Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Ông Nobufumi Miura, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, hiện nay, với sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và cũng không ít đơn vị đang xây dựng kế hoạch đầu tư mới và đầu tư bổ sung trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng hoạt động đầu tư vào Việt Nam vẫn còn có một số điểm bất cập.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản nêu cụ thể những điểm bất cập như tính dự báo của chính sách pháp luật của Việt Nam còn thấp; thủ tục hành chính còn rườm rà, khó có thể dự kiến được lịch làm việc.
Ông Miura bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam có giải pháp phù hợp, cụ thể là đẩy nhanh tốc độ ra quyết định thông qua việc phân cấp quyền hạn và làm rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền.
Với vai trò là đại diện cho các doanh nghiệp Nhật Bản, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác thông qua đối thoại nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau về bản chất của các vấn đề cũng như tìm ra giải pháp vì sự phát triển và phồn vinh của Việt Nam.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam, ông Hong Sun - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam bày tỏ lạc quan về nền kinh tế.
Nhiều công ty Hàn Quốc đầu tư thêm vào các lĩnh vực công nghệ cao của Việt Nam, ông Hong Sun cho hay. Ví dụ, LG Chem đang tính toán kỹ lưỡng để đầu tư vào Việt Nam như một điểm đầu tư quy mô lớn nhằm thiết lập một nhà máy pin lithium-ion cho ô tô và xe máy điện. Họ đang có kế hoạch lắp đặt dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh, bao gồm cả vật liệu, vỏ pin và đóng gói bao bì, điều này sẽ thúc đẩy đáng kể sự tiến bộ của cơ cấu công nghiệp Việt Nam.
"Tuy nhiên, để thu hút đầu tư công nghệ cao như vậy, bắt buộc các bộ luật và thể chế của Việt Nam phải có một số cải cách cần thiết", Phó Chủ tịch Korcham nói.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc nhận định, hiện tại là thời điểm thích hợp để Chính phủ Việt Nam đưa ra các ưu đãi mới và táo bạo về chính sách, mang lại sức sống cho các ngành công nghiệp đầy triển vọng trong tương lai như xe điện và năng lượng mặt trời.
Ông cho biết, nhiều công ty Hàn Quốc đã bày tỏ mối quan ngại liên quan đến những lời hứa được đưa ra tại thời điểm đầu tư ban đầu vẫn chưa được thực hiện. Cụ thể, họ chỉ ra sự không nhất quán trong ưu đãi thuế.
Ông lấy ví dụ, việc giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho công nhân tại các khu kinh tế (bao gồm Khu công nghiệp Tràng Duệ ở Hải Phòng) đã bất ngờ bị chấm dứt bởi một Nghị định mới được thông qua năm 2018.
Theo bà Virginia Footer - Phó Chủ tịch Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), các nhà đầu tư nước ngoài chất lượng cao không chỉ giúp phát triển nền kinh tế Việt Nam, mà còn giúp phát triển toàn bộ hệ sinh thái của các công ty và doanh nhân địa phương tại đây.
Amcham nhìn thấy những cơ hội to lớn ở Việt Nam, cho cả khu vực doanh nghiệp trong và ngoài nước. Theo bà Virginia, căng thẳng thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc leo thang đẩy nguy cơ tập trung các cơ sở sản xuất tại một quốc gia cũng như kích hoạt việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng.
"Chúng tôi thấy các công ty chuyển một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam đang ở một ví trị sẵn sàng đón nhận những cơ hội như thế này", bà nhận định.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào Việt Nam có thể tận dụng triệt để các cơ hội toàn cầu này để tiếp tục quỹ đạo đi lên nhanh chóng của nền kinh tế? Để làm được điều đó, bà Virginia Footer cho rằng cần phải quan tâm đến một số lĩnh vực ngay lúc này.
Cụ thể, theo bà Virginia, nhà đầu tư nước ngoài và trong nước cần một sân chơi bình đẳng, không chỉ để thu hút thêm đầu tư trong tương lai, mà còn để duy trì sự đầu tư đã có ở đây.
Tuy nhiên một số điều khoản của Luật và Nghị định dường như làm khó các công ty nước ngoài.
Đặc biệt, đối với nhu cầu năng lượng điện, lãnh đạo Amcham cho biết, có một nhu cầu rõ ràng và cấp bách để giải quyết sự thiếu hụt nguồn cung so với nhu cầu về điện, đặc biệt ở khu vực phía Nam.
Ông Kyle Kelhofer - Giám đốc khu vực cấp cao IFC Việt Nam, Campuchia và Lào nêu quan điểm: Thách thức đặc biệt là khả năng cạnh tranh chuỗi cung ứng - một cơ hội cho nhiều ngành kinh tế bao gồm sản xuất, nông nghiệp và công nghệ.
Trong 20 năm làm việc với nhóm Ngân hàng Thế giới, ông Kyle Kelhofer đã làm việc tại hơn 50 quốc gia và hầu hết các quốc gia này vẫn đang khao khát đạt được mức vốn đầu tư nước ngoài như Việt Nam.
Tuy nhiên cho đến nay, theo ông Kyle Kelhofer, Việt Nam chủ yếu tập trung vào sản xuất và lắp ráp linh kiện trung cấp. Điều này là hoàn toàn tốt, nhưng để đạt được giá trị thực sự và đầy đủ thì Việt Nam cần đầu tư vào các hoạt động tiền sản xuất như đầu tư vào khâu thiết kế, đầu tư vào các hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) cũng như các hoạt động sau sản xuất bao gồm cả dịch vụ và tiếp thị kỹ thuật số.
Giám đốc khu vực cấp cao IFC khuyến nghị Chính phủ Việt Nam tiến hành xây dựng một chiến lược FDI cập nhật, tăng cường chuỗi cung ứng. Cụ thể, cần chủ động hướng tới mục tiêu khuyến khích, ưu đãi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư; thu hút và phát triển doanh nghiệp dựa trên lợi thế cạnh tranh lâu dài; ưu đãi dựa trên hiệu suất...
Theo AN BÌNH (Báo Chính Phủ)