Cảnh giác với thủ đoạn chiếm đoạt tài sản trên mạng

14/09/2020 - 06:37

 - Lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết của người dân, các đối tượng tội phạm đã sử dụng mạng xã hội hoặc điện thoại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân. Tuy thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội không mới và thường xuyên được các cơ quan chức năng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng vẫn còn nhiều người cả tin dẫn đến tình trạng “tiền mất, tật mang”.

Thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng xã hội, mạng intenet diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Mặc dù, lực lượng công an đã triệt phá nhiều vụ án liên quan đến lĩnh vực này nhưng thời gian gần đây, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn tiếp tục xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh An Giang) thông báo một số tình hình thủ đoạn nổi lên, như: đối tượng người nước ngoài kết bạn với bị hại (chủ yếu là bị hại nữ) qua mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber...) nhắn tin tâm sự, giả vờ yêu đương. Khi bị hại tin tưởng, đối tượng thông báo muốn gửi tiền, quà cho bị hại.

Sau đó, đối tượng người nước ngoài câu kết với đối tượng người Việt Nam liên lạc với bị hại giả danh là nhân viên bưu điện, sân bay, hải quan, thuế… yêu cầu bị hại phải nộp tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng chỉ định với nhiều lý do khác nhau (cước vận chuyển, thuế, phí, tiền phạt…) rồi chiếm đoạt.

Ngoài ra, đối tượng lừa đảo còn sử dụng các ứng dụng trên mạng internet, mạng viễn thông, sử dụng sim số điện thoại khuyến mãi không đăng ký chính chủ, phần mềm giả danh số điện thoại của cơ quan công an gọi điện giả danh là nhân viên bưu điện, ngân hàng thông báo chủ thuê bao đang nợ cước viễn thông, nợ ngân hàng quá hạn; hoặc giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc giả mạo cổng thông tin điện tử Bộ Công an… thông báo chủ thuê bao có liên quan đến các vụ án đang bị điều tra, yêu cầu bị hại kết bạn Zalo và gửi hình ảnh lệnh bắt tạm giam của cơ quan pháp luật cho bị hại xem.

Sau đó, yêu cầu bị hại khai báo thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc yêu cầu bị hại mở tài khoản mới và nộp tiền vào, trong vòng 24 giờ để xác minh bị hại không liên quan đến vụ án thì trả lại và bọn chúng yêu cầu bị hại cung cấp thông tin tài khoản, mã OTP thông qua các phần mềm đối tượng yêu cầu bị hại tải về cài đặt (như: VN84, BO CONG AN…) hoặc chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng chỉ định rồi bị chiếm đoạt.

Những tin nhắn lừa đảo

Không những thế, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng điện thoại bàn, sim không chính chủ giả danh nhân viên, cán bộ của trung tâm mua sắm, đài truyền hình gọi vào các số điện thoại của bị hại để thông báo với bị hại là họ đã may mắn trúng thưởng của một chương trình do đối tượng đặt ra. Phần thưởng đối tượng đưa ra là một tài sản có giá trị cao, như: ti-vi, tủ lạnh, máy massage, xe gắn máy…

Nếu bị hại tin tưởng thì đối tượng sẽ thông báo về thủ tục nhận thưởng. Để đủ điều kiện được nhận thưởng, bị hại phải mua 1 sản phẩm (có giá thành cao hơn giá thị trường) hoặc mua thẻ cào có giá trị cao cung cấp mã thẻ cho đối tượng để chiếm đoạt.

Khi phát hiện bị hại rao bán hàng (là những đồ vật có giá trị) trên mạng xã hội (qua Facebook, Zalo, Viber…), các đối tượng lừa đảo liên lạc cho bị hại biết sẽ mua hàng và trả tiền bằng cách chuyển khoản qua ngân hàng, yêu cầu bị hại cung cấp số tài khoản ngân hàng để chuyển tiền. Sau đó, yêu cầu bị hại nhập các thông tin trên website, nhằm lấy được thông tin cá nhân và số điện thoại của bị hại đã đăng ký với ngân hàng.

