Nhà máy thiếu nguyên liệu trầm trọng
Thông tin Bộ Thương mại Mỹ (DOC) nâng thuế chống phá giá cá tra Việt Nam lên gấp 10 lần, dường như chưa tác động đến thị trường cá tra nguyên liệu trong nước ở thời điểm hiện tại. Cá tra bán ra tại hầm ở các tỉnh khu vực ĐBSCL vẫn đang dao động quanh ngưỡng 30.000 đồng/kg tùy loại.
Giá cá tra nguyên liệu vẫn giữ giá là do nguồn cung nguyên liệu đang thiếu trầm trọng. Ảnh minh họa
Theo phân tích của giới xuất khẩu, giá cá tra nguyên liệu vẫn giữ giá là do nguồn cung nguyên liệu đang thiếu trầm trọng. Ở tất cả các vùng nuôi, số diện tích ao hầm nuôi cá khá thưa, nên các nhà máy thiếu hụt 60 – 70% nguyên liệu, trong khi thị trường Mỹ, EU, Nam Mỹ, ASEAN, nhất là Trung Quốc vẫn nhập khẩu đều đặn cá tra Việt Nam với số lượng khá lớn.
Hiện tại, với giá 30.000 đồng/kg (loại cá đạt trọng lượng 1 – 1,1kg), người nuôi lời khoảng 9.000 đồng/kg, nếu thương lái mua loại nhỏ hơn, rút ngắn thời gian nuôi, mức lời còn cao hơn.
“Không còn cá ở An Giang, các nhà máy cho nuôi gia công từ mức bảo đảm người nuôi lời 1.000 – 2.000 đồng/kg đã nâng mức trả công từ 5.000 đồng/kg, và nay tiếp tục tăng lên 10.000 đồng/kg” - ông Huỳnh Thanh Bình-Giám đốc HTX thủy sản Thắng Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, đang nuôi cá trên diện tích 20ha cho biết.
Thế nhưng, nhắc đến chuyện xuống tiền đầu tư, bà Năm - một người nuôi ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, khoát tay: “Bây giờ ai cũng thủ hết rồi”. Thực tế, dù giá cá nguyên liệu đang đưa đến mức lời hấp dẫn, cao nhất từ trước đến nay, nhưng song song đó, giá cá giống cao không kém.
Cùng kỳ năm ngoái, bà Năm cho biết giá cá giống loại 30 con/kg ngang giá cá thịt bây giờ, nay đã lên hơn gấp đôi, khoảng 70.000 – 75.000 đồng/kg. Và, rủi ro nuôi cá giờ cũng cao hơn trước, tỷ lệ cá chết cao hơn. “Một hầm cá dự tính thu vào 400- 500 tấn, nhưng tới lứa cân chưa đến 300 tấn, hụt gần nửa. Nếu tới đây giá cá nguyên liệu sụt thì chỉ có lỗ!” - bà Năm nói.
Thu hoạch cá tra tại tổ hợp tác nuôi cá tra Tân Thạnh, xã Tân Hội, TP.Vĩnh Long. Ảnh: Vũ Sinh
Thị trường xuất khẩu cũng đang có dịch chuyển, hàng chục công ty không vào được thị trường Mỹ sau vụ thuế cao, bắt đầu đưa hàng sang Trung Quốc. Có doanh nghiệp vì quá sợ rủi ro thanh toán với thương lái Trung Quốc đã tìm khách hàng ở Mexico, Brazil vốn đang có nhu cầu cao, điều này dự báo sẽ khiến cuộc cạnh tranh nguyên liệu càng gay gắt hơn.
Trong khi đó, một số người nuôi gia công cũng cho rằng nếu bẻ kèo bán được giá cao, lợi nhuận thấy ham; nhưng tiếp tục nuôi là chuyện không phải dễ vì thời tiết thay đổi, nguồn cá giống hao hụt tới 30 – 40%, loại 30 con/kg giá khoảng 70.000 đồng, thậm chí 75.000 – 80.000 đồng/kg.
Một yếu tố rủi ro khác đó là mấy năm trước, nuôi lứa cá khoảng 5 tháng mới đạt 10 con/kg, nuôi thêm 2 tháng nữa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (800 – 850g/con).
Bây giờ, nhà máy yêu cầu cá phải đạt trọng lượng 750g tới 1kg/con, họ muốn bắt chừng nào thì bắt, nên tỷ lệ sinh lời giảm lại. Không ít người nuôi gia công đối phó bằng cách cho cá ăn ít lại để có dư thức ăn.
Giá cá lên “đỉnh”, người nuôi vẫn sợ
“Có nhiều đại gia phất lên từ con cá cách nay hơn chục năm, sau đó đầu tư, mở rộng vùng nuôi và bị mất trắng do giá cá trồi sụt. Từ 2011 – 2016, chu kỳ giảm giá nhiều hơn tăng. Nay, cho dù giá cá đang đạt đỉnh, họ cũng không ham nữa. Ông nào nuôi cá có lời cũng “cảnh giác”, chỉ dám đầu tư nhỏ giọt” - một người nuôi cá ở Cần Thơ, phân tích khi trao đổi với phóng viên NTNN.
Thực tế là giá cá tra nguyên liệu còn phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường xuất khẩu. Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, giá trị xuất khẩu trong hai tháng đầu năm sang thị trường Trung Quốc – Hongkong tiếp tục tăng mạnh 132% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam, đạt 41 triệu USD, chiếm 24% tổng xuất khẩu cá tra. Thị trường Mỹ với 26 triệu USD đã xuống vị trí thứ 2.
Trong khi đó, thị trường ASEAN cũng đạt 19,1 triệu USD, tăng 126% so cùng kỳ năm trước. Thị trường Mexico, Colombia và Saudi Arabia có giá trị xuất khẩu tăng trưởng lần lượt 56%, 81% và 79%.
Trong những tháng tới, dự báo các thị trường nhập khẩu cá tra vẫn duy trì nhu cầu ổn định ở mức cao, đặc biệt là thị trường Trung Quốc; còn thị trường Mỹ, tuy chỉ còn 2 công ty là Vĩnh Hoàn và Biển Đông, nhưng khả năng sản lượng cá bán vào đây vẫn cao. Hiện, giá cá tra xuất khẩu vào thị trường Mỹ trung bình hơn 5 USD/kg, không có nhiều thay đổi so với trước thời điểm DOC công bố mức thuế mới (POR13). Mặt bằng giá cá tra cao tại Mỹ được đánh giá là có lợi, kéo giá cá ở các thị trường khác.
“Nguyên liệu cạn kiệt là yếu tố quan trọng, khẳng định từ nay đến hết năm 2018 giá cá tra nội địa và xuất khẩu vẫn cao, bất chấp những rào cản từ Mỹ” - đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu cá khẳng định.
Theo Dân Việt