Đầu tư mạnh tay gặp ngay... “trái đắng”
Nhiều năm trung thành với nghề trồng cà phê, bà Bùi Thị Xuân ở tổ 7, thị trấn Mường Ảng cho biết: Rất hiếm năm người trồng cà phê lại bị thất bát đau đớn như năm nay, vừa mất mùa lại vừa mất giá.
Do thời tiết không thuận lợi, thị trường biến động nên người dân Mường Ảng đang “méo mặt” vì cà phê mất mùa, mất giá. V.D
“Những năm trước, cũng có thời điểm trồng cà phê gặp rủi ro, nhưng thường là điệp khúc mất mùa được giá hoặc được mùa mất giá, cái nọ bù cái kia, tính ra vẫn có lãi. Nhưng năm nay thì đúng là nông dân cả huyện hỏng ăn”, bà Xuân buồn rầu.
Bà Xuân kể, gần 20 năm vợ chồng bà cùng con cái từ dưới xuôi lên đây và cũng ngần ấy năm đã trồng, gắn bó với cây cà phê. Để có vốn liếng làm ăn, nhiều năm gia đình bà phải cầm cố sổ đỏ vay tiền ngân hàng, thậm chí đi vay bên ngoài với lãi suất cao về dồn hết vào chăm sóc cây cà phê.
Chịu thương chịu khó làm ăn, năm nào mưa thuận gió hòa gia đình bà để ra được gần 500 triệu đồng, có năm ít hơn thì cũng lãi từ 300 - 400 triệu đồng/năm. Năm nay, cà phê mất mùa, trung bình năng suất toàn huyện chỉ đạt 8 tạ/ha, trong khi giá cà phê tươi xuống thấp kỷ lục, chưa được 4.000 đồng/kg (bằng 1 nửa so với năm ngoái).
“Năm ngoái gia đình tôi có đủ vốn nên không phải vay lãi ngân hàng nữa. Vợ chồng tôi quyết định bỏ hơn 1 tỷ đồng mua phân bón, thuê người chăm sóc 27ha cà phê và đầu tư 600 triệu đồng mua máy sấy cà phê. Lãi chưa thấy đâu thì cà phê năm nay vừa mất mùa, giá lại thấp. Cứ đà này đến hết vụ, gia đình tôi không những mất công mà lại chẳng được đồng lãi nào” - bà Xuân than thở.
Cùng chung cảnh ngộ là hộ bà Nguyễn Thị Dung (bản Cang, xã Ảng Cang) cũng vay ngân hàng hơn 500 triệu đồng mua phân bón và thuê người chăm sóc. Nhưng theo ước tính, đến cuối vụ cà phê gia đình bà sẽ chỉ thu được khoảng 200 triệu đồng.
“Gia đình tôi có 23ha cà phê trồng ở hai xã Mường Đăng và Mường Ảng, thế nhưng đến giờ thu hoạch phải nhặt từng quả. Sắp hết vụ rồi mà chưa gom nổi 7 tấn cà phê trấu, bây giờ tôi không biết lấy tiền đâu ra trả gốc, trả lãi ngân hàng, năm tới cũng không biết lấy vốn đâu để làm ăn tiếp” - bà Dung chua xót nói.
Lý giải nguyên nhân sản lượng cà phê năm nay giảm, ông Kiều Xuân Hoàng - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Mường Ảng cho biết: Do thời tiết không thuận lợi, lúc cây cà phê ra hoa gặp mưa lớn nên tỷ lệ đậu quả không cao, mặt khác, theo quy luật năm ngoái cà phê đậu quả rất sai nên đã lấy đi lượng lớn chất dinh dưỡng tích trong cây, làm cây suy kiệt.
Người trồng cà phê mong giúp sức
“Ngoài ra, cũng do tâm lý người dân những năm gần đây chịu áp lực về giá cà phê bấp bênh, đâm ra chán nản, không chịu khó chăm sóc vườn dẫn đến sản lượng sụt giảm”, ông Hoàng lý giải thêm.
Do thời tiết không thuận lợi, lúc cây cà phê ra hoa gặp mưa lớn nên tỷ lệ đậu quả không cao, khiến năng suất nhiều vườn cà phê ở Mường Ảng sụt giảm.
Trước thực trạng khó khăn, thua lỗ, một số hộ ở Mường Ảng đã tính đến chuyện sẽ chuyển đổi một phần diện tích cà phê sang trồng cây ăn quả. Nhưng tâm lý chung của đại đa số người dân vẫn muốn duy trì và chăm sóc những diện tích cà phê hiện có. Bà con cho biết, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của thung lũng Mường Ảng rất phù hợp để cây cà phê sinh trưởng, phát triển cũng như cho chất lượng thơm ngon.
Ông Tong Văn Chung ở bản Búng 1, xã Búng Lao, huyện Mường Ảng chia sẻ: Nhiều năm gắn bó với cây cà phê, mất bao nhiêu công sức, tiền của vào chăm bẵm, bây giờ nói bỏ đi trồng cây khác thật không dễ dàng. Mà bỏ rồi thì không biết trồng cây gì thay thế cho hiệu quả hơn, rồi cũng phải đầu tư, mất thời gian chăm sóc, chờ đợi mới được thu hoạch nữa.
“Giờ nông dân khó khăn như vậy, chỉ mong chính quyền địa phương có giải pháp hỗ trợ chúng tôi vốn đầu tư và sớm tìm đầu ra ổn định cho cây cà phê, giúp người dân yên tâm sản xuất”, ông Chung đề xuất.
Theo định hướng của chính quyền huyện Mường Ảng, xác định về lâu dài cà phê vẫn là cây trồng chủ lực trong xóa đói giảm nghèo của địa phương, bởi vậy mục tiêu từ nay đến năm 2020, huyện phấn đấu giữ vững diện tích gần 2.500ha cà phê hiện có và nâng sản lượng lên trên 8.000 tấn.
"UBND huyện sẽ báo cáo với UBND tỉnh Điện Biên và các sở, ngành xem xét có chính sách hỗ trợ cho người dân về vật tư và phân bón có thể trong 3 năm tới. Cụ thể, năm đầu hỗ trợ 70% lượng phân bón, năm thứ 2 hỗ trợ 50% và năm thứ 3 hỗ trợ 20%”.
Ông Nguyễn Hữu Hiệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng
|
Theo Dân Việt