Chúng sử dụng những thông tin đó để xâm nhập vào tài khoản của người bị hại rồi yêu cầu bị hại gửi mã xác nhận đã đăng ký với ngân hàng cho đối tượng với lý do có mã xác nhận này chúng mới thực hiện được việc chuyển tiền cho bị hại. Tưởng thật, bị hại gửi mã xác nhận thì bị chúng xâm nhập vào tài khoản (bằng internet banking) để rút hết số tiền của bị hại có trong tài khoản nhằm chiếm đoạt.

Các đối tượng lừa đảo còn lập tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber…) giống hoặc chiếm quyền quản trị (hack) tài khoản của bị hại rồi nhắn tin, lừa người thân, bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền cho các đối tượng rồi chiếm đoạt. Bên cạnh đó, còn giới thiệu, mời chào, lôi kéo người dân tham gia đầu tư, kinh doanh các loại tiền ảo, tiền điện tử với những hứa hẹn về lợi nhuận, mức hoa hồng hấp dẫn, lợi nhuận cao để chiếm đoạt tài sản…

Gần đây, nổi lên hình thức thanh toán bằng đồng GEM qua App Myaladdinz với mức hoàn lại lên đến 80% số tiền thanh toán. Đây là một hình thức kinh doanh đa cấp, theo phương thức lấy tiền của người sau để trả cho người trước, người dùng nhận được nhiều phần thưởng, điểm thưởng khi mời được nhiều người khác tham gia, chỉ khác những hình thức kinh doanh đa cấp trước đây ở chỗ là MyAladdinz hoạt động núp bóng dưới 1 App thương mại điện tử; App MyAladdinz không có trong dữ liệu lưu trữ đã được cấp phép của Bộ Công thương.

Ngoài ra, GEM và các loại tiền ảo không được xem là phương tiện thanh toán, việc cung ứng, phát hành và sử dụng các đồng tiền ảo là không hợp pháp (theo Khoản 6, Khoản 7, Điều 1 Nghị định số 60/2016/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt). Lực lượng chức năng, khuyến cáo người dân không nên tham gia App này.

Qua hàng loạt phương thức lừa đảo bằng công nghệ cao nêu trên, Công an tỉnh và các ngành chức năng khuyến cáo, để tránh trở thành nạn nhân, người dân cần thực hiện các biện pháp đề phòng, cảnh giác. Trước khi chuyển tiền cho người thân hoặc bạn bè, cần gọi điện cho người đó trước nhằm xác nhận nội dung chuyển tiền, phòng trường hợp đối tượng chiếm đoạt tài khoản xã hội rồi giả mạo người thân, bạn bè để lừa đảo.

Đặc biệt, không được cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã PIN Internet Banking và mã OTP cho người khác, ngay cả khi nhận được yêu cầu từ người tự xưng là nhân viên ngân hàng. Bởi vì mã OTP chỉ sử dụng cho mục đích xác nhận khi thanh toán, nếu người dân nhận được yêu cầu đăng nhập để nhận tiền mà đòi hỏi phải cung cấp mã OTP thì đều là giả mạo. Mọi thắc mắc, nghi ngờ về thông tin tài khoản cá nhân của mình, người dân cần trực tiếp đến các ngân hàng để được kiểm tra, giải đáp.

Người dân không được gõ tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã PIN internet banking, mã OTP, số tài khoản... của mình vào trang web hoặc liên kết khác với trang web chính thống của ngân hàng đã và đang sử dụng. Mặt khác, khi tài khoản của người dân nhận tiền từ nước ngoài gửi về, chủ tài khoản phải trực tiếp đến ngân hàng để nhận, chứ không thể nhận tiền qua việc truy cập vào bất kỳ đường link hay trang web nào khác.

Đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật của nước ta (công an, viện kiểm sát, tòa án), khi thực hiện các thủ tục tố tụng đều yêu cầu công dân đến trụ sở để làm việc trực tiếp; tuyệt đối không trao đổi qua điện thoại hoặc mạng xã hội và không bao giờ buộc người dân chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để giám định, xác minh.

Khi có bất kỳ nghi vấn nào liên quan đến hành vi lừa đảo giao dịch bằng internet banking, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất, đồng thời thông báo ngay qua đường dây nóng hoặc tổng đài hỗ trợ khách hàng của ngân hàng mình đang sử dụng dịch vụ để được hỗ trợ kịp thời.

Bài, ảnh: LÊ HOÀNG