Cảnh báo nguy cơ bệnh dại gia tăng bởi thời tiết nắng nóng
12/04/2025 - 09:05
Theo ngành y tế, vào thời điểm thời tiết nắng nóng như hiện nay, bệnh dại có nguy cơ bùng phát mạnh. Người dân không được chủ quan vì khi lên cơn dại tỷ lệ tử vong gần như 100% nên cần chủ động tiêm vaccine dại khi bị động vật cắn.
AA
Nguy cơ bệnh dại từ chó thả rông
Thời gian gần đây, trên cả nước liên tục ghi nhận những trường hợp người dân bị chó tấn công gây thương tích. Điển hình như vụ việc vừa xảy ra tại xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vào chiều ngày 5/4. Một con chó chạy rông có biểu hiện bất thường (chảy nước dãi, há miệng liên tục và tỏ ra cực kỳ hung dữ) đã bất ngờ tấn công 5 người dân. Chưa dừng lại ở đó, con chó này còn tiếp tục cắn thêm hai con chó khác trong khu vực.
Nạn nhân 41 tuổi bị đa chấn thương nặng phải nhập viện sau khi bị chó cắn. Ảnh BV
Phát hiện ra vụ việc, người dân đã nhanh chóng truy đuổi và tiêu diệt con chó. Các nạn nhân bị chó cắn đã được đưa đến cơ sở y tế để xử lý vết thương và tiêm phòng. Trong đó, 3 người đã tiêm đầy đủ cả huyết thanh kháng dại (SAR) và vaccine phòng dại; 2 người còn lại mới chỉ tiêm vaccine và đang được tiếp tục theo dõi, tư vấn tiêm bổ sung.
Ngày 8/4, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (thành phố Thủ Đức) cho biết, mới tiếp nhận một bệnh nhân nữ 41 tuổi, ngụ tại Đồng Nai, bị đa chấn thương nặng vì chó cắn. Theo lời kể của nữ nạn nhân, vào chiều ngày 6/4, trong lúc lùa bò đi ăn cỏ ở sân nhà người quen, chị bị con chó từ bên trong nhà lao ra cắn xé.
Bác sĩ Phạm Quốc Khanh, Khoa Gây mê hồi sức bệnh viện cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận khá nhiều trường hợp đến xử trí các vết thương vì bị chó cắn. Tuy nhiên, đây là trường hợp bị chó cắn nặng nhất mà bệnh viện tiếp nhận, với các chấn thương sâu, rách mô da phức tạp.
Ca mổ kéo dài suốt 5 tiếng đồng hồ, bệnh nhân được truyền 3 đơn vị hồng cầu lắng và 4 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh. Hiện tại, ngoài chăm sóc tích cực, người bệnh đã được tiêm ngừa uốn ván, tiêm ngừa dại, huyết thanh kháng dại, duy trì thuốc kháng đông, hỗ trợ hô hấp.
Tỉnh Đồng Nai hiện đang được xếp vào nhóm địa phương có nguy cơ cao về bệnh dại tại khu vực phía Nam. Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai, tính từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 5 ổ dịch chó dại, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trong số này đã có 2 trường hợp tử vong. Cả 2 người này sau khi bị chó cắn đều chủ quan cho rằng đó là chó nhà nuôi, chó còn nhỏ nên không đi tiêm vaccine phòng dại cũng như huyết thanh kháng dại. Đến khi phát bệnh thì không thể nào cứu chữa vì 100% người bị bệnh dại đều tử vong.
Điển hình như trường hợp nạn nhân N.T.N (sinh năm 1949, ngụ tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) tử vong sau 9 tháng bị chó cắn. Qua điều tra dịch tễ, vào tháng 5/2024, bà N. bị chó nhà cắn vào ngón tay trái. Do vết thương nông, không chảy máu và chó nhà nuôi cắn nên bà chủ quan, không đến cơ sở y tế để tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại mà chỉ tự rửa bằng nước lạnh và sát trùng tại nhà. Con chó cắn bà N. sau đó có biểu hiện hung dữ, tấn công lung tung và chưa từng được tiêm phòng dại. Sau khi sự việc xảy ra, người thân bà N. đã đánh chết con chó này.
Gần 9 tháng sau, vào ngày 9/2/2025, bà N. được đưa đến Khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai trong tình trạng xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bệnh dại như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, sợ nước, sợ gió, kích động và nấc kéo dài. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi bệnh dại và được lấy mẫu nước bọt xét nghiệm vào ngày 10/2. Tuy nhiên, đến khoảng 13 giờ 30 phút cùng ngày, tình trạng sức khỏe bà N. chuyển biến xấu. Gia đình xin cho bà xuất viện và bà đã tử vong trên đường về nhà.
Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh nhận định, bệnh dại trên người đang gia tăng mạnh, đặc biệt ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Nguyên nhân khiến bệnh dại gia tăng là do hầu hết các tỉnh phía Nam đều ghi nhận ổ dịch bệnh dại trên động vật; tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh dại trên động vật chưa đạt như kỳ vọng; người dân vẫn còn tập quán dùng các biện pháp dân gian để chữa bệnh dại, còn chủ quan không đi tiêm vaccine phòng dại sau khi bị chó cắn.
Tiêm vaccine là biện pháp phòng ngừa duy nhất
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh, virus dại có quá trình ủ bệnh rất phức tạp, trung bình thường là 2 - 3 tháng nhưng nhiều trường hợp có thể chỉ trong vòng 7 - 10 ngày và cũng có thể kéo dài vài tháng, thậm chí vài năm.
Để phòng bệnh dại, cần phải tiêm vaccine dại ngay sau khi bị chó, mèo cắn.
“Bệnh dại có giai đoạn ủ bệnh khi virus đã xâm nhập cơ thể, nhưng chưa tấn công hệ thần kinh trung ương. Giai đoạn này thường kéo dài 20 - 60 ngày, phần lớn dưới 90 ngày. Tuy nhiên, có trường hợp ghi nhận ủ bệnh kỷ lục đến 25 năm”, bác sĩ Trương Hữu Khanh thông tin thêm.
Tương tự, bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Thị Trúc Phương, chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, thời gian ủ bệnh tùy thuộc vào vị trí, tình trạng, số lượng vết cắn, lượng virus đi vào cơ thể. Quá trình này càng ngắn nếu vết cắn càng sâu, nhiều vết cắn, chảy máu, gần khu vực thần kinh trung ương như vùng đầu mặt cổ, đầu các ngón tay, ngón chân.
Theo bác sĩ Phương, tốc độ di chuyển của virus dại ước tính từ 12 - 24 mm mỗi ngày. Điều này lý giải vết thương ở vùng đầu hoặc đầu dây thần kinh, đầu các chi, virus sẽ phát tán và đến não nhanh hơn. Nếu vết thương ở xa đầu nút thần kinh, virus vẫn di chuyển dọc theo dây thần kinh và tấn công não. Quá trình này có thể mất nhiều tháng, dài nhất có thể lên đến vài năm, tốc độ phụ thuộc vào mức độ tổn thương nông hay sâu, số lượng virus đi vào cơ thể…
“Nhiều người sau vài tuần bị chó cắn thấy cơ thể khỏe mạnh nên chủ quan không tiêm phòng, không theo dõi con vật hoặc quên mất đã bị chó, mèo tấn công. Tuy nhiên, khi phát bệnh dại, 100% người bệnh và động vật sẽ tử vong. Virus dại có cấu trúc tương tự nọc độc rắn hổ mang; kích hoạt cơ chế tự vào vệ khiến các phương pháp điều trị không có tác dụng, đồng thời tấn công não khiến người bệnh tử vong. Tiêm ngừa vaccine dại ngay sau khi bị động vật cắn là cách duy nhất để phòng bệnh, bởi các trường hợp tử vong hầu hết không được tiêm vaccine”, bác sĩ Phương khẳng định.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo: Cách phòng ngừa bệnh dại duy nhất hiện nay là tiêm vaccine dại ngay sau khi bị động vật cắn hoặc cào, tiêm đủ liều và đúng lịch theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, người dân nuôi chó, mèo cần chú ý tiêm vaccine phòng dại đầy đủ cho thú cưng và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Khi nuôi chó phải xích và nhốt cẩn thận, khi ra đường phải mang rọ mõm và đeo dây dẫn để ngăn chặn nguy cơ cắn người xung quanh.
Ngoài tiêm vaccine, bác sĩ Phương khuyên khi bị chó mèo cắn, cào, liếm trên vết thương hở cần rửa sạch vết thương dưới vòi nước chảy trong 15 phút. Sau đó, sát khuẩn bằng cồn 45 - 70 độ hoặc cồn i ốt để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn, chủng ngừa dại càng sớm càng tốt. Không điều trị bằng thuốc nam và các phương thuốc dân gian, gia truyền, làm chậm trễ cơ hội dự phòng dại.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, so với cùng kỳ năm 2024, số tỉnh, thành phố có số nghi mắc bệnh dại giảm hơn nhưng số người tử vong do bệnh dại lại tăng đáng kể. Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2025 cả nước có 20 người tử vong do bệnh dại.
Theo ĐAN PHƯƠNG (Báo Tin tức và Dân tộc)
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: