Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân

08/07/2018 - 07:54

Để giúp ngư dân đánh bắt thủy hải sản hiệu quả, an toàn, đúng luật pháp, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam (CSB) đã có Chương trình “CSB đồng hành với ngư dân” ở khắp các vùng biển của cả nước.

Chú thích ảnh

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 1 phát tờ rơi tuyên truyền "Những điều cần biết khi đánh bắt trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ" cho ngư dân Tàu 91180 TS đang neo đậu tại khu vực âu tàu huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh).

Đồng hành với ngư dân, lực lượng CSB đã tập huấn cho bà con kỹ năng về cứu hộ, cứu nạn trên biển; hỗ trợ trang bị áo phao, phao cứu sinh, tủ thuốc và phổ biến các quy định về hoạt động nghề cá theo pháp luật của Việt Nam và quốc tế. 

Cô Tô - pháo đài giữa biển 

Đã hơn 10 ngày, tàu 91180TS của ông Lê Không, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi vẫn nằm trong âu tàu huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh để tránh trú do biển động. 14 anh em thuyền viên trên tàu ai cũng thắc thỏm mong biển bình yên để tiếp tục ra khơi đánh cá. 

Theo ông Lê Không, nhóm tàu của tỉnh Quảng Ngãi đang tránh trú tại đây có tới 20 chiếc. Các tàu này chuyên đánh bắt thủy sản ở khu vực ngư trường truyền thống Vịnh Bắc Bộ. Do biển động, thời tiết không thuận lợi nên anh em đã gọi nhau vào đây tránh trú, tiếp thêm nhiên liệu và thực phẩm, chờ biển bình yên lại tiếp tục ra khơi. 

Chú thích ảnh

Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi vào trú tại âu tàu Cô Tô (Quảng Ninh)

Giữa cái nắng hè chói chang, chúng tôi nhận thấy trên đường ven bờ âu tàu Cô Tô, những chiếc xe tải nhỏ đang hối hả chở đá cây, nước ngọt tiếp tế cho những tàu cá chuẩn bị vươn khơi. Ai ai cũng hối hả, tất bật chạy đua với cái nắng. Cả âu tàu rộng hàng trăm héc ta là “bãi đỗ” lý tưởng, an toàn cho ngư dân mỗi khi vào Cô Tô tránh trú bão. 

Ông Trần Như Long, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết: Huyện đảo Cô Tô được biết đến như một pháo đài bảo vệ ở tuyến khơi với gần 50 hòn đảo, có ngư trường rộng lớn với hơn 300 km2, có đường phân định biên giới trên biển dài hơn 190 km kéo dài từ đảo Trần đến đảo Bạch Long Vĩ (thành phố Hải Phòng). 

Ngày 9/5/1961, Cô Tô vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, là nơi duy nhất trên toàn quốc được Bác Hồ cho phép dựng tượng của mình khi Người còn sống. Với vị trí quan trọng như vậy, Đảng bộ và nhân dân Cô Tô xác định rõ trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng cao cả, mỗi người dân Cô Tô sẵn sàng là một chiến sĩ, mỗi ngư dân là một cột mốc sống khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển; tích cực tham gia bảo vệ môi trường, góp phần cùng các lực lượng vũ trang đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững hòa bình và ổn định trên khu vực. 

Trong những năm qua, huyện đảo Cô Tô có tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 13 - 15%, thu nhập bình quân hàng năm đạt trên 3.500 USD/người. Huyện đảo xác định lấy kinh tế du lịch - dịch vụ là hướng phát triển chủ đạo, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. 

Đặc biệt, Cô Tô cũng là huyện đảo đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới trên toàn quốc. “Trọng tâm trong nhiệm kỳ này chúng tôi đã xác định phát triển mạnh lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Hiện đã có nhà đầu tư chiến lược đặt vấn đề quy hoạch phát triển du lịch trên đảo Cô Tô gắn với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc quốc phòng - an ninh để nhân dân yên tâm sinh sống, giữ biển bảo vệ đảo”, ông Trần Như Long khẳng định. 

Sát cánh cùng ngư dân 

Thực hiện chương trình “CSB đồng hành với ngư dân”, trong những ngày cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Tư lệnh vùng CSB 1 đã tổ chức các hoạt động: Thăm và tặng quà gia đình chính sách, gia đình neo đơn có hoàn cảnh khó khăn. Khám và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân huyện đảo Cô Tô và ngư dân đang khai thác hải sản trên biển vào tránh trú tại âu tàu. Phát động chương trình chung tay làm sạch môi trường biển. 

Chú thích ảnh

Thượng tá Lê Huy, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh vùng CSB1 (bên trái ảnh) trao tặng quà của chương trình "Đồng hành cùng ngư dân" cho bà Nguyễn Thị Thu, nguyên là chiến sĩ Trường Sơn, Đoàn 559 hiện đang sinh sống tại thị trấn Cô Tô (Quảng Ninh).

