Cẩn trọng khi vay tiền qua ứng dụng

10/05/2023 - 06:04

 - Không cần gặp mặt, không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, giải ngân ngay trong ngày... là quảng cáo hấp dẫn của hàng loạt ứng dụng vay tiền trực tuyến. Tuy điều kiện cho vay dễ, nhưng người vay buộc phải trả lãi gấp nhiều lần tiền gốc, nếu không sẽ bị đe dọa, khủng bố tinh thần.

Các ứng dụng vay tiền được quảng cáo trên Internet

Chỉ cần lên mạng, gõ từ khóa “vay tiền”, “vay nhanh” hay “vay online”, ngay lập tức các trang tìm kiếm hoặc CH Play, App Store sẽ trả về rất nhiều kết quả trang web cho vay trực tuyến, ứng dụng trên điện thoại cho vay. Các ứng dụng tiếp cận, chào mời người vay tiền thông qua quảng cáo trên mạng xã hội. Những ai có nhu cầu, chỉ cần ngồi nhà cũng có thể vay tiền thông qua vài thao tác trên điện thoại. Họ thường là người kinh doanh nhỏ lẻ, lao động thu nhập thấp, công nhân, sinh viên, người điều kiện kinh tế khó khăn nhưng mong muốn có tiền trang trải cuộc sống, có vốn đầu tư phát triển kinh tế…

Thủ tục vay tiền khá đơn giản: Người vay chỉ cần chụp ảnh chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, sau đó dùng danh bạ điện thoại làm tài sản thế chấp, gửi qua ứng dụng. Họ sớm được cho vay từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, mà không cần gặp mặt hay ký kết giấy tờ vay nợ. Ngay sau khi giải ngân, nhóm cho vay sẽ thu tiền lãi, phí dịch vụ; còn tiền gốc người vay sẽ phải trả theo thỏa thuận. Đến kỳ hạn trả tiền, người vay tự chuyển tiền vào số tài khoản hoặc số hợp đồng của bên cho vay cung cấp. Trường hợp không thanh toán được tiền gốc như cam kết, số tiền sẽ được nhân lên để tính mức lãi suất. Khi nhận thấy người nào mất khả năng thanh toán, nhóm cho vay sẽ chỉ đạo bộ phận đòi nợ nhắn tin, gọi điện với tần suất tăng dần. Thậm chí đe dọa, khủng bố tinh thần người vay và người thân cùng các mối quan hệ trong danh bạ điện thoại. Nhiều trường hợp, cắt ghép hình ảnh của người vay và người quen liên quan, rồi tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ, ép nhanh trả nợ.

Điển hình như sinh viên Nguyễn Văn H. Tình cờ lướt Facebook, H. thấy trang quảng cáo cho vay tiền với lời chào mời hấp dẫn. Đang thiếu tiền tiêu dùng, H. đã quyết định vay. Sau khi cài đặt ứng dụng, H. được yêu cầu chụp căn cước công dân, ảnh chân dung, cung cấp thông tin cá nhân và đồng ý để ứng dụng truy cập vào danh bạ điện thoại. Đợi khoảng 15 phút sau khi hoàn tất thủ tục, H. nhận 2,6 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng, thời hạn vay 14 ngày. Ứng dụng thông báo giữ lại 400.000 đồng là chi phí làm thủ tục và lãi suất.

Thế nhưng, chưa đến hạn 14 ngày, H. đã nhận được nhiều cuộc gọi của người xưng là nhân viên của ứng dụng cho vay tiền hối thúc đòi nợ, đồng thời gửi đường link dẫn đến ứng dụng cho vay thứ 2 để đáo hạn kịp thời, nếu không sẽ bị phạt và tăng lãi suất. Tại ứng dụng cho vay thứ 2, H. cũng được yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân. Tương tự, gần đến hạn thanh toán, nhân viên khác tiếp tục gửi ứng dụng cho vay thứ 3. Đến khi ứng dụng cho vay thứ 5 hướng dẫn cho vay tiếp thì H. không truy cập nữa, do số tiền nợ và lãi tăng quá cao. Ngay sau đó, một số đối tượng nhắn tin, gọi điện cho H, bạn bè, người thân khủng bố tinh thần; cắt ghép hình ảnh để uy hiếp theo kiểu “xã hội đen”. Để giải quyết số nợ đã vay và không bị làm phiền, gia đình của H. phải dùng giấy tờ nhà đất vay ngân hàng trả nợ. Chỉ vì một chút thiếu ý thức mà H. đã rơi vào bẫy vay tiền, khiến bản thân và gia đình gặp khó khăn.

Không những thế, có đối tượng xấu còn lợi dụng hoạt động của app cho vay tiền để lừa đảo, chiếm đoạt tiền người vay. Như trường hợp của chị Lê Thị K. (huyện Châu Thành). Kẹt tiền đột xuất, chị vay 3 triệu đồng. Lúc đầu, chị thấy bên ứng dụng mời chào cho vay dễ dàng, thời gian giải ngân trong vài phút sau khi đăng ký thành công, lãi suất thấp… Vì vậy, chị thực hiện theo yêu cầu của bên cho vay: Cài đặt ứng dụng cho vay online để đăng ký hồ sơ khoản vay, gửi thông báo phê duyệt vay. Tuy nhiên, sau khi chị K. đăng ký làm theo hướng dẫn, họ yêu cầu chị thanh toán phí 500.000 đồng hồ sơ và bảo hiểm khoản vay. Chị chần chừ thì bị bên cho vay không ngừng thúc ép, đe dọa trong 2 ngày liền, khiến chị lo sợ phải chuyển 500.000 đồng. Ngay tức khắc, người này cắt liên lạc và không chuyển số tiền chị cần vay.

Không ít người mắc bẫy vay tiền qua ứng dụng, mặc dù đã được cơ quan chức năng, báo chí phản ánh, cảnh báo rất nhiều. Để không bị sập bẫy, người có nhu cầu vay tiền cần tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ thông tin trên website (như tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, chính sách cụ thể về lãi suất vay...). Hoặc nếu thực sự có nhu cầu về tài chính, người dân nên trực tiếp liên hệ, làm thủ tục hồ sơ vay tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng chính thống để tránh “tiền mất tật mang”.

TRỌNG TÍN