Chị Lê Thị Thủy (44 tuổi) thay mẹ chăm sóc 3 đứa em bị tật nguyền
Bà Lắm tâm sự, khi nhỏ sống với cha mẹ, bà đã biết bắt ốc, hái rau; 17 tuổi lập gia đình với người thanh niên cùng xóm tên Lê Văn Gòn. Những tưởng, khi có chồng bà sẽ có được hạnh phúc như bao người khác. Nào ngờ, khi cưới nhau, cả 2 không có nghề nghiệp ổn định, sống bằng nghề bắt ốc, hái rau để nuôi con. “Tôi sinh đứa con đầu lòng năm 1970. Thời đó, cá dưới sông, trên đồng nhiều lắm. Một đêm giăng câu bắt được trên 30kg cá. Vợ chồng lấy tiền bán cá để mua gạo, nuôi con, sống qua ngày. Giờ thì người quá đông, cá dưới sông cạn dần, làm nghề câu, lưới sống rất khó khăn, chật vật. Tôi sinh được 8 đứa con, trong số này có đến 3 đứa bị nhiễm chất độc da cam” - bà Lắm khóc nức nở.
Ba người con tật nguyền của bà Lắm là Lê Thị Kim Hoàn (41 tuổi), Lê Thị Trúc (34 tuổi), Lê Phước Bạo (26 tuổi). Để duy trì sự sống của 3 người con tật nguyền, vợ chồng bà Lắm bươn chải hết cuộc đời. Khi còn sống, ông Gòn là trụ cột gia đình. Vì tập trung mưu sinh, ông đã kiệt sức và chết cách nay 26 năm. Lúc này, bà Lắm mới 41 tuổi, phải nuôi đến 8 người con, trong đó 3 người bị nhiễm chất độc da cam. “Chồng mất, mẹ con tôi sống nhờ vào tình thương của bà con, hàng xóm láng giềng. Nhờ có đứa thứ 2 khỏe mạnh nên lo cho các em. Còn thằng Út đi làm mướn để tiếp chị nuôi em. 41 năm qua, 3 con của tôi có lớn lên, cân nặng ra nhưng chúng chẳng khôn chút nào, cả ngày hết cười rồi khóc. Nhìn 3 đứa con mà tôi đứt từng đoạn ruột” - bà Lắm tâm sự.
Em Lê Thị Kim Hoàn bị bệnh phổi đã nhiều năm. Những lúc “trái gió, trở trời”, ban ngày cũng như ban đêm đều ho suốt. Còn em Bạo thì hết khóc rồi lại cười. Em bị bệnh tâm thần phân liệt, không kiểm soát được chính mình. Riêng bà Lắm thì chung sống với bệnh thấp khớp, cả cơ thể đau nhức suốt ngày. Gần 10 năm nay, nhà quá nghèo không tiền thuốc thang, bà phải sống chung với căn bệnh suy nhược cơ thể.
“Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Hội Nạn nhân chất độc da cam /dioxin huyện kết hợp với các cơ quan chức năng đã giúp lo điều trị bệnh cho 3 em, đồng thời lo chế độ, chính sách để mỗi tháng, 1 em được hưởng 405.000 đồng. Song, số tiền này không đáp ứng được cuộc sống của gia đình. Chúng tôi mong cộng đồng, những người có điều kiện thương tình giúp đỡ cho hoàn cảnh của gia đình bà Lắm…”- Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam /dioxin huyện Châu Phú Huỳnh Văn Hùng kêu gọi.
Mọi chia sẻ, giúp đỡ, bạn đọc có thể gửi về địa chỉ: Ban Công tác Xã hội- Từ thiện Báo An Giang (số 399B Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang), điện thoại: 0986.058.053.
Tên tài khoản: Báo An Giang, số tài khoản: 6700201006825 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Chi nhánh An Giang |
Bài, ảnh: MINH HIỂN