Bước chuyển từ quá trình hội nhập quốc tế

28/07/2021 - 08:01

 - Sau 8 năm triển khai Chương trình hành động của UBND tỉnh An Giang về phát triển kinh tế trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kinh tế - xã hội (KTXH) trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển nhất định. Nhận thức của người dân, doanh nghiệp (DN) về hội nhập càng được nâng cao.

Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng nhờ gia nhập các hiệp định thương mại tự do

Nhiều kết quả khích lệ

Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTAs) và đang trong quá trình đàm phán 2 FTAs khác. Trong đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được đánh giá là các FTA thế hệ mới, toàn diện và sâu rộng. Ngoài ra, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực vào ngày 15-11-2020. Đây được xem là FTA có quy mô thị trường lớn nhất thế giới và trình độ phát triển của các nước thành viên đa dạng, với sự tham gia của 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do.

Trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen khi Việt Nam tham gia các hiệp định FTAs, tỉnh An Giang đã xây dựng Chương trình hành động 03/CTr-UBND, ngày 13-10-2014 của UBND tỉnh An Giang về việc thực hiện Nghị quyết 49/NQ-CP, ngày 10-7-2014 về Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (gọi tắt là Chương trình hành động). Bám sát và thực hiện chương trình này, KTXH tỉnh An Giang đã có bước phát triển nhất định và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ.

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 930 triệu USD, tăng 4,49% so cùng kỳ. Đối với thị trường các quốc gia tham gia Hiệp định CPTPP, giá trị xuất khẩu đạt 125,4 triệu USD (tăng 22,6% về kim ngạch so năm 2019). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Liên minh Châu Âu (EU) đạt 53,34 triệu USD; kim ngạch xuất khẩu vào thị trường các quốc gia tham gia vào Hiệp định RCEP đạt 283,9 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu tăng trưởng khá, đạt 171,61 triệu USD (tăng 7,26% so cùng kỳ và đạt 95,34% so kế hoạch). Trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2014-2020, giá trị nông nghiệp tăng thêm 2,3%. Kim ngạch xuất khẩu của nhóm mặt hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh, như: gạo, cá, rau màu… chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh.

Bên cạnh đó, các chương trình hành động nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh An Giang, giai đoạn 2016-2020 đến nay, có sự chuyển biến rõ nét. Thể hiện rõ trong nhận thức và hành động về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với sự phát triển KTXH của tỉnh. Đặc biệt, việc đưa vào vận hành Trung tâm Phục vụ Hành chính công và Cổng dịch vụ công trực tuyến với tên miền https://dichvucong.angiang.gov.vn đã góp phần đưa tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn và đúng hạn của người dân và DN đạt 97%. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của đời sống ngày càng phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách

Để có được kết quả trên, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo các sở, ban, ngành thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, các cam kết quốc tế của Việt Nam... đến với các DN, người dân. Triển khai các chương trình, kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, DN và sản phẩm. Trong đó, tập trung triển khai Chương trình hành động thực hiện chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030; kế hoạch nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh... Xây dựng các đề án phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia... Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, An Giang thực hiện các biện pháp nhằm hiện đại hóa nền nông nghiệp, tập trung phát triển khu vực nông thôn, nâng cao mức sống người nông dân. Tiêu biểu, như: việc phối hợp hoàn thiện các chính sách, giải pháp phát triển các hình thức kinh tế hợp tác; duy trì và phát triển chương trình liên kết “4 nhà”; thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững... Tỉnh còn thực hiện tốt công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng - an ninh.

Đặc biệt, tỉnh đã tăng cường các hoạt động hợp tác, giao lưu kết nối giao thương DN trong tỉnh với các DN trong và ngoài nước; cung cấp cho nhà đầu tư các thông tin, danh mục các dự án, chính sách nhằm khuyến khích, ưu đãi thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh...

Để duy trì và phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh An Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin về các rào cản kỹ thuật, hạn ngạch, xuất xứ hàng hóa... đến các DN trên địa bàn tỉnh nhằm chủ động đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa phù hợp với từng thị trường. Tiếp tục tham gia xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế và cải cách thủ tục hành chính, qua đó kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.

Thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh thông qua các giải pháp, như: phát triển các vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết phục vụ xuất khẩu; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất; phát triển các ngành công nghiệp phục vụ xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mời gọi đầu tư... Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực có khả năng tham gia cạnh tranh trên thị trường lao động trong nước và quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

ĐỨC TOÀN