Chăm sóc tốt hiện vật mỹ thuật: Để không còn 'thảm họa' phục chế tranh

26/07/2023 - 19:03

Công tác bảo quản phòng ngừa nhằm kéo dài tuổi thọ cho hiện vật cũng như quản lý tốt hiện vật là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của mỗi bảo tàng, góp phần đảm bảo cho một bảo tàng vận hành hiệu quả.

Quá trình bảo quản tranh định kỳ tại Dinh Thống Nhất năm 2020. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhiều người yêu văn hóa nghệ thuật không khỏi tiếc nuối, xót xa khi nghe tin bức tranh “Vườn Xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí hư hỏng nặng khi được vệ sinh bằng nước rửa chén. Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng “ngậm ngùi” đưa một quả chuông cổ ra khỏi danh sách đề cử “Bảo vật Quốc gia” vì lớp trầm tích mang giá trị lịch sử của hiện vật đã bị cạo sạch.

Những sai sót trong công tác lưu giữ, bảo quản hiện vật không hiếm. Do đó, ngày 26/7, các chuyên gia bảo tàng học và đại diện cơ quan quản lý Nhà nước đã cùng ngồi lại để tìm giải pháp cho vấn đề này tại tọa đàm “Công tác kiểm kê, bảo quản hiện vật tại các bảo tàng mỹ thuật ở Việt Nam-Thực trạng và giải pháp”. 

1.500 hiện vật 'chen chúc' trong kho 100 mét vuông

Tiến sỹ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khẳng định công tác kiểm kê hiện vật là một trong các khâu hoạt động nghiệp vụ cơ bản và hết sức quan trọng của bảo tàng. Đó là hoạt động nhằm khẳng định và đảm bảo tính khoa học, tính pháp lý cho từng hiện vật. Đây còn là tiền đề cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu, là bước đầu cho mọi hoạt động nghiên cứu khoa học cho các khâu nghiệp vụ khác như: Sưu tầm, bảo quản, xây dựng các bộ sưu tập, tuyên truyền giáo dục, trưng bày và truyền thông quảng bá hình ảnh của bảo tàng.

Bên cạnh đó, công tác bảo quản phòng ngừa nhằm kéo dài tuổi thọ cho hiện vật cũng như quản lý tốt hiện vật là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của mỗi bảo tàng, trong đó quản lý, tư liệu hóa, số hóa hiện vật là những hoạt động nghiệp vụ cơ bản, nền tảng đảm bảo cho một bảo tàng vận hành đúng hướng và hiệu quả.

Chuyên gia nước ngoài hỗ trợ bảo quản tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tuy nhiên, theo ông Minh, các bảo tàng mỹ thuật trên cả nước nói chung vẫn còn những khó khăn, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế cũng như về lâu dài của công tác lưu giữ, bảo quản các tác phẩm nghệ thuật theo quy định.

Tại tọa đàm, bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế cũng chia sẻ khó khăn của đơn vị, cụ thể, từ kho bảo quản đến hệ thống trưng bày đều tận dụng công trình cũ sửa chữa cải tạo lại để sử dụng nên không phù hợp với công năng hoạt động của bảo tàng. Tổng diện tích kho cơ sở của bảo tàng chỉ có hơn 100m2 mà phải lưu trữ hơn 1.500 tư liệu, tác phẩm, hiện vật. Trong khi đó, các hiện vật mang đặc thù văn hóa của địa phương làm từ chất liệu giấy không bền vững (như giấy vàng mã) bị hư hỏng rất nhanh, khó xử lý.

“Các không gian trưng bày tác phẩm nghệ thuật chưa được đầu tư hệ thống điều hòa, máy hút ẩm, hệ thống chiếu sáng mỹ thuật theo đúng tiêu chuẩn, thiếu các thiết bị kỹ thuật như máy đo ánh sáng, máy đo bức xạ tía cực tím, ẩm kế... Do đó, các tác phẩm đang trưng bày chịu tác động trực tiếp của yếu tố môi trường, khí hậu và yếu tố con người, ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng của tác phẩm,” bà Đinh Thị Hoài Trai chia sẻ.

Số hóa công tác bảo quản

Bà Trần Thị Khánh Hồng, Trưởng phòng Kiểm kê, Bảo quản, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc bảo quản phòng ngừa trong công tác bảo quản hiện vật bảo tàng bởi “phòng bệnh hơn chữa bệnh.”

“Chúng ta không thể nào ngăn chặn được hoàn toàn các tác nhân gây hư hại có thể xảy ra đối với hiện vật, nhưng tỷ lệ hư hại có thể được hạn chế và giảm tốc độ nếu như chúng ta kiểm soát tốt các yếu tố về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng,” bà Hồng nêu quan điểm.

Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã trang bị máy điều hòa nhiệt độ cho các kho lưu trữ chất liệu gỗ, giấy, sơn mài, sơn dầu và máy điều hòa nhiệt độ tại phòng trưng bày Bảo vật Quốc gia, phòng trưng bày sưu tập tranh lụa của họa sỹ Lê Thị Lựu, phòng trưng bày chuyên đề các tác phẩm nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cũng đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị để hỗ trợ trong công tác lưu trữ và bảo quản như: Tủ chống ẩm, máy hút ẩm di động đồng thời trang bị thêm các túi hút ẩm silicagel trong tất cả hệ thống kho. Ngoài ra, đối với hiện vật lưu trữ trong kho, ánh sáng được kiểm soát tương đối tốt, kho luôn được che kín ngăn chặn ánh sáng để hiện vật luôn được trong chế độ “ngủ đông”.

Đóng góp ý tưởng tại tọa đàm, ông Trương Nguyễn Nguyên Kha, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đề xuất thực hiện số hóa công tác kiểm kê, bảo quản. Cụ thể, ông Kha cho rằng phiếu hiện vật, sổ đăng ký hiện vật, sổ phân loại hiện vật không nên viết tay thủ công mà nhập bằng máy tính cho thuận tiện công tác chỉnh sửa bổ sung nội dung và quản lý, rút ngắn thời gian làm việc.

“Để thực hiện xu hướng công tác số hóa hiện vật hiện nay, chúng ta cần phải xây dựng một phần mềm mới dễ sử dụng tiện ích, phù hợp với bảo tàng mỹ thuật để thực hiện công tác nhập thông tin dữ liệu, rà soát tìm kiếm và quản lý hiện vật của bảo tàng một cách khoa học hơn rút ngắn thời gian,” ông Kha nói.

Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế cũng chung ý tưởng trên và bổ sung việc nâng cao trình độ và năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn bảo tàng.

Bà cho rằng mỗi bảo tàng phải đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn cho cán bộ quản lý cũng như cán bộ chuyên môn; nhất là các cán bộ trẻ, có năng lực để tạo nguồn nhân lực kế cận, đáp ứng nhu cầu đổi mới của bảo tàng, của xã hội trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Khách tham quan tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng các bảo tàng công lập và bảo tàng ngoài công lập, sưu tập tư nhân cần tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, hình thành mạng lưới chuyên sâu về công tác bảo quản hiện vật mỹ thuật.

“Chúng ta đã có nhiều bài học đau đớn từ việc bảo quản, vệ sinh tác phẩm không đúng cách. Thực tế, người có chuyên môn ở nhóm hiện vật này chưa chắc đã bảo quản, chăm sóc tốt cho nhóm hiện vật khác. Do đó, việc đào tạo chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm là rất cần thiết,” ông Phạm Định Phong nói.

Trước những khó khăn của các bảo tàng, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết cục đã đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập hai trung tâm chuyên về bảo quản, tu sửa, phục chế hiện vật. Một trung tâm chuyên về cổ vật, di vật có thể đặt tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và trung tâm chuyên về tác phẩm mỹ thuật sẽ đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Hai trung tâm này sẽ có nhiệm vụ “chăm sóc” cho khối lượng hiện vật khổng lồ các bảo tàng đang lưu giữ đồng thời tư vấn, hướng dẫn cho bảo tàng các địa phương, bảo tàng ngoài công lập trong công tác bảo quản hiện vật.

Theo Vietnamplus