Cấp bách triển khai các công trình chống khô hạn, xâm nhập mặn

02/04/2021 - 04:38

 - Trường hợp nắng nóng kéo dài, mực nước kênh, mương xuống thấp, hạn hán và xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của hàng chục ngàn hộ dân vùng đồi núi, gò cao, vùng chưa có hệ thống nước máy, vùng giáp ranh tỉnh Kiên Giang… Do vậy, những giải pháp công trình và phi công trình đang được cấp bách triển khai.

Chú trọng nhiều giải pháp

Là nông dân có kinh nghiệm canh tác lúa nhiều năm cặp kênh Tám Ngàn (khu vực thuộc xã Lương An Trà, Tri Tôn, An Giang), ông Trần Văn Thời luôn đề cao cảnh giác mỗi khi bước vào mùa khô hạn. “Vùng này chỉ canh tác 2 vụ nên tôi tranh thủ bơm nước ra ngay khi lũ năm rồi vừa rút để xuống giống sớm vụ đông xuân 2020-2021. Lúa năm nay “trúng mùa, trúng giá”, gia đình rất phấn khởi. Thu hoạch lúa đông xuân xong, chúng tôi tranh thủ phơi ải, làm đất để xuống giống sớm vụ hè thu 2021, đảm bảo thu hoạch ăn chắc trước khi lũ về” - ông Thời chia sẻ.

Theo quan sát của nông dân vùng này, hiện nước mặn chưa xâm nhập qua Cống Ranh (khu vực giáp ranh giữa huyện Tri Tôn - An Giang và huyện Hòn Đất - Kiên Giang). “Tôi thấy nước vẫn chảy về hướng tỉnh Kiên Giang, chưa có hiện tượng đứng nước hay nước chảy ngược từ phía Kiên Giang vào An Giang. Nông dân nơi đây tranh thủ bơm nước khi triều cường lên, dòng chảy mạnh từ hướng An Giang về Kiên Giang. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ cảnh báo độ mặn của cơ quan chức năng. Nếu không để ý mà bơm nước mặn lên lúa là “tiêu” liền” - ông Thời nhấn mạnh.

Hiện nay, ngành chức năng huyện Tri Tôn, Thoại Sơn thường xuyên tuyên truyền về tác hại của mặn, cảnh báo độ mặn cho nông dân vùng giáp ranh với tỉnh Kiên Giang. Trong đó, lưu ý bà con về thời gian bơm nước: tăng cường bơm nước khi có dòng nước từ sông Hậu chảy vào (dòng chảy hướng về Kiên Giang), hạn chế bơm khi nước trong kênh, rạch có thời gian ngừng chảy kéo dài và không được bơm khi có lượng nước từ phía Kiên Giang chảy vào.

Hiện nay, phía tỉnh Kiên Giang đã xây dựng và điều tiết chủ động các cống ngăn mặn ở cửa sông nên khả năng nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng An Giang rất thấp. Tuy nhiên, phía tỉnh An Giang đã chủ động các phương án trong tình huống có nước mặn xâm nhập. Trong đó có giải pháp cung ứng nguồn nước ngọt sinh hoạt và đắp đập tạm ngăn mặn khi cần.

Vận hành công trình điều tiết nước

Trên cơ sở nguồn nước tại thời điểm và dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phối hợp ngành chuyên môn chủ động hướng dẫn nhân dân bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thời vụ gieo trồng phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không đảm bảo chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất. Đồng thời, bố trí vùng sản xuất cho các loại cây trồng hợp lý có khả năng chịu hạn, mặn và nhu cầu dùng nước để thuận tiện cho việc điều tiết nước.

