Các đơn vị y tế không lơ là phòng, chống dịch Covid-19, không được từ chối bệnh nhân khám chữa bệnh dịp Tết

18/01/2023 - 19:23

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, trong khi mọi người hối hả chuẩn bị đón năm mới thì tại các bệnh viện trên cả nước, công tác khám, chữa bệnh vẫn diễn ra bình thường. Cùng với đó, các phương án cấp cứu, phòng, chống dịch bệnh… trong những ngày nghỉ Tết cũng đã được các bệnh viện hoàn thành, bảo đảm khám chữa bệnh dịp Tết.

Sẵn sàng trực xuyên Tết

PGS, TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn công tác cùng lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, Văn phòng của Bộ Y tế đã tới chúc Tết và kiểm tra công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 dịp Tết Quý Mão tại Bệnh viện E. Tại buổi kiểm tra, bác sĩ Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, trong dịp này Bệnh viện đã lên kế hoạch trực Tết 4 cấp: Trực lãnh đạo, xử lý thông tin đường dây nóng; trực chuyên môn; trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ. Danh sách cán bộ trực được niêm yết tại các khoa, phòng. Có kế hoạch về phòng chống cháy nổ, thảm họa, tai nạn hàng loạt; phòng chống rét cho người bệnh; Sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, tham vấn về chuyên môn khi cần thiết. Đồng thời, Bệnh viện đã có kế hoạch kết hợp với các tổ chức, cá nhân các nhà hảo tâm tặng quà cho người bệnh; Đảng ủy, Ban Giám đốc và Công đoàn Bệnh viện chăm lo đời sống cho cán bộ viên chức, người lao động Tết đủ đầy, sum vầy và hạnh phúc.

 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương kiểm tra công tác khám chữa bệnh dịp Tết tại Bệnh viện E. Ảnh: TRẦN MINH

Theo GS, TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, là bệnh viện tuyến cuối về ngoại khoa nên vào mỗi dịp lễ, Tết, số bệnh nhân nhập viện, cấp cứu tại bệnh viện cao hơn ngày thường. Hiện các khoa trong bệnh viện đã lên lịch phân công trực Tết cụ thể. Theo đó, mỗi ngày có từ 400-500 nhân viên y tế tham gia công tác trực cấp cứu tại tất cả khoa. Ngoài ra, bệnh viện cũng đã chuẩn bị thuốc men, thiết bị y tế đầy đủ; lên phương án triển khai cấp cứu thảm họa, các ê-kíp cấp cứu ngoại viện luôn trong tư thế sẵn sàng khi có lệnh điều động.

Sở Y tế Hà Nội cũng vừa ban hành kế hoạch bảo đảm công tác cấp cứu tai nạn giao thông của ngành Y tế Thủ đô năm 2023. Theo đó, Sở Y tế Hà Nội đề nghị các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch bảo đảm công tác tiếp nhận, cấp cứu, điều trị nạn nhân trên tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Nội Bài - Lào Cai, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Trong đó, Sở Y tế Hà Nội giao Bệnh viện Đa khoa Đông Anh; Bệnh viện Bắc Thăng Long chuẩn bị sẵn sàng cấp cứu, điều trị nạn nhân trên tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai; Bệnh viện Đa khoa Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Trì cấp cứu, điều trị nạn nhân trên tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Gia Lâm, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cấp cứu, điều trị nạn nhân trên tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Riêng Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội chịu trách nhiệm tổ chức sơ cứu, cấp cứu tại chỗ và vận chuyển, hồi sức cấp cứu người bị tai nạn giao thông về các cơ sở khám, chữa bệnh phù hợp yêu cầu tình hình thương tật. Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các bệnh viện và trung tâm y tế quận, huyện, thị xã thành lập các tổ cấp cứu ngoại viện sẵn sàng đáp ứng tiếp nhận, điều trị nạn nhân khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.

Bảo đảm Tết ấm áp, tươi vui cho cán bộ, nhân viên y tế trực Tết

Còn ngành Y tế TP Hồ Chí Minh đã giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) duy trì giám sát diễn tiến của biến thể virus mới xuyên Tết; tiếp tục phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) lấy mẫu trong cộng đồng và bệnh viện, thực hiện giải trình tự gen, phát hiện biến thể mới của Omicron (nếu có). Sở Y tế giao lãnh đạo các bệnh viện, trung tâm y tế có giường điều trị Covid-19 rà soát, bảo đảm công tác thu dung, điều trị bệnh nhân khi cần thiết; lập kế hoạch phân công nhân sự tham gia Bệnh viện dã chiến số 13 khi được Sở Y tế điều động. Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong dịp Tết, việc giao lưu, đi lại qua biên giới sẽ tăng cao nên nguy cơ xâm nhập của các biến thể phụ vào nước ta là rất lớn. Do đó, Sở Y tế giao HCDC tăng cường phòng chống dịch, trực 24/7 tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất và các cảng hàng hải, thực hiện giám sát tất cả người nhập cảnh bằng máy đo thân nhiệt từ xa và quan sát thực tế. Người có triệu chứng nghi ngờ sẽ được đưa đến khu vực cách ly tạm thời để khám sàng lọc, khai thác yếu tố dịch tễ và lấy mẫu test nhanh Covid-19.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị y tế phải bảo đảm công tác cấp cứu dịp Tết 

Không được từ chối bệnh nhân

Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng yêu cầu các bệnh viện tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh, dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám, chữa bệnh, đặc biệt là cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm. Bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cơ sở y tế cần xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác.

Đối với người bệnh còn điều trị tại bệnh viện trong dịp Tết, Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị các đơn vị tổ chức thăm hỏi và tổ chức đón Tết cho người bệnh, trong đó chú ý đối tượng người bệnh nghèo, người bệnh thuộc đối tượng chính sách. Đặc biệt, chú ý nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, giao tiếp, ứng xử ân cần, hòa nhã. Thực hiện đúng các quy định liên quan và quy trình chuyên môn kỹ thuật. Cùng với đó, các cơ sở y tế cần có phương án đối phó với tai nạn, ngộ độc, cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân về các nguy cơ tai nạn hay gặp ngày Tết, như: Thảm họa do tập trung đông người tại các sự kiện và điểm du lịch, tai nạn giao thông do rượu bia, đánh nhau, pháo nổ, vũ khí vật liệu nổ tự chế, ngộ độc thực phẩm.

Theo HÀ VŨ (Quân đội nhân dân)