Đặc biệt là tổ chức tập huấn, tuyên truyền pháp luật cho bà con và ngư dân về những điều cần biết khi đánh bắt trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ, cung cấp các thông tin về tần số vô tuyến của các đài canh trực cứu hộ, cứu nạn, phạm vi đánh bắt hải sản và tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CSB. Cách nhận biết các loại ma túy tổng hợp và phòng chống tệ nạn ma túy… 

Thượng tá Lê Huy, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh vùng CSB 1 cho biết: Hoạt động của Bộ Tư lệnh vùng CSB 1 trên đảo Cô Tô thể hiện sự quan tâm của lực lượng CSB Việt Nam với nhân dân nói chung và ngư dân huyện đảo Cô Tô nói riêng. Cùng với hoạt động tuyên truyền cho ngư dân nắm chắc được pháp luật khi đánh bắt hải sản trên biển, những món quà ý nghĩa như cờ Tổ quốc, áo phao, tủ thuốc được trao tận tay những gia đình chính sách, người có công, người già neo đơn, hộ nghèo, học sinh nghèo vượt khó và ngư dân trên địa bàn... càng tô thắm thêm hình ảnh người lính Cụ Hồ trong thời bình. 

Chú thích ảnh

Bộ Tư lệnh vùng CSB 1 trao tặng cờ Tổ quốc và áo phao cho các ngư dân 

Khi được CSB tuyên truyền về Hiệp định nghề cá trên Vịnh Bắc Bộ, anh Nguyễn Văn Vương 38 tuổi, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đã có kinh nghiệm 20 năm đi biển cho biết: “Tôi làm nghề biển đã lâu, thường đánh bắt cá ở vùng ngư trường truyền thống. Nay được các anh CSB tuyên truyền về vùng đánh cá chung giữa ta và Trung Quốc tôi mới biết rõ hơn những khu vực nào được khai thác, khu vực nào bị cấm để tránh. Trước đây chưa biết, chúng tôi lúc nào cũng lo vô tình vào đánh bắt ở những vùng không được phép,  dễ bị mất ngư lưới cụ”. 

Bây giờ có CSB Việt Nam hỗ trợ, tuyên truyền pháp luật trên biển, ngư dân được quan tâm, ai cũng mừng và không còn sợ gì nữa khi vươn khơi bám biển. “Được Nhà nước quan tâm tặng cờ Tổ quốc, Bộ Tư lệnh vùng CSB 1 tặng tủ thuốc thế này anh em vui lắm. Được nhìn thấy cờ Tổ quốc bay trên nóc tàu, anh em vui lắm, quyết tâm giữ vững chủ quyền trên biển”, anh Nguyễn Văn Vương phấn khởi cho hay. 

Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, Trần Như Long cũng khẳng định “Chúng tôi sẽ làm hết mình cùng Bộ Tư lệnh vùng CSB 1 nâng cao công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật của nhà nước đến với ngư dân. Triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách của nhà nước để khuyến khích ngư dân đầu tư phương tiện vươn khơi bám biển. Đẩy mạnh hoạt động các mô hình “Ngư dân tham gia bảo vệ ngư trường, bến, bãi”, mô hình “Giữ đảo bình yên” và hoạt động của các đơn vị tự vệ biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. Cô Tô sẽ là hậu phương vững chắc cho mỗi chuyến tuần tra của các chiến sĩ CSB Việt Nam trên vùng biển đông Bắc”. 

Mô hình “CSB đồng hành với ngư dân" triển khai tại huyện đảo Cô Tô được chính quyền và nhân dân phấn khởi, đồng tình ủng hộ và đánh giá cao. Đây là mô hình có ý nghĩa chính trị quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, thiết thực, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của lực lượng CSB trong tình hình mới. 

Các hoạt động của mô hình đã tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho ngư dân về chiến lược biển, đảo; về tầm quan trọng của biển, đảo đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. 

Bà con nhân dân đang làm ăn, sinh sống trên các điểm đảo, ngư trường ở khu vực huyện Cô Tô nói riêng, Vịnh Bắc Bộ nói chung sẽ không còn cảm thấy cô độc bởi bên cạnh họ luôn có lực lượng cứu hộ, cứu nạn, nhất là những cán bộ, chiến sĩ vùng CSB 1. 

Chú thích ảnh

Bộ Tư lệnh vùng CSB 1 tặng tủ thuốc cho ngư dân.

Mô hình đã củng cố và phát huy sức mạnh của khối đoàn kết các lực lượng trong và ngoài quân đội trong việc bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên đảo tiền tiêu Đông Bắc của Tổ quốc. 

Việc triển khai mô hình tại đảo Cô Tô bước đầu đã thu được những kết quả rất tích cực, tạo sức lan tỏa rộng rãi, củng cố niềm tin của nhân dân về hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ CSB” đối với nhân dân. Ngư dân thêm vững tin, yên tâm vươn khơi bám biển sản xuất và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. 

Trong chương trình “CSB đồng hành với ngư dân” tại huyện đảo Cô Tô, Bộ Tư lệnh vùng CSB 1 phối hợp cùng các cơ quan, doanh nghiệp tặng 57 suất quà cho các đối tượng trên địa bàn, 10 chiếc xe đạp, 20 tủ thuốc cá nhân, 50 cờ Tổ quốc, 50 áo phao, 20 phao tròn cho ngư dân. Khám và cấp thuốc miễn phí cho 87 người là đối tượng chính sách, ngư dân nghèo cùng 16 thùng quà gồm sách báo, tạp chí, bánh kẹo cho nhân dân. Tổng chi phí quà tặng trên 160 triệu đồng.

Theo VIẾT TÔN (Báo Tin Tức)