó là một số ít tỉnh khác.
Đối với chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát bằng thuốc Molnupiravir, các trường hợp mắc COVID-19 (kết quả xét nghiệm bằng RT-PCR hoặc kit xét nghiệm nhanh tại nhà) có triệu chứng ở mức độ nhẹ sẽ được cán bộ y tế tư vấn, giải thích về chương trình, và sau khi đồng ý tự nguyện tham gia chương trình bằng văn bản, sẽ được phát thuốc.
Cùng với thuốc được phát là tài liệu hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế, Sở Y tế về tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe và liên lạc với bác sỹ phụ trách, cơ sở y tế trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng trở nặng để được giúp đỡ.
Sau 5 ngày, tất cả bệnh nhân sẽ được đánh giá về tỷ lệ âm tính với virus SARS-CoV-2 và tỷ lệ bệnh không diễn tiến sang mức độ nặng hơn. Trong suốt thời gian 14 ngày, bệnh nhân sẽ được theo dõi về triệu chứng của bệnh COVID-19 và các tác dụng phụ nếu có của thuốc.
Việc triển khai cũng như các kết quả của chương trình được ghi nhận, đánh giá và tổng kết bởi các chuyên gia, cán bộ y tế theo một đề cương nghiên cứu khoa học, chặt chẽ đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thẩm định, chấp thuận và được Bộ Y tế phê duyệt.
Molnupiravir (còn được gọi là MK-4482), ban đầu được phát triển để phòng ngừa và điều trị virus cúm SARS-CoV, MERS vào đầu những năm 2000. Nó được dùng dưới dạng viên uống hai lần/ngày trong 5 ngày.
Theo thông tin từ hãng dược Merck, Molnupiravir, viên thuốc điều trị COVID-19 của họ, đã được chứng minh trong một thử nghiệm lâm sàng quan trọng để giảm một nửa nguy cơ nhập viện hoặc tử vong khi được sử dụng cho những người có nguy cơ cao.
Hãng dược phẩm Merck cho biết thêm rằng thuốc kháng virus dạng uống molnupiravir cũng hiệu quả với tất cả các biến chủng của virus SARS-CoV-2. Merck và công ty Ridgeback Biotherapeutics cho biết sẽ nộp đơn xin cấp quyền sử dụng khẩn cấp cho Molnupiravir lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).
Vì là dạng viên, Molnupiravir có thể giúp bệnh nhân không phải đến phòng khám để được truyền máu cho các phương pháp điều trị như kháng thể đơn dòng. Điều đó làm giảm khả năng bệnh nhân lây virus cho nhân viên y tế và ngăn ngừa biến chứng tiềm ẩn liên quan truyền máu.
Việc vận chuyển và bảo quản thuốc viên uống cũng dễ dàng hơn so với thuốc truyền, nên có thể dễ phân phối với các khu vực xa xôi có nguồn lực hạn chế. Đây cũng là lý do khiến Molnupiravir có thể trở thành giải pháp chống dịch mang lại tác động lớn đối với những nơi gặp vấn đề về nguồn cung vaccine.
Theo HÀ CHI (Vietnamplus)