Việc phân phối nước phải có sự phối hợp đồng bộ giữa đơn vị quản lý khai thác công trình (Trạm thủy nông liên huyện, tổ hợp tác dùng nước ở các xã, phường, thị trấn…) với các hộ dùng nước (tổ chức, hộ gia đình…), bám sát lịch thời vụ gieo trồng, nhu cầu dùng nước của cây trồng. Ngành chức năng và các địa phương sẵn sàng công tác bơm chuyền để cấp nước phục vụ sản xuất, sẵn sàng phương án vận chuyển nước phục vụ sinh hoạt cho các hộ dân bị thiếu nước cục bộ (nếu xảy ra thiếu nước) ở vùng núi Tri Tôn và Tịnh Biên…

Tăng cường trách nhiệm

Đến nay, các huyện, thị xã, thành phố và Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi An Giang đã chủ động lập kế hoạch triển khai phòng, chống hạn, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất với diện tích gieo trồng lúa, màu trên 250.000ha. Đồng thời, chủ động các phương án bơm chuyền cấp II, cấp III và bơm vượt định mức cho khoảng 5.649ha đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vùng Bảy Núi và 6.750ha đất vùng gò cao (đồng bằng) khi hạn gay gắt xảy ra.

Theo thống kê, trong tổng diện tích 16.868ha rừng đồi núi và đồng bằng trên địa bàn tỉnh, tổng diện tích vùng trọng điểm có nguy cơ dễ xảy ra cháy trong mùa khô hạn là 7.256,2ha, tập trung chủ yếu ở huyện Tịnh Biên (2.912ha) và Tri Tôn (4.274,3ha), riêng TP. Châu Đốc là 49,9ha (khu vực núi Sam) và huyện Thoại Sơn 20ha (khu vực núi Tượng, núi Nhỏ, núi Sập). Theo đề xuất của Chi cục Kiểm lâm An Giang, cần phải chủ động trang bị mua sắm thêm dụng cụ, phương tiện chữa cháy, đào hồ, nạo vét kênh chứa nước, nâng cấp, sửa chữa cầu đường vào rừng nhằm phục vụ bảo vệ rừng và phòng, cháy chữa cháy rừng với kinh phí hơn 30 tỷ đồng.

Trước diễn biến mùa khô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đã ký quyết định ban hành Kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, mùa khô năm 2021 trên địa bàn tỉnh An Giang. Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh được giao thường xuyên theo dõi diễn biến nguồn nước, độ mặn trên các sông, kênh, rạch, nhất là khu vực miền núi, vùng giáp ranh với tỉnh Kiên Giang, chủ động công tác thông tin, tuyên truyền để người dân chủ động phòng tránh và đảm bảo cấp đủ nước ngọt cho sinh hoạt, không để ảnh hưởng sức khỏe của nhân dân và phục vụ tốt cho sản xuất.

Đồng thời, chủ động cân đối nguồn vốn để kịp thời nạo vét các công trình kênh, mương bị cạn kiệt, đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ cho sản xuất và nước sinh hoạt của người dân. Song song đó, chỉ đạo UBND các xã, phường, các đơn vị quản lý công trình thủy lợi, các tổ chức hợp tác dùng nước… nạo vét cửa vào các cống lấy nước, bể hút trạm bơm tưới, khơi thông dòng chảy các đường nước tưới, hạn chế thất thoát nước tưới…

Đối với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi An Giang, tăng cường khảo sát hệ thống công trình thủy lợi do công ty quản lý, nạo vét khơi thông dòng chảy kênh bị cạn kiệt; cửa vào các cống lấy nước, đảm bảo đủ nguồn nước để phục vụ cho sản xuất. Song song đó, vận hành hợp lý các công trình cống để điều tiết, trữ nước vào kênh rạch tạo nguồn; kết hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trên cùng trục kênh rạch (liên tỉnh, liên huyện, liên xã…) để có sự phối hợp đồng bộ nhằm kịp thời lên kế hoạch nạo vét, đóng mở các công trình cống, điều hòa phân phối nước hợp lý. Công ty cần rà soát, kiểm tra các hệ thống trạm bơm điện, chủ động tu bổ, sửa chữa các sự cố hư hỏng, theo dõi mực nước thủy triều để lấy nước phục vụ bơm tưới cho những vùng bị thiếu nước cục bộ đảm bảo sản xuất nông nghiệp.

Đối với các vùng không chủ động nước tưới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư yêu cầu ngành chuyên môn cùng địa phương nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, sử dụng ít nước tưới hơn để tránh thiệt hại do thiếu nước gây ra.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN