
Nông dân tích cực chăm vườn sau Tết
Bà Lê Thị Hạnh (sinh năm 1955, ngụ xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn) là một trong những nông dân như vậy. Bà đang chăm sóc vườn bưởi da xanh ruột đỏ rộng 5,3ha của gia đình. “Năm 2016, tôi đặt mua 3.000 gốc bưởi da xanh, trồng thay thế đất lúa kém hiệu quả. Để đảm bảo cây phát triển tốt, tôi đi học tập kinh nghiệm nhiều nơi, canh tác theo hướng VietGAP. Sau những nỗ lực không ngừng, bưởi do tôi trồng đạt chuẩn OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 3 sao. Với giá bán trung bình 25.000 - 35.000 đồng/kg, cây bưởi da xanh thật sự là hướng đi đúng đắn của gia đình tôi” - bà Hạnh chia sẻ.
Công việc đầu tiên của bà Hạnh sau Tết là dọn dẹp vườn tược. Bà thu gom lá rụng, cắt tỉa cành cây, dọn sạch cỏ dại. Đây là công việc khá vất vả, nhưng rất quan trọng để đảm bảo vườn cây thông thoáng, sạch sẽ. Bà Hạnh cho biết: “Sau Tết, vườn cây cần được dọn dẹp sạch sẽ để tránh sâu bệnh, tạo không gian cho cây phát triển. Tôi thường tranh thủ ngày nắng ráo để dọn dẹp vườn, đồng thời kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây”.
Tiếp theo, bà Hạnh bắt đầu bón phân cho cây trồng. Sau một thời gian dài, cây tiêu thụ lượng lớn chất dinh dưỡng, vì vậy cần bón phân bổ sung các loại phân hữu cơ (phân chuồng, phân xanh), vừa an toàn vừa tốt cho đất. Sau Tết, thời tiết thường khô hanh, vì vậy việc tưới nước đầy đủ cho cây rất quan trọng, giúp cây phát triển khỏe mạnh. Bà Hạnh đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động để tiết kiệm thời gian, công sức. Người trồng có thể cài đặt thời gian tưới nước phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây.
Vì số lượng bưởi nhiều, bà Hạnh xử lý để cây luân phiên cho trái, nhằm tránh tình trạng “cung vượt cầu”. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, bà thu hoạch khoảng 7,5 tấn bưởi cung cấp thị trường. Những cây đã thu hoạch mùa Tết, bà tích cực chăm sóc để cây phục hồi tốt nhất. Tầm tháng 4 âm lịch, gia đình xử lý cho cây ra bông, phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm 2026.
Sau Tết, anh Duy Đức (36 tuổi, ngụ xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn) cũng dọn dẹp vệ sinh vườn mít Thái. Anh thu gom, tiêu hủy lá rụng, cành khô, cỏ dại; kiểm tra và loại bỏ cây bị bệnh, chết để tránh lây lan, vệ sinh mương rãnh thoát nước tránh ngập úng cho cây. Tiếp theo, anh cắt tỉa cành già, cành khô, cành sâu bệnh, cành vượt, để cây tập trung dinh dưỡng nuôi trái. Việc này giúp thông thoáng, cây nhận đủ ánh sáng, hạn chế sâu bệnh. Có kinh nghiệm làm vườn trên 6 năm, anh Đức rất tự tin chăm sóc 2ha mít Thái.
Công việc phòng trừ sâu bệnh cũng được anh Đức chú trọng. Anh thường xuyên kiểm tra vườn cây, phát hiện sớm sâu bệnh và có biện pháp phòng trừ kịp thời, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật an toàn, ưu tiên sử dụng biện pháp sinh học để phòng trừ sâu bệnh, hạn chế sử dụng thuốc hóa học. Ngoài ra, anh Đức cũng làm cỏ thường xuyên để tránh cạnh tranh dinh dưỡng với cây mít, phủ gốc cây bằng rơm rạ hoặc cỏ khô; theo dõi quá trình sinh trưởng của cây để có biện pháp chăm sóc phù hợp.
Chăm sóc vườn sau Tết không chỉ đơn giản là chăm sóc vườn tược, mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Đó là sự chuẩn bị cho mùa vụ bội thu, thể hiện sự cần cù, khéo léo của nông dân, góp phần vào sự phát triển của nền nông nghiệp.
PHƯƠNG LAN