Cái giá tiếp theo của bà “trùm” Mười Tường

21/08/2023 - 06:47

 - Sau khi bị khởi tố và bắt tạm giam vì liên quan đến vụ vận chuyển trái phép 51kg vàng 9999 qua biên giới, cơ quan điều tra tiếp tục xác định Nguyễn Thị Kim Hạnh (Mười Tường, sinh năm 1969, ngụ xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang) có vai trò chủ mưu, cầm đầu ở các vụ án khác. Từ năm 2022 đến nay, Mười Tường bị xử phạt tất cả 4 tội danh cùng với những mức án nghiêm nhằm răn đe, phòng ngừa chung trong toàn xã hội.

Sau nhiều ngày xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên án Nguyễn Thị Kim Hạnh cùng 24 đồng phạm trong vụ buôn lậu 51kg vàng và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Theo đó, mức xử phạt đối với Hạnh là 23 năm tù, Phạm Tấn Lộc (sinh năm 1986) 13 năm tù và Mai Thị Ngọc Phấn (sinh năm 1979) 10 năm tù, với các tội “Buôn lậu” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, đồng thời phạt bổ sung Hạnh 150 triệu đồng. Riêng nhóm bị cáo thuộc tiệm vàng bị phạt mức án từ 7 - 10 năm tù; đồng thời phạt bổ sung mỗi bị cáo 100 triệu đồng về tội “Buôn lậu”. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 3 - 8 năm tù.

Tại phiên tòa, qua xét hỏi, kết quả tranh tụng cho thấy, lời khai nhận tội của các bị cáo tại tòa hoàn toàn phù hợp với các bị cáo trong giai đoạn điều tra, phù hợp lời khai những người liên quan. Riêng Nguyễn Thị Kim Hạnh không thừa nhận bản thân chủ mưu, cầm đầu và phân công, chỉ đạo cho các bị cáo khác trong đường dây buôn lậu vàng.

Nhưng qua lời khai vào ngày 30/10/2020 của các bị cáo làm công cho Hạnh (Lộc, Phấn, Vân, Minh, Trung…) thì trước đây, Hạnh phân công Lộc nhiều lần nhận đô-la của Trần Thị Thảo Trang (sinh năm 1971, ngụ phường 14, quận 5, TP. Hồ Chí Minh), tiệm vàng Thảo Kim Thành; Nguyễn Thị Tuyết Vân (sinh năm 1966, ngụ khóm 5, phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc), tiệm vàng Vân An; Nguyễn Ngọc Đại Nghĩa (sinh năm 1989, ngụ phường Bến Thành, quận 1, TP. Hồ Chí Minh), tiệm vàng Kim Ngọc Mai; Trương Văn Liêm (sinh năm 1966), tiệm vàng Trương Liêm; Trương Thái Nguyên (sinh năm 1980), tiệm vàng Trương Hưng; Dương Công Cường (sinh năm 1950), cùng ở phường Châu Phú A (TP. Châu Đốc). Số tiền này dùng để mua vàng của Tuốt, Hía, PhaNa (sống tại Campuchia, không rõ họ, tên, địa chỉ cụ thể) chuyển về Việt Nam. Sau đó, nhận vàng từ những người này vận chuyển về Việt Nam giao lại để hưởng tiền công.

Các bị cáo nghe tuyên án

Bản thân Lộc được phân công nhận đô-la từ các tiệm vàng đi qua Campuchia, Phấn theo dõi lượng tiền và vàng đã nhận thông qua tin nhắn. Mặt khác, Hạnh cũng thừa nhận đã thảo thuận với vợ chồng Cường nhận giao tiền, vàng nhằm tạo công ăn việc làm cho đàn em; nếu hàng mất thì Hạnh sẽ bồi thường.

Các bị cáo là chủ tiệm vàng cũng xác định, nếu không có bị cáo Hạnh tham gia thì các bị cáo đã không đưa tiền, vàng cho Lộc, Phấn. Điều này chứng minh, Hạnh tham gia với vai trò chính, chủ mưu cầm đầu, phân công các bị cáo khác tham gia vận chuyển tiền, vàng xuyên suốt từ năm 2018 đến khi bị bắt quả tang; có mắc xích, dây chuyền ở từng nhiệm vụ các bị cáo được phân công.

Theo kết quả điều tra, trưa 30/10/2020, lực lượng liên ngành tỉnh An Giang tuần tra tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia (thuộc phường Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc) thì phát hiện Nguyễn Hoàng Út (sinh năm 1971, ngụ huyện An Phú) điều khiển tắc ráng từ hướng Campuchia đến khu vực tổ 7 (khóm Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Nguơn) cặp vào bờ đường Tuy Biên.

Cùng lúc, Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1991), Trần Văn Hải (sinh năm 1971), Võ Văn Trung (sinh năm 1980) và Nguyễn Hữu Phước (sinh năm 1989, ngụ xã Châu Phong, TX. Tân Châu) đi bộ đến lấy 3 bọc ny-lon bên trong có chứa gần 51kg vàng 99,99% (tương đương 1.357 lượng vàng). Lực lượng liên ngành bắt giữ được Hải cùng tang vật, còn Minh, Út, Phước, Trung bỏ trốn. Cùng ngày, Minh và Võ Minh Tâm (sinh năm 1987, ngụ phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc), Phan Văn Bồ đến trụ sở công an đầu thú.

Kết quả giám định cho thấy, số vàng có giá trị hơn 71 tỷ đồng. Quá trình điều tra xác định, Trang, Tuyết Vân, Nghĩa, Liêm, Nguyên và Cường có thỏa thuận chuyển đô-la từ Việt Nam sang Campuchia để mua vàng của Tuốt, Hía, PhaNa chuyển về Việt Nam. Sau đó, Tuốt, Hía, PhaNa thuê Hạnh vận chuyển đô-la, vàng giao cho Tuyết Vân, Nghĩa, Cường và Nguyên, sau đó giao lại cho Trang; ký hiệu trên mỗi gói đô-la, vàng được quy ước riêng tương ứng với từng tiệm vàng.

Để vận chuyển đô-la, vàng qua lại biên giới, Hạnh thuê và phân công Phấn, Lộc trực tiếp liên hệ với Nguyên, Cường, Tuyết Vân, Nghĩa nhận đô-la, giao vàng và nhận tiền công vận chuyển. Lộc, Lê Thị Bạch Vân (sinh năm 1966, ngụ xã Kiến An, huyện Chợ Mới) kiểm đếm số lượng đô-la, vàng rồi cùng các bị cáo khác vận chuyển đô-la sang Campuchia và nhận vàng vận chuyển về nhà của Hạnh để giao lại các tiệm vàng; một nhóm bị cáo khác được phân công cảnh giới đường đi.

Tại tòa án, đa phần các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, thành khẩn, ăn năn và xin giảm nhẹ hình phạt, nhưng một số bị cáo vẫn còn quanh co nhằm trốn tránh trách nhiệm. Tuy nhiên, trước chứng cứ rõ ràng, Hội đồng xét xử xác định hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm hại nghiêm trọng trật tự quản lý kinh tế của nhà nước. Trong đó, Nguyễn Thị Kim Hạnh là người chủ mưu, cầm đầu chỉ đạo mọi hoạt động của các bị cáo trong đường dây nên phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án.

NGUYỄN HƯNG