Cảnh giác nhiễm trùng huyết ở người bệnh đái tháo đường

07/08/2023 - 19:16

Ở người bệnh đái tháo đường, các triệu chứng của nhiễm trùng huyết thường mờ nhạt, khó phát hiện nếu không thăm khám một cách kĩ càng.

Có bệnh nền đái tháo đường type 2, mới đây, bệnh nhân T.H.T (66 tuổi) có biểu hiện tụt huyết áp, da niêm mạc nhợt, đại tiện phân đen; nặng hơn đã bị hôn mê. Bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Nội tiết Trung ương để cấp cứu.

Qua kết quả khám, xét nghiệm các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn - viêm phổi – xuất huyết tiêu hóa cao – đái tháo đường type 2 – tăng huyết áp – đợt cấp suy thận mạn. Các bác sĩ tiên lượng tình trạng của bệnh nhân diễn biến nặng, nguy cơ tử vong cao.

Vi khuẩn gây nhiễm trùng huyết. Ảnh minh họa: BV

Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các y bác sĩ khoa Điều trị tích cực Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã nhanh chóng hồi sức bệnh nhân tích cực cho bệnh nhân.

ThS.BS Nguyễn Đăng Quân, Phó khoa Điều trị tích cực, Bệnh Viện Nội tiết Trung ương cho biết: "Bệnh nhân nhanh chóng được bù dịch, đánh giá đáp ứng dịch liên tục, sử dụng thuốc vận mạch để duy trì huyết áp ổn định, sử dụng kháng sinh phổ rộng, kiểm soát đường máu, mỡ máu và hỗ trợ điều trị triệu chứng. Rất may, sau sau đó người bệnh đã ổn định trở lại; tình trạng tỉnh táo, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, bệnh nhân cũng bắt đầu ăn trở lại đường miệng, không còn đại tiện phân đen".

Theo ThS.BS Nguyễn Đăng Quân, sốc nhiễm khuẩn (hay sốc nhiễm trùng) là giai đoạn nặng nhất của quá trình liên tục bắt đầu từ đáp ứng viêm hệ thống do nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn nặng, sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng. Khi chuyển sang giai đoạn sốc nhiễm khuẩn, bệnh nhân đã bị nhiễm trùng huyết kèm theo tụt huyết áp và rối loạn chức năng tim mạch. Ở giai đoạn này, tiên lượng bệnh đã khá nặng, nguy cơ tử vong có thể lên tới 40 - 60%.

“Các triệu chứng và dấu hiệu của nhiễm trùng huyết có thể khó phát hiện và thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý cấp cứu khác như: Sốc tim, sốc giảm thể tích, thuyên tắc phổi… Đặc biệt là ở người bệnh đái tháo đường các triệu chứng lâm sàng thường mờ nhạt, khó phát hiện nếu không thăm khám một cách kĩ càng và có hệ thống”, ThS.BS Nguyễn Đăng Quân cho biết.

Với nhiễm khuẩn huyết, bệnh nhân thường có biểu hiện của hội chứng đáp ứng viêm hệ thống (SIRS) bao gồm: Sốt cao (sốt trên 38 độ C hoặc có thể hạ thân nhiệt dưới 36 độ C) , thở nhanh (nhịp thở trên 20 lần/phút), nhịp tim nhanh (mạch trên 90 lần/phút), tuy nhiên huyết áp vẫn duy trì bình thường.

Các dấu hiệu khác của nguyên nhân nhiễm trùng có thể cũng xuất hiện như: Khó thở, ho khạc đờm, đờm vàng/xanh nếu nhiễm trùng hô hấp hay tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra mủ nếu nhiễm trùng hệ tiết niệu…

Khi nhiễm khuẩn huyết nặng hơn hoặc có sốc nhiễm khuẩn, các dấu hiệu sớm thường thấy là: Tụt huyết áp, kèm theo suy giảm tri giác; huyết áp giảm, nhưng da vẫn ấm. Sau đó, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, các chi thường trở nên lạnh và nhợt nhạt, nổi vân tím ngoại biên. Tình trạng suy đa tạng tiến triển sẽ nhanh chóng khiến người bệnh tử vong.

Bác sĩ cũng cảnh báo, với sự nguy hiểm của sốc nhiễm khuẩn nói riêng và nhiễm khuẩn huyết nói chung, ngay khi có các triệu chứng nói trên: người bệnh, đặc biệt là người bệnh đái tháo đường cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp hỗ trợ kịp thời.

Theo TTXVN