Cây sầu riêng Long Kiến

24/09/2023 - 18:40

 - Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ diện tích trồng lúa, vườn tạp kém hiệu quả sang canh tác cây sầu riêng giúp nông dân xã Long Kiến (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) nâng cao thu nhập. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả sản xuất, nông dân còn mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong canh tác, góp phần nâng cao giá trị cho loại trái cây đặc sản này.

Cây trồng hiệu quả

Long Kiến là xã nông nghiệp, có tổng diện tích gieo trồng 4.436ha (năm 2022). Trong đó, lúa 3.031ha, màu 1.102ha và 303ha cây ăn trái; được chia thành 4 tiểu vùng sản xuất.

Những năm gần đây, việc trồng độc canh cây lúa đã không mang lại hiệu quả như mong muốn. Với bản tính cần cù, chịu khó và ham học hỏi, nông dân xã Long Kiến đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển từ trồng lúa, vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, đặc biệt là sầu riêng. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc vườn, như: Tưới tự động, tưới nhỏ giọt, tưới phun sử dụng béc định lượng trên vườn cây ăn trái… bước đầu đạt hiệu quả khả quan.

Là một trong những hộ tiên phong trong việc đưa cây sầu riêng về địa phương, ông Võ Văn Em cho biết, nhận thấy việc canh tác lúa không mang lại hiệu quả cao nên quyết định chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng cùng một số loại cây ăn trái khác với diện tích 1ha. Trong quá trình canh tác, ông Võ Văn Em áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel. Dù chi phí đầu tư khá cao, nhưng việc ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến này giúp gia đình giảm bớt chi phí sản xuất và công sức chăm sóc.

Ông Võ Văn Em còn sử dụng các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ trên cây sầu riêng. Nhờ vậy, góp phần tạo nông sản sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường, bảo vệ môi trường xung quanh. Từ việc canh tác sầu riêng đã mang về doanh thu cho gia đình trên 1 tỷ đồng/năm.

Cũng như ông Võ Văn Em, gia đình ông Lê Trường Giang mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa, vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây sầu riêng, với diện tích khoảng 4.000m2. Ông Giang cho biết, vườn sầu riêng Tám Long của gia đình áp dụng canh tác theo hướng hữu cơ, sản phẩm đạt chất lượng tốt, chín hoàn toàn tự nhiên. Vì vậy, dù sầu riêng bán với giá cao, nhưng vẫn được khách hàng ưa chuộng.

Ngoài canh tác sầu riêng, gia đình ông Giang còn cung cấp dịch vụ ăn uống để du khách có thể tham quan, thưởng thức đồ ăn tại vườn, trải nghiệm hương vị đồng quê. Việc kết hợp 2 mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế khả quan cho gia đình.

Nhận thấy sự phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương đối với cây sầu riêng, nhiều nông dân trên địa bàn xã Long Kiến mạnh dạn phát triển loại cây trồng này. Điển hình như các ông Đoàn Công Minh, Lê Phước Hậu, Huỳnh Long Hồ, Huỳnh Văn Dũng... Đến nay, diện tích trồng sầu riêng của xã Long Kiến đạt khoảng 62ha.

Ứng dụng khoa học - kỹ thuật

Nhằm giúp hội viên, nông dân phát triển mô hình trồng cây ăn trái, đặc biệt là cây sầu riêng, thời gian qua, Hội Nông dân xã Long Kiến đã chủ động phối hợp với các công ty, ngành chuyên môn tổ chức hội thảo, hoạt động chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Từ đó, giúp hội viên nông dân nắm rõ và áp dụng trong quá trình sản xuất.

Hiện nay, 62ha sầu riêng của xã đều áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và tưới phun bằng béc có định lượng. Nông dân còn áp dụng phương pháp phun thuốc bảo vệ thực vật và phân bón lá sinh học bằng hệ thống tưới thông minh.

Từ đó, giúp giảm chi phí nhân công, bảo vệ sức khỏe và vườn cây phát triển tốt hơn. Năm 2023, trên địa bàn xã Long Kiến có khoảng 25/62ha sầu riêng cho thu hoạch chính vụ với giá bán cho thương lái tại vườn khoảng 78.000 đồng/kg. Lợi nhuận sau khi trừ chi phí từ 300 - 350 triệu đồng/ha.

Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã và sự đồng tình của các hội viên nông dân, Chi hội Nông dân nghề nghiệp sầu riêng Long Kiến đã được thành lập với 36 thành viên, diện tích canh tác trên 23ha.

Theo đánh giá của chính quyền địa phương, các thành viên trong chi hội luôn chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động trong sản xuất, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật sau thu hoạch...

Chi hội còn chú trọng bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, nhất là các loại bao, vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng xong được tập trung, thu gom và xử lý.

Chi hội Nông dân nghề nghiệp sầu riêng xã Long Kiến sẽ tham mưu cho Hội Nông dân xã và các ngành có liên quan, hỗ trợ thành lập hợp tác xã chuyên về cây sầu riêng để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường. Đồng thời, đổi mới, tiếp thu công nghệ tiên tiến để áp dụng tốt vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

ĐỨC TOÀN