Theo các hộ tiểu thương, họ mua bán ổn định tại chợ Bắc Cái Đầm lâu nay. Đầu năm 2018, UBND xã Tân Hòa có chủ trương tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa chợ cũ thành chợ an toàn vệ sinh thực phẩm, để đạt tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới. “Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện, địa phương không tổ chức họp dân lấy ý kiến, không lắng nghe tâm tư nguyện vọng của tiểu thương. Họ chỉ thông báo chung rằng sẽ cải tạo lại chợ, tiến hành đập vách 2 dãy kios trống (khoảng 32 hộ) dồn vào 2 dãy còn lại. Do vậy, có hộ vẫn tiếp tục kinh doanh, dù khó khăn ế ẩm. Có hộ thì hoàn toàn không mua bán được, phần vì đặc thù mặt hàng kinh doanh, phần vì đơn vị thi công đổ cát đá trước mặt kios. Có trường hợp hộ tiểu thương đang kinh doanh ở mặt tiền chợ, địa phương lại sắp xếp vào bên trong nhà lồng chợ. Điều đáng nói là khi đập vách xong, đơn vị thi công lại bỏ ngang, đồng hồ, cầu dao điện treo lủng lẳng rất nguy hiểm. Vệ sinh môi trường không được đảm bảo, khi rác, xác động vật... đầy trong chợ, gây ô nhiễm môi trường. Bà con tiểu thương rất mong công trình sớm xây dựng hoàn thành, để mọi người mua bán ổn định cuộc sống”- ông Võ Thái Hùng (đại diện các tiểu thương) nêu ý kiến.
Hiện trạng khu chợ
Trao đổi với phóng viên, ông Cao Thành Nhân, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, cho biết: chợ Bắc Cái Đầm thuộc cụm dân cư Bắc Cái Đầm, được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ (giai đoạn 1). Chợ được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2006, với tổng diện tích 6.463m2, gồm: khu bách hóa (diện tích 780m2, có 64 kios ngăn vách bằng vật liệu nhôm); khu thực phẩm tươi sống 300m2 và các hạng mục nhà vệ sinh, sân chợ... Tuy nhiên, hiện có khoảng 20 hộ thuê mua bán thường xuyên, còn lại bỏ trống rất nhiều năm nên toàn bộ cửa sắt kéo bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi khu thực phẩm tươi sống đã lấp đầy, đang có rất nhiều hộ đăng ký. Dù địa phương đã bố trí các hộ này vào bán tại khu vực sân chợ, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Năm 2015, từ nguồn tiền thưởng xã nông thôn mới, UBND xã dự kiến làm 4 công trình: đèn đường dọc Tỉnh lộ, nhựa hóa đoạn đường từ ngã ba bưu điện xã đến đầu cầu Bắc Cái Đầm (đã làm xong); 2 cổng chào xã nông thôn mới (đang triển khai thực hiện) và công trình cải tạo chợ Bắc Cái Đầm theo hướng chợ an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, UBND xã đề xuất về huyện, UBND huyện có tờ trình đề nghị và được tỉnh cho phép cải tạo: tháo dỡ vách ngăn bằng nhôm của 32/64 kios khu bách hóa để chuyển đổi công năng, mở rộng khu thực phẩm tươi sống, nhằm đáp ứng nhu cầu bố trí chỗ mua bán cho các hộ kinh doanh. Từ tháng 12-2017, UBND xã phối hợp Phòng Kinh tế - Hạ tầng khảo sát thực trạng mua bán của các hộ tại các kios dự kiến di dời (2 dãy phía sau) và thực trạng các kios mua bán dự kiến bố trí (2 dãy phía trước). Trên cơ sở đó, lấy ý kiến của các tiểu thương liên quan về phương án sắp xếp. Cụ thể, phương án 1 là bốc thăm toàn bộ (không ưu tiên); phương án 2 là bố trí vị trí tương đối so vị trí cũ (vị trí hiện kinh doanh như thế nào sẽ bố trí vào vị trí tương tự ở dãy trước, nếu như hiện trạng kios đó còn trống, sau đó các vị trí còn lại UBND xã sẽ sắp xếp). Qua đó, xây dựng kế hoạch và triển khai đến các hộ tiểu thương biết để thực hiện việc cải tạo chợ, đồng thời có họp dân thông báo đến từng tiểu thương.
Trên cơ sở nội dung thống nhất tại buổi làm việc, UBND xã đã tổ chức lấy ý kiến bằng phiếu về phương án sắp xếp của các hộ tiểu thương có liên quan (13 hộ với 20 kios). Kết quả có 7/13 hộ thống nhất phương án sắp xếp dựa trên vị trí cũ; 4/13 hộ thống nhất phương án bốc thăm toàn bộ; 2/13 hộ đồng ý để xã sắp xếp. Căn cứ kết quả lấy phiếu, UBND xã tiến hành sắp xếp và ban hành Thông báo số 218/TB-UBND ngày 28-5-2018 đến từng hộ tiểu thương về vị trí được bố trí ở kios mới và thời hạn di dời để thực hiện cải tạo chợ. Đồng thời, để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ tiểu thương, UBND xã thống nhất cho các hộ tự thương lượng hoán đổi vị trí mua bán cho nhau, để thuận tiện cho việc kinh doanh của mình. Chính vì vậy, đã có 11/13 hộ chấp hành tốt tinh thần thông báo sắp xếp của xã. Hiện tại, chỉ còn 2 hộ không thống nhất vị trí sắp xếp mới, nên chưa chịu di dời, bàn giao mặt bằng để công trình thi công. Mặt khác, họ vẫn tiếp tục yêu cầu bốc thăm lại. UBND xã nhiều lần mời 2 hộ này đến vận động, giải thích, nhưng họ vẫn không đồng ý di dời. Đơn vị thi công đã tháo dỡ xong những kios khác, còn vướng 2 hộ nên chưa tiếp tục thực hiện. UBND xã báo cáo về huyện, xin ý kiến chỉ đạo giải quyết cụ thể đối với 2 trường hợp này.
“Riêng về các đồng hồ điện, khi đập vách đến đâu thì cho tháo gỡ đến đó. Tuy nhiên, có một vài hộ di dời sau nên công trình còn tạm thời để đó chưa cắt, tháo gỡ kịp. Còn việc rác thải vệ sinh môi trường bên trong nhà lồng chợ, một phần do ý thức của người dân kém. Họ thấy kios trống nên đem những vật dụng hư, phế thải bỏ vào đó, gây mất mỹ quan khu chợ. Địa phương thường xuyên thuê người vệ sinh thu dọn, đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu vực được sạch sẽ”- ông Nhân thông tin thêm.
Bài, ảnh: K.N