Gom tiền bỏ trốn
Việc vợ, chồng ông Nguyễn Thái Sơn (Chủ tịch Hội đồng thành viên Tafishco) và bà Nguyễn Thị Huệ Trinh (Tổng giám đốc Tafishco) “đi nước ngoài rồi biến mất” vào tháng 11-2016 dường như là một kế hoạch được tính toán.
Không những tranh thủ “ôm” 62,72 tỷ đồng tiền mua cá của ND, mà ngay trước thời điểm “mất tích” khoảng 2 tháng, bà Trinh còn đại diện Công ty Thuận An ký 2 hợp đồng vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh An Giang (Agribank An Giang) với tổng số tiền gần 500 tỷ đồng.
Nếu được chuyển nợ, giải chấp tài sản, nông dân sẽ được hưởng lợi khi giá cá tra tăng cao
“Theo quy định của chuỗi liên kết, dù trực tiếp ký tên vay vốn nhưng ND không được nhận tiền mặt, ngân hàng giải ngân vào tài khoản để thanh toán tiền thức ăn. Sau khi bán cá cho Công ty Thuận An, tiền bán cá được chuyển cho Agribank An Giang để tất toán khoản vay của ND, còn phần lãi ND được hưởng.
Như vậy, nhiệm vụ của ND là nuôi cá đạt chuẩn, bán hết cho Công ty Thuận An, việc thanh toán là chuyện của Thuận An và ngân hàng. Tuy nhiên, khi chúng tôi đã tuân thủ việc bán cá, Agribank An Giang vẫn siết nợ ND (78,43 tỷ đồng) mà không chuyển nợ qua Công ty Thuận An”- ông Nguyễn Danh Cởn, một hộ tham gia chuỗi liên kết bức xúc cho biết.
Phương án “cứu” nông dân
Ngay sau lãnh đạo Công ty Thuận An “mất tích”, UBND tỉnh An Giang đã ra quyết định thành lập Tổ xử lý khoản cho vay thí điểm đối với dự án chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco (gọi tắt là Tổ xử lý 441) để giải quyết. Giám đốc Sở Công thương Võ Nguyên Nam (Tổ trưởng Tổ xử lý 441) cho biết, quan điểm thống nhất của tỉnh là xử lý theo hướng: Agribank An Giang có trách nhiệm thu nợ từ Công ty Thuận An theo bản xác nhận nợ của công ty (cả khoản nợ Thuận An vay và ND vay phục vụ chuỗi liên kết), ND được giải chấp tài sản để tái đầu tư sản xuất. Phương án này đã được cụ thể bằng Công văn số 519/UBND-KTTH, ngày 31-3-2017, của UBND tỉnh gửi Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam.
“ND rất đồng tình với phương án xử lý của UBND tỉnh An Giang. Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn cầu cứu, kiến nghị Trung ương thực hiện phương án này để gỡ khó cho ND”- ông Nguyễn Văn Tấn, ND nuôi cá ở xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú) thông tin.
Ngày 13-12-2017, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: Giao NHNN Việt Nam chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh An Giang tập trung giải quyết dứt điểm phản ánh, kiến nghị của các hộ dân thuộc chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco theo đúng quy định của pháp luật. Ngày 29-1-2018, Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng đã có chuyến thăm và làm việc với ngành ngân hàng tỉnh.
Thực hiện nhiệm vụ được phân công, NHNN chi nhánh An Giang tiếp tục kiến nghị NHNN Việt Nam hướng xử lý là chuyển khoản nợ của các ND trong chuỗi liên kết sang cho Công ty Thuận An (bằng với số tiền mua cá mà công ty nợ ND) để Agribank An Giang tập trung xử lý nợ vào một mối. Qua đó, giải chấp tài sản để ND tái đầu tư sản xuất.
“Số nợ vài chục tỷ đồng là không quá lớn với ngân hàng nhưng rất lớn đối với ND. Nếu phương án này được thực hiện, ND có thể tái đầu tư sản xuất, có lợi nhuận cao từ việc cá tra tăng giá thời gian qua”- Giám đốc NHNN chi nhánh An Giang Lê Trọng Nghĩa nêu quan điểm.
Dù giải pháp cứu ND được tỉnh An Giang đưa ra là rất khả thi, nhưng đến nay phương án này vẫn chưa được chấp thuận.
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN