Trước khi mua thuốc điều trị, người bệnh cần được chuyên gia tư vấn, kê đơn. (Ảnh HOÀNG YẾN)
Điều đó cũng có nghĩa là số F0 điều trị, cách ly tại nhà tăng cao, tạo ra "cơn sốt" mua bán kit xét nghiệm, thuốc kháng vi-rút. Với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, tình trạng trên đang từng bước được khắc phục.
Tuy nhiên, một vấn đề khác lại nảy sinh, đó là thông tin nhiễu loạn trên mạng xã hội về thuốc điều trị Covid-19, kit xét nghiệm, cách chữa, cách phòng, chống... khiến người dân, nhất là các F0 điều trị tại nhà hoang mang. Không khó để tìm những thông tin quảng cáo tràn lan trên mạng về những loại thuốc "chỉ cần uống 3 ngày là âm tính, hết Covid-19", cũng không ít người tự xưng là bác sĩ, lương y để tư vấn về điều trị bệnh, di chứng hậu Covid-19 bằng phương pháp đông y... Rất nhiều trường hợp nghe theo lời chữa bệnh kiểu truyền miệng trên mạng xã hội như ăn nhiều tỏi, uống nước gừng, dùng xuyên tâm liên, cảm xuyên hương, thậm chí uống kháng sinh ngay từ ngày đầu có triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi... Nhiều người dân tin theo, vội vã chia sẻ thông tin khi chưa kiểm chứng.
Gia đình chị Huyền Minh, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, gồm hai vợ chồng và con gái 6 tuổi đều mắc Covid-19. Chị Minh lên các hội nhóm tìm đọc thông tin và thuốc điều trị. "Có người khoe với tôi về loại thuốc giúp "bất tử" không bị nhiễm Covid-19, mà nếu lỡ may mắc phải, cũng sẽ khỏi bệnh sau 3 ngày", chị nhớ lại những lời mời chào hấp dẫn. Khi gọi điện thoại và tìm hiểu kỹ thông tin, chị nhận ra nhiều bác sĩ "không tồn tại".
Còn chị Bùi Thị Hà (quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Đại gia đình tôi đều mắc Covid-19. Tôi lên mạng, nhiều người tư vấn dùng thuốc xách tay của Nga, của Ấn Độ, nhưng không rõ nguồn gốc và tác dụng phụ của thuốc nên tôi không dám dùng". Theo chị Hà, F0 tự theo dõi điều trị tại nhà là giải pháp hợp lý trong tình trạng số ca mắc tăng vọt. Tuy nhiên, F0 mong mỏi nhất là được thuận lợi hơn khi tiếp cận dịch vụ y tế, được cấp phát thuốc, được hướng dẫn mua, sử dụng thuốc khi gặp các triệu chứng như ho, đau họng, nhức đầu, mất ngủ...
Do đó, các ngành chức năng cần kịp thời thanh lọc những thông tin sai sự thật tràn lan trên mạng xã hội. Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm các đối tượng cố tình lợi dụng mạng xã hội để trục lợi nhất là ở lĩnh vực y tế và sức khỏe. Mỗi người dân cần sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, theo dõi trên các kênh chính thống. Không nghe theo, không lan truyền thông tin chưa xác thực, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật về dịch bệnh. "Các chuyên gia khuyến cáo: Người dân tuyệt đối không tự ý tìm mua và dùng thuốc trị Covid-19 theo mách bảo. Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng, không mang lại lợi ích gì hơn so với không dùng thuốc, mà lại tiềm tàng nhiều nguy cơ tác dụng bất lợi với sức khỏe, thậm chí có thể làm trầm trọng tình trạng Covid-19. Cách tốt nhất vẫn là tiêm phòng vắc-xin đầy đủ và tuân thủ 5K của Bộ Y tế".
Theo QUANG MINH (Nhân dân)