Các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ của chúng thường tập trung ở những nội dung, như: Tán phát thông tin giả, thông tin được trích dẫn từ những “hồi ký”, “tư liệu” được viết nên bởi những kẻ bất mãn, chống đối, cơ hội chính trị; xuyên tạc đời tư cá nhân, mối quan hệ giữa các lãnh tụ trong quá trình lãnh đạo cách mạng, bằng những giọng điệu phản động, bịa đặt; xuyên tạc và phủ nhận công lao, sự nghiệp cách mạng của các lãnh tụ. Chúng rêu rao rằng, con đường cách mạng vô sản ở Việt Nam là sự “chọn đại, sai lầm” của những người lãnh đạo, khiến gây ra chiến tranh, nghèo đói, “Bắc Nam chia rẽ”. Nguy hiểm hơn, chúng sử dụng chiêu bài “thần thánh hóa”, tung hô một vài lãnh tụ tiền bối nhằm đối lập với cán bộ, đảng viên hiện nay; ca ngợi cá nhân đồng chí lãnh đạo này, hạ thấp vai trò của cá nhân lãnh đạo khác với mục đích thâm hiểm nhằm gieo rắc sự hoài nghi trong dư luận...
Từ thành quả công cuộc phòng, chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo, chúng “lập lờ đánh lận con đen”, muốn quy hiện tượng thành bản chất, cho rằng “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao của Đảng, nhà nước tha hóa, biến chất và vi phạm” là cái “phổ biến” và “tất yếu” của một Đảng duy nhất cầm quyền… Đồng thời, chúng còn móc nối, cấu kết với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện tha hóa, biến chất nhằm lôi kéo, mua chuộc, tạo lực lượng chống phá từ bên trong. Theo đó, số bên ngoài chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí hoạt động; các đối tượng trong nước tích cực tập hợp lực lượng, thu thập tin tức để cung cấp cho bên ngoài vu cáo, xuyên tạc tình hình đất nước.
Thủ đoạn chủ yếu là giả mạo, cắt xén, ngụy tạo bằng chứng để vu cáo; sử dụng thông tin cũ với những luận điệu mới; lợi dụng những vấn đề chính trị, thời sự để tung tin thất thiệt, tạo dư luận xấu; từ các vụ việc tiêu cực, tham nhũng để quy chụp do đường lối của Đảng, nhà nước và chế độ. Các đối tượng đặt tên trang mạng, blog và đặt các tiêu đề, tên bài với ngôn từ giật gân, kích thích tính tò mò của người đọc, người xem, đăng tải tin, bài viết, video clip có nội dung phản động, thật giả lẫn lộn. Gia tăng liên kết để đưa thông tin, bài viết, bình luận, tập trung khoét sâu một chủ đề hoặc trích dẫn, đăng lại bài viết của nhau nhằm làm tăng hiệu quả tuyên truyền phá hoại tư tưởng…
Thực chất những luận điệu nêu trên không chỉ nhằm hạ thấp thanh danh, uy tín lãnh tụ của Đảng qua các thời kỳ, mà đó còn là âm mưu sâu xa, nham hiểm của chúng nhằm làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với các lãnh tụ, dẫn đến nghi ngờ, dao động rồi mất niềm tin vào Đảng, nhà nước và chế độ. Bóp méo sự thật lịch sử, bôi nhọ nhân phẩm các bậc lãnh đạo tiền bối để “mượn gió bẻ măng” hòng chống phá Đảng, nhà nước; đánh phá nền tảng tư tưởng của Đảng; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc… Những hành động này đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc và các tầng lớp nhân dân Việt Nam.
Để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời những tác động tiêu cực của hoạt động này, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo, kích động gây chia rẽ nội bộ để ngăn chặn kịp thời. Các cơ quan, ban, ngành, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực thông tin truyền thông, internet, mạng xã hội… tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các mạng xã hội, trang web, blog cá nhân; khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý mạng, báo chí, xuất bản mà các thế lực thù địch có thể lợi dụng để đăng tải, tán phát những luận điệu sai trái; chủ động kiểm soát thông tin, nắm tình hình trên các mạng xã hội, trang web, blog có nội dung chống đối để chủ động cung cấp thông tin chính thống, vạch trần âm mưu và hoạt động của chúng.
Mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức cần nâng cao khả năng nhận diện với các thông tin xấu, độc, nguy hại đối với bản thân và xã hội. Đồng thời, xây dựng phong cách văn hóa khi tham gia trên không gian mạng; có ý thức cảnh giác, không đăng tải hoặc để lộ, lọt thông tin, tài liệu liên quan đến bí mật quốc gia… Phát hiện kịp thời âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động của các thế lực thù địch trên không gian mạng, chỉ cập nhật những thông tin chính thống, không xem và chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, kịp thời phát hiện, góp ý, phê bình… Không để đồng nghiệp, người nhà của mình bị lôi kéo, dụ dỗ mà cố ý hoặc vô tình ủng hộ, chia sẻ, lan truyền những thông tin phản động, độc hại trên mạng xã hội. Chủ động và thường xuyên tham gia bình luận, chia sẻ các bài viết về những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, những mô hình mới, cách làm hay của các cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân trong tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước… Qua đó, góp phần quan trọng bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
M.T