Cách chăm sóc người khuyết tật nhiễm COVID-19 cách ly điều trị tại nhà

17/12/2021 - 10:11

 - Hỏi: Nếu người nhiễm cách ly điều trị tại nhà là người khuyết tật, cao tuổi việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Vậy, cần phải chăm sóc thế nào?

Sở Y tế An Giang trả lời:

Do tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, khó dự báo. Bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể bị nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, một số người nhiễm hoặc nghi nhiễm có thể trạng đặc biệt, như: Người khuyết tật, người mắc các chứng tâm thần và người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) sẽ cần được chăm sóc cẩn thận để bảo đảm bệnh không diễn tiến nặng, xử trí kịp thời cả tình trạng COVID-19 và các bệnh lý nền, nâng cao thể trạng và sớm phục hồi.

Với mục tiêu đó, bác sĩ Trần Thị Diễm Hằng, thuộc mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” (do Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống COVID-19 thành lập) chỉ ra các lưu ý và hướng dẫn cụ thể cho các đối tượng trên để người chăm sóc và cả người bệnh có thể dễ dàng thực hiện trong quá trình cách ly tại nhà. 

Dó đó, trong thời gian cách ly và điều trị COVID-19 tại nhà, người nhiễm và người chăm sóc cần đặc biệt lưu ý tới diễn biến của bệnh.

Đối với người khuyết tật nhiễm COVID-19, ngoài việc cần chăm sóc như những người khác, thì cần được quan tâm, chăm sóc đặc biệt hơn bởi họ gặp khó khăn trong việc tự phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, cần động viên, cổ vũ để người bệnh tự tin vào bản thân, để học kiến thức về phòng, chống COVID-19 và cách ly y tế, điều trị tại nhà.

Một số người khuyết tật nặng cần có người trợ giúp chăm sóc,

Người khuyết tật có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 với mức độ nặng cao hơn, vì vậy người chăm sóc thường sẵn sàng các tình huống phải liên lạc với nhân viên y tế, theo dõi sát dấu hiệu của người nhiễm và vận chuyển, cấp cứu kịp thời tại các cơ sở điều trị COVID-19 trên địa bàn khi có các dấu hiệu khẩn cấp. Kết hợp các hoạt động luyện tập phục hồi chức năng, tăng cường sức khỏe thể chất, tinh thần để giúp bù đắp cho việc hạn chế các hoạt động bên ngoài và tình trạng căng thẳng, lo lắng, trầm cảm, thất vọng. Thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn dụng cụ trợ giúp người khuyết tật trước và sau khi sử dụng.

Đối với người cao tuổi: Là đối tượng có nguy cơ mắc tình trạng nghiêm trọng khi mắc COVID-19 cao hơn các lứa tuổi khác, những người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) cần đặc biết chú ý bởi tuổi càng cao, nguy cơ mắc bệnh mức độ càng cao.

Người cao tuổi và người chăm sóc cần biết, theo dõi để phòng, tránh nguy cơ diễn biến nặng và cần chuyển cấp cứu kịp thời tại bệnh viện trên địa bàn khi có các dấu hiệu cảnh báo khẩn cấp; thực hiện nếp sống sinh hoạt lành mạnh; có chế độ ăn dinh dưỡng (1.700-1.900 Kcal/ngày). Nếu như người bệnh ăn uống không đủ, cần uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng, từ 1-2 cốc mỗi ngày.

Là đối tượng mắc nhiều bệnh lý nền, vậy nên cần thực hiện nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng bệnh lý và sử dụng thuốc đang điều trị bệnh sẵn có theo chỉ định của bác sĩ điều trị (không bỏ thuốc). Kết hợp tăng cường luyện tập tại phòng cách ly, trên giường tùy theo điều kiện bằng các bài tập phục hồi chức năng, xoa bóp, hỗ trợ tập luyện để nâng cao sức khỏe.

Tài liệu hướng dẫn chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà do Bộ Y tế phát hành.

H.C