Cẩn trọng khi làm đẹp bằng filler

09/08/2019 - 08:48

 - Khi cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu làm đẹp của người dân, đặc biệt là phụ nữ càng được tăng lên. Các phương pháp làm đẹp mới liên tục ra đời, đáp ứng nhu cầu và túi tiền của từng khách hàng.

Hình ảnh về tiêm filler căng da mặt

Thay vì tốn kém hàng chục triệu đồng cho các cas phẫu thuật thẩm mỹ lớn, khách hàng ưa chuộng việc làm đẹp bằng các phương pháp đơn giản, gọn nhẹ, giá cả vừa phải. Tiêm filler là một dịch vụ làm đẹp đang được ưa chuộng vì các ưu điểm như thế. Tuy nhiên, phải làm gì để không bị biến chứng sau khi tiêm?

Chị Trần Thị T. (30 tuổi, ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) dự định thay đổi dáng mũi tẹt của mình, nhưng lại không đủ khả năng phẫu thuật nâng mũi. “Tôi thấy nhiều cơ sở thẩm mỹ khẳng định filler không có khả năng di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, nên khi tiêm vào da sẽ cho kết quả chính xác ngay vùng cần điều trị. Vì thế, mũi sẽ giữ được độ cao, thẳng, đầy đặn như ý muốn, hài hòa, cân đối với khuôn mặt và không để lại biến chứng, không bị biến dạng hoặc cong vẹo nếu như bị va đập hay chấn thương. Mũi tiêm dùng để đưa filler vào mũi rất nhỏ nên không để lại sẹo.

Bên cạnh đó, chỉ sau 1 lần thực hiện kéo dài vài phút, có thể sở hữu chiếc mũi cao, thẳng đẹp, hiệu quả duy trì từ 6-18 tháng tùy loại filler. Tiêm filler không chảy máu, không sưng đau nên không mất thời gian nghỉ dưỡng tại nhà. Tuy nhiên, tôi rất băn khoăn, không biết có nên thực hiện hay không, vì đọc nhiều bài báo nói về biến chứng sau khi tiêm filler” - chị T. chia sẻ.

Chị Đặng Thị Yến (chủ một cơ sở làm đẹp ở TP. Long Xuyên) khẳng định: “Dịch vụ làm đẹp bằng filler đang rất được ưa chuộng, thông qua việc nhiều người tìm đến thực hiện dịch vụ. Do đó, nhiều chủ cơ sở nhanh chóng học việc ở TP. Hồ Chí Minh vài hôm, rồi về áp dụng tại cơ sở, mức giá khoảng 2-8 triệu đồng. Tuy chưa nghe nói có người bị biến chứng, nhưng tôi đã từng thấy một số trường hợp tiêm filler không đẹp, không thon gọn, nhìn rất xấu. Cá nhân tôi không thực hiện dịch vụ này, bởi cần rất nhiều kỹ thuật chuyên môn, không phải ai cũng làm được, nếu chưa qua đào tạo bài bản. Lỡ như xảy ra sự cố, làm sao đủ khả năng xử lý?”.

Theo ThS. BS Trần Thị Thanh Tuyền (Thẩm mỹ viện Thanh Tuyền), gần đây có rất nhiều biến chứng của filler đã xảy ra, dù filler đã được Cục quản lý về thực phẩm và dược phẩm của Hoa Kỳ (FDA) chứng nhận về hiệu quả và độ an toàn của nó khi được tiêm vào trong cơ thể người. FDA cho phép tiêm làm đầy các nếp nhăn da, những vết hằn sâu của da (nếp mũi má, nếp hằn quanh miệng khi cười, một số nếp hằn như sẹo mụn…).

Ngoài ra, FDA còn cho phép tiêm làm đầy vùng môi, vùng cằm, vùng mũi, đôi khi còn có thể tiêm làm đầy vùng mu bàn tay. FDA không cho phép tiêm vào vùng ngực, vùng mông, vùng bắp chân hay mu bàn chân. Không được dùng filler thay thế implant để làm độn những phần gần màng xương hay gân cơ, hay dùng một lượng lớn filler để tiêm vào trong cơ thể để tạo dáng cơ thể người. Bởi vì những lượng lớn như vậy sẽ gây biến chứng rất nguy hiểm, như: thuyên tắc mạch gây hoại tử mô, có thể dẫn đến sốc và tử vong. Kết quả của tiêm filler phụ thuộc vào các yếu tố: độ khỏe của da nơi tiếp nhận filler; bác sĩ tiêm tính được liều lượng thích hợp cho vùng tiêm; bác sĩ phối hợp được các loại filler với nhau, vì có rất nhiều loại (nông, sâu, tăng thể tích…). Thời gian và hiệu quả của filler phụ thuộc vào vị trí tiêm và chất liệu của filler.

“Cũng giống như các dược phẩm khác, filler cũng có những biến chứng và nguy cơ, gồm: biến chứng ngắn hạn, dài hạn và vĩnh viễn. Biến chứng ngắn hạn sẽ tự mất đi trong vòng vài tuần, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt: khi chúng ta tiêm vào vùng mu tay thì nó sẽ tồn tại kéo dài vài tháng. Các biến chứng thường gặp: sưng, bầm, nhức, đỏ, đau, ngứa, nổi mẩn đỏ hoặc những vùng mu bàn tay và vùng cằm khó vận động. Các biến chứng hiếm gặp gồm: phản ứng dị ứng trầm trọng dẫn đến tình trạng sốc và có thể tử vong, các chất làm đầy có thể chạy lệch khỏi vị trí tiêm. Ngoài ra, có thể thủng hoặc loét da, làm cho filler bị lồi ra ngoài ngay tại vùng tiêm do nhiễm trùng vùng da bị tiêm. Filler có thể tạo những vón cục nằm vĩnh viễn tại vùng mặt, vùng mu bàn tay; có thể đột quỵ, tổn thương mạch máu. Một số trường hợp dẫn đến mù lòa, tổn thương vùng da và vùng môi. Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại filler trôi nổi, không rõ nguồn gốc và không đảm bảo chất lượng, nếu tiêm vào cơ thể người sẽ gây ra những biến chứng khôn lường. Bên cạnh đó, việc tiêm filler tuy đơn giản, nhưng vùng da môi rất mỏng, nếu bác sĩ thực hiện tiêm chuẩn xác sẽ không gây ra nguy hiểm trong quá trình tiêm. Vì vậy, để không phải lo lắng tiêm filler môi có hại không, cũng để đảm bảo quá trình làm đẹp an toàn và đạt kết quả tốt nhất, mọi người cần lựa chọn địa chỉ thẩm mỹ uy tín, đảm bảo chất lượng” - BS Trần Thị Thanh Tuyền khuyến cáo.

KHÁNH HƯNG