Cần thiết chỉnh trị dòng chảy qua TP. Long Xuyên

15/06/2020 - 04:34

 - Khi chảy qua TP. Long Xuyên (An Giang), đoạn sông Hậu có sự phân nhánh phức tạp, các nhánh sông đang phát triển mạnh và có sự tranh chấp lẫn nhau. Nếu không sớm chỉnh trị đoạn sông này, hạn chế tạo ra dòng chảy xoáy hoặc dòng chảy rối, nguy cơ sạt lở sẽ tiếp diễn nghiêm trọng.

Triển khai nạo vét nhánh trái sông Hậu là cần thiết nhằm chuyển bớt lưu lượng nước từ nhánh phải sang

Ám ảnh sạt lở

Đối với ông Hồ Văn Minh (ngụ khóm Bình Đức 3, phường Bình Đức, TP. Long Xuyên), vụ sạt lở bờ sông Hậu ở khu vực khóm Bình Đức 3 vào năm 2012 là vụ sạt lở kinh hoàng nhất mà ông từng chứng kiến. “Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện vết nứt, hàng loạt ngôi nhà sụp xuống sông cùng với khối lượng lớn đất đá. Nhiều người hoảng loạn bỏ chạy thoát thân” - ông Minh nhớ lại.

Theo ghi nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), vụ sạt lở nghiêm trọng ngày 6-3-2012 tại khóm Bình Đức 3 đã kéo 10 ngôi nhà rơi xuống sông hoàn toàn, 22 hộ buộc phải di dời khẩn cấp. Do sạt lở bờ sông Hậu áp sát tuyến Quốc lộ (QL) 91, đe dọa mái ta-luy nên buộc phải khẩn cấp làm tuyến đường mới thay thế tuyến QL cũ.

Đến ngày 26-5-2012, tại khóm Bình Thới 1 (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên), cách khu vực sạt lở khóm Bình Đức 3 khoảng 2km về phía hạ lưu sông Hậu, lại tiếp tục xảy ra vụ sạt lở kéo 5 ngôi nhà dân và bờ kè của doanh nghiệp sản xuất nước đá rơi hoàn toàn xuống sông, 27 hộ khác buộc di dời khẩn cấp. Đối với 2 vụ việc này, kết quả quan trắc cho thấy, đều là do những hố xoáy dạng hàm ếch có chiều sâu khoảng 20m, chiều rộng khoảng 150 - 200m gây ra.

Phó Giám đốc Sở TN&MT An Giang Tô Hoàng Môn cho biết, qua theo dõi diễn biến trên mặt bằng sông Hậu giai đoạn từ năm 1966 đến nay cho thấy, sông Hậu khu vực Long Xuyên (đoạn từ kênh Chắc Cà Đao đến vị trí cuối cù lao Ông Hổ) là đoạn sông phân nhánh phức tạp, các nhánh sông đang thời kỳ diễn biến mạnh, luôn có sự tranh chấp lẫn nhau.

Trong đó, đoạn sông Hậu đi qua các phường trung tâm của TP. Long Xuyên (Bình Đức, Bình Khánh và Mỹ Bình), từ bến đò Cần Xây - đuôi kè Tỉnh ủy, dài 4,1km. Đoạn này có nhà cửa dày đặc dọc bờ sông, tập trung nhiều cơ sở kinh doanh với hệ thống kho hàng, bến bãi xen lẫn nhiều nhà dân trên cọc. Khi xảy ra sạt lở, ảnh hưởng rất lớn tới đời sống và tài sản của người dân ven sông.

Qua quan trắc, giám sát hàng năm của Sở TN&MT cho thấy, dấu hiệu xâm thực hầu như trên suốt tuyến, mang nhiều yếu tố bất ngờ. Thực tế từ hàng chục năm qua, sạt lở ở đây liên tục xảy ra, đe dọa trực tiếp QL 91 và hàng ngàn nhà dân có đất ven bờ.

TP. Long Xuyên là trung tâm hành chính, tỉnh lỵ của An Giang, có nhiều hạ tầng kỹ thuật quan trọng và chiến lược đã hình thành qua nhiều thời kỳ, cần được bảo vệ đặc biệt. Tuy nhiên, do nằm ven dòng sông Hậu, diễn biến lòng dẫn, dòng chảy, địa hình, biến đổi khí hậu… thay đổi bất thường nên thời gian qua, tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng diễn ra nghiêm trọng, đòi hỏi chính quyền địa phương và Trung ương phải cấp thiết triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để xử lý bền vững tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn.

Một đoạn kè bảo vệ bờ phải sông Hậu qua Long Xuyên

Phân tích đúng nguyên nhân

Ông Tô Hoàng Môn cho biết, tổng thể sông Hậu khu vực Long Xuyên là đoạn sông phân nhánh phức tạp. Trong đó, lòng dẫn nhánh trái cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) có xu thế bị thoái hóa, thu hẹp dần do tình trạng bồi lấp mạnh hình thành nên những bãi nổi. Ngược lại, ở nhánh phải cù lao Ông Hổ, lòng dẫn có xu thế ngày càng mở rộng.

Các cù lao dọc đoạn sông này cũng có sự thay đổi mạnh. Hầu hết các cù lao có xu thế dịch chuyển dần về hạ lưu. Ở đầu cù lao Ông Hổ, cù lao Phó Ba đều bị xói lở mạnh, trong khi phía đuôi cù lao được bồi đắp dần. Đặc biệt, ở cù lao Phó Ba, xói lở đã khiến cho diện tích của cù lao bị thu hẹp với tốc độ khá mạnh, khả năng biến mất của cù lao này trong tương lai là rất lớn.

Từ năm 1966 - 2012, nhánh trái cù lao Ông Hổ (đoạn từ cửa vào đến rạch Ông Chưởng) đã bị thu hẹp từ 1.040m chỉ còn 650m, tốc độ thu hẹp trung bình 10m/năm; đường bờ tả đã được lấn ra hơn 400m. Đây là nút hình thái khống chế khiến lưu lượng dòng chủ lưu có xu thế dồn vào phía nhánh phải cù lao Ông Hổ, dẫn đến lạch trái cù lao Ông Hổ bị bồi đắp và thoái hóa, cạn dần, còn phía nhánh phải phát triển mở rộng, bị xói sâu, mở rộng và gây sạt lở.

Ở đoạn từ rạch Ông Chưởng đến đuôi cù lao Ông Hổ, lòng dẫn sông tiếp tục bị thu hẹp do các cồn bãi được hình thành và phát triển mạnh. Tại khu vực đỉnh cong của sông Hậu (đoạn bờ trái của cù lao Ông Hổ) được bồi ra khoảng hơn 700m (trong vòng 40 năm), còn ở đoạn nhánh phải cù lao Ông Hổ, lòng dẫn có xu thế mở rộng, đặc biệt là đoạn từ cửa phân lưu đến khu vực ấp Mỹ Khánh (xã Mỹ Hòa Hưng) dài khoảng 3km, lòng dẫn được mở rộng về phía bờ cù lao Ông Hổ khoảng 300m (giai đoạn 1966 - 2010).

Về diễn biến lạch sâu của nhánh trái cù lao Ông Hổ, giai đoạn 1895 - 1995, đáy lòng dẫn của đoạn từ cửa phân lưu đến rạch Ông Chưởng được nâng dẫn lên khoảng 10m. Riêng giai đoạn từ năm 1992 đến nay, lòng dẫn được bồi lên khoảng 4m. Đoạn từ cửa rạch Ông Chưởng về hạ lưu khoảng 2km, cao trình đáy đường lạch sâu trong giai đoạn từ 1995 - 2012 bồi lên trung bình khoảng 4m.

Đối với nhánh phải cù lao Ông Hổ, đáy lòng dẫn có xu thế hạ thấp dần, các hố xói dịch chuyển dần về hạ lưu. Giai đoạn 2000 - 2007, đường lạch sâu có cao trình bị hạ thấp khoảng 3 - 5m. Riêng khu vực cách rạch Trà Ôn khoảng 2km về phía hạ lưu, hố xói bị đào sâu gần 4m (từ 2000 - 2007). Từ 2007 - 2012, hố xói này phát triển dần về hạ lưu với tốc độ dịch chuyển khoảng 30m/năm.

