Canh tác lúa giảm phát thải, thân thiện môi trường

15/08/2024 - 07:00

 - Quy trình sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp đang cho thấy hiệu quả toàn diện: Giảm chi phí, tăng năng suất, lợi nhuận; tạo ra sản phẩm lúa chất lượng, an toàn hơn; giảm lượng khí nhà kính thải vào môi trường, tiến tới chi trả tín chỉ carbon cho người trồng lúa. Với tỉnh có diện tích canh tác, sản lượng lúa hàng đầu cả nước như An Giang, lợi ích mang lại rất lớn khi mô hình được nhân rộng.

Hiệu quả thực tế

Vụ hè thu 2024, Trạm Khuyến nông huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật “Công nghệ cơ giới hóa sạ hàng kết hợp vùi phân trong sản xuất lúa ở ĐBSCL” tại hộ ông Nguyễn Văn Tưởng (ấp Tân Vọng, xã Vọng Thê). Quá trình thực hiện được sự hỗ trợ, giám sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI).

Mô hình áp dụng trên 1ha đất, sử dụng máy sạ hàng kết hợp vùi phân với lượng giống chỉ 70kg (ruộng sạ lan đối chứng là 150kg/ha), lượng phân bón N - P2O5 - K2O lần lượt là 74,6kg - 40,4kg - 44,8kg (đối chứng là 119,2kg - 46kg - 60kg), thực hiện 9 lần phun thuốc bảo vệ thực vật (đối chứng 11 lần).

Khi thu hoạch, năng suất ruộng lúa trình diễn đạt hơn 7 tấn/ha (đối chứng 6,67 tấn/ha), tổng chi phí hơn 26 triệu đồng (đối chứng gần 30 triệu đồng), doanh thu gần 50 triệu đồng (đối chứng gần 47 triệu đồng). Lợi nhuận mô hình của ông Nguyễn Văn Tưởng là 23,3 triệu đồng, trong khi ruộng sạ lan đối chứng gần 17 triệu đồng.

Mô hình trình diễn sử dụng máy sạ hàng kết hợp vùi phân tại xã Hiệp Xương

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Trần Thanh Hiệp cho biết, thực tế sản xuất vụ hè thu 2024 cho thấy, ứng dụng cơ giới hóa gieo sạ hàng kết hợp vùi phân mang lại nhiều kết quả tích cực: Giảm 2,1 lần lượng giống gieo sạ, giảm 1,6 lần lượng phân đạm sử dụng, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật; năng suất tăng thêm 0,4 tấn/ha, lợi nhuận gấp 1,4 lần so với phương pháp sạ lan truyền thống.

“Công nghệ sạ hàng hiệu ứng hàng biên kết hợp vùi phân tận dụng được ánh sáng, giúp cây lúa khỏe, cho năng suất cao hơn, đồng thời giảm số lần bón phân từ 3 - 4 lần/vụ xuống còn 2 lần/vụ” - ông Trần Thanh Hiệp đánh giá.

Nông dân hào hứng

Từ hiệu quả mô hình nhỏ ở huyện Thoại Sơn, mới đây, tại xã Hiệp Xương (huyện Phú Tân), Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang triển khai mô hình trình diễn vận hành, đánh giá hiệu quả sử dụng máy sạ hàng kết hợp vùi phân tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Các hợp tác xã (HTX) cùng 80 nông dân trong vùng được mời chứng kiến trình diễn và tham gia thảo luận.

Trên diện tích 15ha vụ thu đông 2024, Công ty TNHH MTV Tư Sang trình diễn máy sạ hàng hiệu ứng hàng biên kết hợp vùi phân, sử dụng giống OM5451, lượng giống gieo sạ 80kg/ha, khoảng cách hàng rộng - hẹp là 40x10cm.

“Nghiên cứu mô hình trình diễn đã thực hiện ở một số tỉnh, chúng tôi thấy sử dụng dòng máy sạ 16 hàng, dùng máy kéo có công suất từ 46HP trở lên là phù hợp. Dòng máy này có thể điều chỉnh ống phân, ống giống, khoảng cách hàng khá dễ dàng. Khi áp dụng sạ hàng biên giảm lượng giống, lúa trên ruộng có khoảng trống phát triển như lúa bờ, hấp thụ tối ưu ánh sáng, cây mạnh khỏe, ít đổ ngã, bông lúa đẹp. Máy tự vùi phân từ 3 - 5cm dưới mặt đất, kết hợp đánh đường nước nên giúp đồng ruộng thoát nước tốt” - Giám đốc Công ty TNHH MTV Tư Sang Nguyễn Hồng Thiện đánh giá.

Với 45 năm kinh nghiệm làm ruộng, nông dân Trần Văn Hiệp (xã Hiệp Xương) phấn khởi trước mô hình canh tác mới. “Máy sạ hàng kết hợp vùi phân và đánh đường nước, tạo ra nhiều rãnh giúp thoát nước tốt. Những hàng lúa có rãnh trống sẽ hưởng được nhiều ánh sáng, chắc chắn cây lúa phát triển tốt, hạt chắc. Tôi có góp ý là khi sạ cần định vị lại khu đất, hạn chế sạ chồng lên ở các vị trí quay đầu máy, tránh lúa mọc dày” - ông Hiệp nhận xét.

Tạo cơ sở để nhân rộng

Mô hình trình diễn tại xã Hiệp Xương áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL theo hướng dẫn của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), tương tự mô hình thực hiện trong vụ hè thu 2024 tại HTX Tiến Thuận (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ).

ThS Nguyễn Văn Hiếu (giảng viên chính Trường Đại học Tiền Giang, chuyên gia tư vấn Viện lúa IRRI) cho biết, qua sơ kết thu hoạch tại HTX Tiến Thuận cho thấy, mô hình giúp giảm 50% lượng giống, 30% lượng phân bón (tương đương tiết kiệm 1,9 triệu đồng/ha). Sạ thưa giúp bộ rễ phát triển tốt, cây ít bệnh, nên giảm được số lần phun và lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, năng suất lúa đạt 6,4 tấn/ha, tăng 7% so vùng xung quanh; giảm từ 2 - 6 tấn khí CO2/ha so ruộng ngoài mô hình.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Nguyễn Quốc Bảo cho biết, với diện tích 24.000ha sản xuất lúa, nếp, nông nghiệp vẫn là bệ đỡ kinh tế lâu dài của huyện. “Phú Tân định hướng nông dân chuyển đổi một phần diện tích sang trồng hoa màu, cây ăn trái, nhưng sản xuất lúa, nếp vẫn là chính.

Đề án 1 triệu héc-ta lúa mở ra hướng đi mới, mà điểm trình diễn 15ha ở xã Hiệp Xương như bước khởi đầu của đề án, nơi để nông dân kiểm chứng thực tế. Tới đây, xã Phú Thạnh sẽ đăng ký 50ha tham gia trình diễn áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp, phù hợp với tiêu chuẩn của đề án, từ đó làm cơ sở đúc kết, nhân rộng ra 12 xã theo kế hoạch” - ông Nguyễn Quốc Bảo thông tin.

“Cùng với nhân rộng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp theo Đề án 1 triệu héc-ta, tỉnh tập trung phát triển HTX và phát huy vai trò tổ khuyến nông cộng đồng, kết nối doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ với phương thức rõ ràng, minh bạch, kết nối ngân hàng đồng hành hỗ trợ HTX, nông dân trang bị máy móc hiện đại. Từ đó, thay đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu sang sản xuất tập trung, thông minh, áp dụng kinh tế tuần hoàn, góp phần xây dựng nông thôn mới với diện mạo và sức sống mới” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Trần Thanh Hiệp nhấn mạnh.

NGÔ CHUẨN