Giữ “vùng xanh”…
Hiện nay, TP. Long Xuyên trở thành một trong 3 địa phương trong tỉnh mang màu xanh “bình thường mới”. Trong đó, 8 phường, xã “vùng xanh”, chưa xuất hiện ca bệnh F0 trong cộng đồng 14 ngày qua; 3 phường “vùng vàng” (Mỹ Phước, Mỹ Thới, Bình Đức), giáp ranh các địa bàn nguy cơ cao và đã xuất hiện 1-3 ca nhiễm (có địa chỉ cư trú tại địa bàn). Còn lại là 2 phường “vùng cam” (Mỹ Thạnh, Bình Khánh), xuất hiện 3-4 ca bệnh, có khu vực phong tỏa kéo dài thời gian và xuất hiện ca bệnh trong khu vực phong tỏa.
“Chúng tôi đang đề ra giải pháp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng vùng, từng đơn vị với mục đích bao vây, thu hẹp “vùng cam”, từng bước chuyển hóa sang “vùng vàng” và tiến đến xanh hóa toàn vùng. Tương tự, đối với “vùng vàng”, cũng mở rộng dần sang “vùng xanh” theo địa bàn khóm, ấp. Mốc thời gian thực hiện đến hết ngày 30-9-2021” - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Đặng Thị Hoa Rây thông tin.
Phó Giám đốc Sở Y tế Phan Vân Điền Phương khẳng định, TP. Long Xuyên chuyển hóa thành công “vùng xanh” vì có sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo địa phương, cùng lực lượng y tế mạnh. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là sau khi các địa phương hạ mức giãn cách xã hội, nhiều người sẽ vào tỉnh thông qua cửa ngõ Long Xuyên. Chính vì vậy, TP. Long Xuyên phải chủ động giữ chặt cửa ngõ, tránh ùn tắc kéo dài. Đồng thời, nghĩ cách khôi phục sản xuất - kinh doanh trong tình hình mới. “Quan trọng nhất là luôn tầm soát, phát hiện F0 sớm chừng nào, tốt chừng đó. Địa phương có thể cử Tổ phòng, chống COVID cộng đồng đi thăm hỏi hộ dân hàng ngày, phát hiện người có biểu hiện ho, sốt thì test ngay” - ông Phương góp ý.
Đại tá Nguyễn Nhật Trường, Phó Giám đốc Công an tỉnh chia sẻ: “Với vị trí cửa ngõ của tỉnh, TP. Long Xuyên phải phân loại từng đối tượng tài xế để có cách giải quyết phù hợp, không đánh đồng họ với nhau. Mặt khác, khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ làm gia tăng nguy cơ tội phạm. Công an phải quan tâm phòng, chống các loại tội phạm, giữ an ninh trật tự địa bàn”.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình (thứ 2 từ trái sang) đề nghị TP. Long Xuyên tăng cường kiểm soát địa bàn
“Nếu lơ là trong phòng, chống dịch, chúng ta sẽ phải trả giá. Thời điểm này, đừng để bị “thủng lưới”, đừng chạy sau dịch bệnh, vì chắc chắn chạy không kịp với tốc độ lây lan của dịch bệnh. Thay vào đó, cần chú trọng “3 trụ cột” (kịch bản cảnh báo - xét nghiệm - quản lý); xây dựng bộ tiêu chí thích ứng với điều kiện bình thường mới: doanh nghiệp, nhà trường, cơ sở sản xuất - kinh doanh… hoạt động thế nào để an toàn, hiệu quả.
Quyết tâm bảo vệ “vùng xanh”, xanh hóa “vùng cam”, “vùng vàng” thì phải có kế hoạch, giải pháp cụ thể; phải tuyên truyền để người dân tự phòng dịch bằng cách thức dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, đi thẳng trọng tâm. Song song đó là cải tiến phương pháp xét nghiệm (test nhanh, khoanh vùng vừa phải khi xuất hiện F0 trong cộng đồng); nâng cao phương pháp điều trị, không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Cần đảm bảo an sinh xã hội, không để sót người nào” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh một số nội dung chính cho TP. Long Xuyên nghiên cứu, thực hiện.
…và tạo “vùng đẹp”
9 tháng của năm 2021, ước thu ngân sách nhà nước ở TP. Long Xuyên trên 933 tỷ đồng, đạt 107% dự toán tỉnh giao. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đánh giá, đây là điều đáng mừng, giảm bớt gánh nặng cho tỉnh. Từ thuận lợi này, TP. Long Xuyên lưu ý: “Cái gì có thể cân đối được trong phòng, chống dịch bệnh thì cố gắng tự cân đối, chia sẻ với tỉnh. Thu, chi ngân sách vừa đảm bảo triển khai các dự án, vừa phát triển kinh tế, chi thường xuyên, chi đầu tư và cân đối nguồn chi phòng, chống dịch bệnh”.
Tuy nhiên, trong thực hiện 16 dự án đầu tư, địa phương gặp một số khó khăn. Điển hình như, rạch Cái Sắn (phường Mỹ Thạnh) có 5 đoạn sạt lở, đã được UBND tỉnh ban hành quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp, còn 2 đoạn (910m) đang chờ khắc phục. Đường liên xã Mỹ Khánh (đoạn từ cầu Thông Lưu đến cầu Cái Chiêng), hiện chưa giải ngân do chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, địa phương đang triển khai dự án đường nối cầu sắt tạm Lê Hồng Phong đến đường số 12 (thuộc khu dân cư Bắc Hà Hoàng Hổ); nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Hoàng (đoạn từ đường Hà Hoàng Hổ đến cầu Tôn Đức Thắng); đường Lê Trọng Tấn (đoạn tiếp giáp đường Lê Trọng Tấn hiện hữu đến đường Lý Thái Tổ nối dài), đường Hàm Nghi nối dài…
Các dự án nếu được triển khai thuận lợi, sẽ tạo ra bộ mặt mới cho TP. Long Xuyên. Đường sá thông thoáng hơn, dân cư được sắp xếp lại, xứng tầm đô thị loại 1. Tỉnh đề nghị địa phương phải tính toán khu tái định cư, đảm bảo mỹ quan đô thị; tổng rà soát, bổ sung quy hoạch địa bàn phù hợp tình hình mới, để tạo điều kiện cho hàng loạt nhà đầu tư dừng chân. Trong giải phóng mặt bằng, phải quyết liệt, nhanh chóng, nhất là các công trình điểm nhấn, tạo mỹ quan đô thị.
“Đại lộ, đại phú”, đường càng lớn thì đất đai càng có giá, đời sống người dân càng phát triển. “Do đó, người dân cần ủng hộ nhà nước làm đường, cùng chung tay hợp tác. Quá trình họp dân, phải đối thoại, giải thích rõ: nếu người dân đồng thuận thì dự án mới được triển khai sớm, mang lại lợi ích lâu dài cho bà con” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề nghị.
Giữ “vùng xanh”, tạo “vùng đẹp” cho đô thị Long Xuyên không chỉ là kỳ vọng của tỉnh, mà còn là ý nguyện, mong muốn của Đảng bộ, nhân dân địa phương. Ước vọng chung, cũng là trách nhiệm chung, rất cần sự kề vai, sát cánh của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân!
|
GIA KHÁNH