Chăm lo toàn diện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số: Góc nhìn từ một “điểm sáng” ở Đắk Lắk

04/12/2020 - 07:12

 - Trung tuần tháng 10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền phối hợp Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) và UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tập huấn công tác thông tin, truyền thông về quyền con người cho cán bộ làm công tác truyền thông, phóng viên 26 cơ quan báo chí khu vực miền Nam và Tây Nguyên. Trong chương trình hội nghị, phóng viên các cơ quan báo chí đã có chuyến đi thực tế ở huyện Krông Pắc với 23 dân tộc cùng sinh sống, là “điểm sáng” trong bảo đảm quyền và lợi ích cơ bản của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) sống trên địa bàn.

Dẫn chúng tôi đến từng điểm sinh hoạt tôn giáo và tận nhà các hộ tiêu biểu thoát nghèo, làm kinh tế giỏi, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh thông tin: toàn huyện có 33% DTTS, thu nhập bình quân đầu người đạt 45,3 triệu đồng/năm, có 164 cơ sở giáo dục và 6 trường THPT với 47.777 học sinh; 16/16 xã đạt chuẩn về y tế, hiện còn 2.888 hộ nghèo và 2.166 hộ cận nghèo. Với những điều kiện đặc thù, đồng bào DTTS nơi đây được quan tâm về mọi mặt, tự do tín ngưỡng, tiếp cận rất nhiều chính sách để phát triển đời sống vật chất lẫn tinh thần.

Điển hình tại xã Ea Phê - địa bàn khó khăn nhất của huyện, cán bộ, đảng viên gắn bó mật thiết với nhân dân và kết nối chặt chẽ thông qua trưởng thôn, người uy tín, các chức sắc, chức việc tôn giáo để tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, xây dựng đời sống mới tiến bộ, văn minh.

Đơn cử như hộ anh Y Như Ayun, định cư ở buôn Ea Su từ năm 2005 theo diện giãn dân, ban đầu chỉ có căn nhà ván nhỏ che mưa nắng. Anh Y Như Ayun được địa phương xét để cất lại ngôi nhà kiên cố theo chính sách 167, cấp 5 sào đất trong diện 134, ngoài ra còn hưởng các chương trình khác để nuôi bò, vay vốn trồng trọt.

Anh phấn khởi đi học tập và tham quan mô hình kinh tế ở nhiều nơi để áp dụng cho vườn cà phê xen canh tiêu, sầu riêng. Năm 2018, gia đình anh Y Như Ayun thoát nghèo, nhìn lại vùng tái định cư hoang vắng ngày nào đã được phủ xanh các loại cây công nghiệp, “mọc” thêm những ngôi nhà kiên cố, giao thông càng thuận lợi để đời sống người dân thêm đà phát triển.

Phóng viên tác nghiệp tại nhà của ông Y Ngăm Ayun (nhân vật bìa phải)

Trong xã Ea Phê có thôn 6, đại đa số là đồng bào DTTS Nùng với 6.000 nhân khẩu. Ông Lương Văn Sáng (người uy tín trong thôn) cho biết, so 5 năm trước, hộ nghèo trong thôn hiện nay đã giảm hơn một nửa. Nhờ được cấp đất, vay vốn, học hỏi kỹ thuật sản xuất và nhà nước đầu tư đường, điện, trường học, đồng bào Nùng dựa vào nghề nông vươn lên khá đồng đều. Cây kinh tế chủ lực ở thôn 6 là cà phê và tiêu.

Để phổ biến và định hướng trong lao động sản xuất cũng như đời sống, ông Sáng thường xuyên gần gũi, trao đổi với người dân, phối hợp hội nghị của thôn và các đoàn thể để nắm bắt tâm tư, phản ánh những nguyện vọng từ bà con lên chính quyền.

“Hưởng ứng xây dựng đời sống mới, thôn 6 duy trì tỷ lệ gia đình văn hóa đạt từ 95 - 97% hàng năm, tự do tín ngưỡng, giữ gìn các bản sắc sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đặc biệt, những hủ tục trong thách cưới tốn kém hàng chục triệu đồng, tạ heo, trăm cái bánh dày… hay đám tang của cha mẹ buộc mỗi người con cúng 1 con heo… nay đã được xóa bỏ hoàn toàn. Giờ đây, vận động bà con xây dựng nông thôn mới, lao động sản xuất, sống văn minh… rất thuận lợi, là những thay đổi tích cực mà ai cũng nhận thấy” - ông sáng chia sẻ.

Ở một địa bàn khác là buôn Pan, hầu hết cư dân là đồng bào DTTS Ê Đê, không hiếm gặp những gia đình khá giả. Ông Y Ngăm Ayun khẳng định đó là thành quả sau thời gian tuyên truyền, giáo dục người dân thay đổi quan niệm, nỗ lực làm ăn, nuôi con em học tập đến nơi đến chốn, và trên hết là các chính sách của Đảng, nhà nước dành cho đồng bào DTTS đã phát huy hiệu quả, “thay da đổi thịt” toàn diện đời sống vật chất, tinh thần.

Ông Y Ngăm Ayun lập gia đình năm 20 tuổi, được cha mẹ chia cho 4,5ha đất lập nghiệp. Những năm đầu, ông chỉ canh tác cây cà phê, giá trị kinh tế rất thấp. Sau khi tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật do Hội Nông dân tổ chức, ông áp dụng thấy hiệu quả khác hẳn, nhất là từ khi chuyển sang trồng đa cây. Mỗi năm, gia đình ông có tổng thu nhập 300 triệu đồng, kinh tế khấm khá và lo cho 3 đứa con lần lượt tốt nghiệp đại học.

Năm 2010, ông Y Ngăm Ayun được kết nạp Đảng, giữ chức Bí thư Chi bộ buôn Pan với 7 đảng viên, đến nay đã phát triển thêm 5 đảng viên (trong đó 11 đảng viên là DTTS). Mỗi chủ trương đưa về địa phương, ông luôn làm gương thực hiện, dìu dắt những người uy tín trong buôn cùng giáo dục, vận động rộng rãi cho bà con làm theo. Buôn Pan nhiều năm liền giữ vững danh hiệu “Buôn văn hóa”, hơn 80% hộ dân có nhà kiên cố, con em được tạo điều kiện thuận lợi nhất để đến trường học chữ.

Từ thực tế ở huyện Krông Pắc, có thể thấy, bên cạnh triển khai đồng bộ các chính sách ưu tiên đúng, đầy đủ, kịp thời, chính quyền địa phương đã phát huy tối đa vai trò của cán bộ, các đoàn thể, đảng viên và những người uy tín trong đồng bào để tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, hưởng ứng làm theo, đảm bảo quyền lợi, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS.

MỸ HẠNH