Theo ghi nhận của Sở TN&MT An Giang, lưu lượng dòng chảy lớn đi vào nhánh phải bờ sông Hậu thuộc địa bàn các phường: Bình Đức, Bình Khánh và Mỹ Bình hơn 10 năm trở lại đây cao bất thường, khiến tình trạng sạt lở bờ sông khu vực này diễn ra hết sức nghiêm trọng. Lưu lượng nước qua nhánh phải hiện chiếm 70 - 80% lượng nước sông Hậu, cộng với tình trạng bồi lắng thành các bãi lài phía bờ trái Mỹ Hòa Hưng đe dọa hàng ngày đối với người dân phía bờ bên phải khu vực đô thị TP. Long Xuyên.

Nhánh phải sông Hậu hiện chiếm 70 - 80 lưu lượng nước, áp lực sạt lở rất lớn

Cấp bách xử lý

Phó Giám đốc Sở TN&MT An Giang Tô Hoàng Môn cho rằng, để giải quyết căn cơ, đồng bộ và phát triển bền vững cho khu vực sông Hậu qua TP. Long Xuyên, hạn chế sạt lở chung cho toàn bộ khu vực, đòi hỏi phải có sự đồng thuận của nhân dân và quyết tâm của các cấp chính quyền trong triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Trong đó, dự án “Chỉnh trị dòng chảy nhằm hạn chế sạt lở bờ sông Hậu, bảo vệ đô thị TP. Long Xuyên thích ứng với biến đổi khí hậu” là giải pháp khả thi, hướng tới mục tiêu ổn định lâu dài. Dự án này gồm 12 tiểu dự án hợp phần quan trọng, trong đó có 8 tiểu dự án kè xung yếu, 2 tiểu dự án xây dựng khu tái định cư di dời dân, 1 tiểu dự án chỉnh trang đô thị đồng bộ cảnh quan và 1 tiểu dự án nạo vét nhánh trái.

Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã tranh thủ Trung ương hỗ trợ xây dựng được khoảng 4,3km các đoạn kè xung yếu bảo vệ TP. Long Xuyên; đang tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn để triển khai thực hiện. Tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao đã được cảnh báo, người dân được di dời dần vào 2 tiểu dự án xây dựng khu tái định cư di dời dân.

Trong khi đó, việc nạo vét để chuyển bớt lưu lượng nước từ nhánh phải qua nhánh trái thêm 15-25%, tạo thế cân bằng, giảm áp lực qua bờ nhánh phải là hết sức cần thiết và rất quan trọng. Đây là tiểu dự án đã được Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam nghiên cứu, đánh giá rất kỹ về thủy văn, dòng chảy và sạt lở, sử dụng các mô hình toán học để tính toán các thông số nạo vét nên dự án sẽ hạn chế tối đa xảy ra sạt lở.

Ông Môn cho biết, tiểu dự án đã được Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường nên mức độ tin cậy khoa học rất cao. Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp nạo vét là phần khó khăn nhất do không có kinh phí thực hiện nên phải kêu gọi xã hội hóa các doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện với nguyên tắc đáp ứng yêu cầu kỹ thuật là mở rộng mặt cắt ướt và tăng lưu lượng dòng chảy qua nhánh trái, giao doanh nghiệp thu hồi vật liệu nạo vét làm chi phí vận hành. Do phải đáp ứng nguyên tắc khắc khe nên việc lựa chọn các đơn vị thi công rất khó khăn, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm trong thi công.

Đến nay, đã lựa chọn được 3 đơn vị thực hiện nạo vét (Công ty TNHH MTV Xây lắp An Giang, Công ty TNHH MTV Môi trường Vạn Hưng Tùng và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Tấn Thắng) theo hình thức cấp mỏ khai thác cát (việc thu hồi vật liệu nạo vét phải đáp ứng Luật Khoáng sản), phù hợp theo thời gian và các yêu cầu kỹ thuật của dự án.

Việc triển khai tiểu dự án nạo vét nhánh trái sông Hậu (đoạn sông giáp cù lao Ông Hổ với huyện Chợ Mới) được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, doanh nghiệp triển khai nạo vét theo thiết kế và thu hồi vật liệu nạo vét làm chi phí vận hành.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN