Chặn đứng tin đồn, tin giả

19/01/2024 - 05:24

 - Tin đồn, tin giả là vấn nạn gây bức xúc cho tổ chức, cá nhân – những đối tượng chịu thiệt hại nặng nề. Nhưng chặn đứng thế nào giúp chấm dứt triệt để tin đồn, tin giả; hạn chế phát sinh tình trạng tương tự… là bài toán nan giải.

Tập huấn đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cho cán bộ, đảng viên

Sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội kéo theo việc người sử dụng tăng nguy cơ thường xuyên phải tiếp xúc với tin giả, tin sai sự thật, tin đồn. Tất cả đều phát triển trên cơ sở vấn đề “nóng, nhạy cảm”, gây hoang mang, nghi ngờ, mất niềm tin vào cán bộ, hệ thống lãnh đạo các cấp. Ví dụ như các vấn đề về công tác nhân sự; về quá trình phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… Tùy theo tính chất từng vụ việc cụ thể, mức độ lan truyền, ảnh hưởng khác nhau. Nhưng điểm chung đều ảnh hưởng an ninh quốc gia theo nhiều góc độ.

Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), tin giả được phân loại thành tin giả thương mại, chính trị, đời sống xã hội và tin châm biếm, hài hước. Tin giả thương mại là những câu chuyện, tin tức nhằm mục đích kinh tế, chủ yếu tăng lưu lượng tiếp cận cho website, tài khoản, từ đó gia tăng doanh thu, quảng cáo; lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân để lừa đảo, tạo ra “cơn sốt ảo”, như: Sốt đất, sốt vàng, sốt ngoại tệ...

Tin giả về chính trị nhằm mục đích gây rối loạn xã hội, thông tin xuyên tạc, hạ bệ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm chống phá chế độ. Tin giả thuộc nhóm này thường gia tăng mạnh vào thời điểm diễn ra sự kiện quan trọng của đất nước, như: Đại hội Đảng, hội nghị Trung ương, họp Quốc hội...

Các đối tượng xấu thường tạo dựng tin giả từ một phần tin tức báo chí chính thống để tăng mức độ tin cậy; cắt ghép, pha trộn với thông tin chưa kiểm chứng, đặc biệt là vấn đề nhạy cảm, được dư luận quan tâm. Từ đó, thổi phồng yếu kém, hạn chế, khuyết điểm trong công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền.

Tin giả về đời sống xã hội là những nội dung do người dùng mạng xã hội đăng tải, thể hiện quan điểm, góc nhìn cá nhân về vấn đề hay một đối tượng nhất định, chủ yếu là về vấn đề nóng trong xã hội, được dư luận quan tâm, thường chỉ nhằm mục đích “sống ảo”, “câu like”, “câu view”, kiếm lượng người theo dõi, đăng ký, vì muốn được nổi tiếng hoặc để phục vụ việc kinh doanh online. Tin châm biếm chỉ để giải trí, nhưng vì tính chất không rõ ràng, nên dễ bị lợi dụng, gây hậu quả.

Theo “Cẩm nang phòng, chống tin giả” của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, đặc điểm chung của tin giả là mang tính chất giật gân, với chủ đề và hình ảnh gợi tính đau xót, hoặc gây kích động. Cảm xúc bốc đồng từ người đọc bị lợi dụng là nguồn cơn cho việc chia sẻ thiếu trách nhiệm, khiến tin giả ngày càng lan mạnh hơn.

Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam tiếp nhận 6.398 phản ánh tin giả, trong đó 1.832 tin có thể kiểm chứng; 952 tin phản ánh về tin xấu độc; 1.311 tin báo tin sai, tin không đúng nội dung phản ánh, không đúng thẩm quyền xử lý; 1.226 tin báo về lừa đảo tài chính qua mạng. Trung tâm đã công bố hơn 30 website giả mạo doanh nghiệp; yêu cầu mạng xã hội nước ngoài xử lý gỡ bỏ 543 tin giả, tin xấu độc; chặn gỡ 725 tên miền cờ bạc.

Tin đồn, tin giả, tin sai sự thật không ngẫu nhiên mà xuất hiện, lan tràn khắp nơi. Ngoài yếu tố “tò mò”, “trò chuyện bên lề” của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, còn có nguyên nhân từ các thế lực thù địch, phản động không ngừng chống phá Đảng, Nhà nước trên nhiều lĩnh vực.

Chúng sử dụng Internet, truyền thông xã hội để kích động, tạo tin đồn xuyên tạc, bóp méo sự thật, loan tin công kích… nhằm chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với dân, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Bên cạnh đó, trước những vấn đề “nóng”, dư luận xã hội quan tâm, chúng đưa tin không đúng sự thật, kèm theo phân tích, đánh giá thiếu khách quan, phiến diện, làm nhiễu thông tin, gây nên sự rối loạn về nhận thức, lôi kéo người dân chuyển dần sang thái độ tiêu cực đối với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Cá nhân, tổ chức bị lan truyền tin giả, tin sai sự thật là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Kế tiếp là người thân, người có liên quan đến cá nhân, tổ chức đó. Rộng hơn là toàn hệ thống chính trị, đời sống xã hội bị đảo lộn. Tuy nhiên, đối tượng bị lan truyền tin giả, tin đồn không thể nào tự thanh minh, “đính chính”, dập tắt dư luận hiệu quả. Lúc này, rất cần sự tham gia tích cực của công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội.

Khi có tin đồn thất thiệt thuộc lĩnh vực cơ quan, địa phương nào quản lý, phải cử cơ quan chuyên ngành xác minh kịp thời, truy rõ nguồn gốc, diễn biến hình thành tin đồn, đưa ra kết luận để công bố trước công luận. Quá trình này cần thực hiện nhanh chóng, không thể để chậm trễ, mới có thể chủ động ngăn chặn tin giả, tin đồn lan rộng, “thấm sâu”. Song song với dập tắt dư luận là xử lý kiên quyết đối tượng cố tình tung tin đồn thất thiệt để trục lợi, phá hoại; đối tượng “mượn gió bẻ măng”, “té nước theo mưa”, tiếp tay cho tin đồn, tin giả.

Để tin đồn, tin giả không còn môi trường sống, không thể phát huy khả năng tấn công, gây ảnh hưởng tiêu cực, mỗi người nên tỉnh táo trước các luận điệu sai trái, bôi nhọ, kích động, không hùa theo kiểu “hội chứng đám đông”, nhất là khi sử dụng mạng xã hội. Ngoài ra, chú trọng tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ, quản lý cán bộ, đảng viên, nhất là kỷ luật phát ngôn, không để nảy sinh quan điểm sai trái, nói không đi đôi với làm… Đừng tạo sơ hở để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

T.M