"Cây thu nhập" và nét văn hóa vùng Bảy Núi

10/01/2025 - 06:54

 - Cây thốt nốt - biểu tượng bền bỉ của vùng Bảy Núi, không chỉ là nguồn thu nhập của người dân, mà còn gìn giữ nét đẹp văn hóa độc đáo, truyền thống quý báu của đồng bào vùng dân tộc thiểu số ở An Giang.

Cây thốt nốt - Biểu tượng bền bỉ của vùng Bảy Núi

Cây thốt nốt từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân Bảy Núi. Ban đầu, đây là đặc trưng của người Khmer, những người đầu tiên khai thác và phát triển giá trị kinh tế từ loại cây này. Qua thời gian, nghề khai thác thốt nốt dần phổ biến với cả cộng đồng người Kinh. Một minh chứng là ông Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1962, ngụ khóm Phú Hiệp, phường An Phú, TX. Tịnh Biên), đã có hơn 45 năm gắn bó với công việc khai thác và chế biến thốt nốt truyền thống.

“Hồi đó, không có ruộng đất, tôi phải mướn cây của người Khmer để khai thác. Cây thốt nốt không cần vốn đầu tư nhiều, nhưng ngày nào cũng có thu nhập, nhờ vậy mà tôi nuôi được cả gia đình” - ông Tuấn chia sẻ. Sau chiến tranh biên giới Tây Nam, gia đình ông quyết định gắn bó với nghề này, coi cây thốt nốt là nguồn thu nhập chính.

Người dân leo cây lấy nước thốt nốt bằng đài tre, công việc đòi hỏi sức khỏe và sự khéo léo

Công việc vất vả nhưng đầy giá trị

Khai thác nước thốt nốt đòi hỏi kỹ năng và sự bền bỉ. Người thợ phải trèo lên cây bằng đài tre chắc chắn, gọt vòi hoa và đặt ống thu nước. Việc rửa ống hứng nước 2 lần mỗi ngày cũng quyết định chất lượng nước thu được. Ông Tuấn cho biết: “Nhiều người chỉ rửa ống một lần cho nhanh, nhưng nước dễ bị chua. Tôi luôn rửa kỹ, nhờ vậy nước trong hơn, đường nấu ra cũng thơm, ngọt hơn”.

Nước thốt nốt có sự thay đổi màu sắc và hương vị theo mùa. “Đầu mùa tháng 8 - 9 âm lịch nước có màu vàng đục; đến tháng 11 - 12, khi gió bấc lạnh, nước chuyển trong và đỏ nâu. Sang tháng Giêng, nước vẫn đỏ, nhưng đến tháng 3, khi trời mưa, nước chuyển sang trắng đục. Đây là điều tự nhiên mà đường công nghiệp không thể có” - ông Tuấn tự hào nói.

Ký ức của đại đức Chau Khi, sư cả chùa Pô thi Vong Trans, hay còn gọi chùa Tà Ngáo, cũng thể hiện sự gắn bó với cây thốt nốt từ nhỏ. Nhà sư kể: “Lúc 10 tuổi, tôi đã đi gánh nước thốt nốt về cho mẹ nấu đường. Ba tôi trèo cây từ 4 giờ sáng, còn tôi thức dậy lúc 5 giờ để gánh nước. Mệt nhưng vui, vì cả nhà cùng làm. Tôi sợ nhất là nấu đường, vì nếu để nước sôi tràn ra là bị mẹ rầy”.

Những ký ức này khắc họa tinh thần gắn bó và sự sẻ chia trong mỗi gia đình Khmer. “Ngày đó, dù mệt mỏi nhưng vẫn làm, vì cây thốt nốt là “nguồn sống” chính của gia đình tôi” - Đại đức Chau Khi hồi tưởng.

Giá trị văn hóa

Theo đại đức Chau Khi, cây thốt nốt còn gắn liền với các nghi thức truyền thống của người Khmer. Vào tháng 12 âm lịch, người dân tổ chức lễ tạ ơn cây thốt nốt, chuẩn bị lễ vật, như: Gà, cá nướng, muối, gạo… để bày tỏ lòng biết ơn. “Nghi thức này không chỉ cảm ơn thiên nhiên, mà còn nhắc nhở con cháu trân trọng nghề truyền thống, nhớ ơn ông bà tổ tiên đã gìn giữ và truyền nghề cho con cháu. Mong muốn công việc luôn suôn sẻ” - nhà sư chia sẻ.

Tuy nhiên, lối sống hiện đại đã khiến nhiều người trẻ không còn hứng thú với công việc này. “Giờ lớp trẻ đi làm khu công nghiệp hết, không ai muốn trèo cây. Trong khi cây thốt nốt cần rất nhiều năm để lớn lên và cho thu hoạch. Nếu không giữ gìn, cây bị chặt bỏ, kinh tế lẫn văn hóa đều mất” - Đại đức Chau Khi lo ngại.

Để bảo tồn nghề truyền thống, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp. Ông Huỳnh Thanh Sơn, phụ trách văn hóa phường An Phú cho biết: “Cây thốt nốt hiện là nguồn nguyên liệu cho nhiều sản phẩm OCOP  (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của địa phương. Chúng tôi tổ chức sự kiện văn hóa giới thiệu sản phẩm từ thốt nốt, đồng thời phát triển du lịch trải nghiệm. Du khách có thể tham quan quy trình nấu đường, uống nước thốt nốt tươi tại chỗ và mua sản phẩm về làm quà”.

Việc bảo tồn và phát triển cây thốt nốt góp phần giữ gìn nghề truyền thống, đồng thời tạo cơ hội mới cho kinh tế và du lịch địa phương, giúp loại "cây thu nhập” này tiếp tục khẳng định giá trị trong đời sống cộng đồng.

BÍCH GIANG