Chặn đứng vấn nạn “trẻ hóa tội phạm”

07/07/2023 - 07:17

 - Người dân ám ảnh nhất hiện nay là tình trạng thanh, thiếu niên côn đồ, sử dụng hung khí nguy hiểm để giải quyết mâu thuẫn, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng… Hoặc các đối tượng tụ tập thành nhóm từ 20 - 30 người, chạy xe gắn máy, cầm hung khí “diễu hành” trên đường giao thông, khu dân cư, làm mất an ninh trật tự. Làm thế nào để giải quyết dứt điểm vấn nạn trên, đây là băn khoăn đặt ra đối với toàn xã hội.

Trồng cây xanh bảo vệ môi trường

Lấy "xây" để "chống",  góp phần ngăn chặn tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật

Thanh niên hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng và kích hoạt tài khoản định danh điện tử

Thanh niên tham gia "Tiếp sức mùa thi"

“Ở nhà cháu ngoan lắm”

 “Nhà tôi có 3 đứa con, Võ Quốc Minh (sinh năm 1998) là con lớn nhất. Đó giờ, Minh sống hiền lành, không quậy phá ai trong xóm. Chồng tôi thường tâm tình, dặn dò Minh không tụ tập bạn bè xấu, không tham gia tệ nạn xã hội. Lúc ổng bị bệnh hiểm nghèo, Minh túc trực, chăm sóc đến khi cha qua đời. Rồi Minh học sửa xe, xin đi làm đủ chỗ. Thấy tôi buôn bán cực khổ, con đỡ đần tay chân phần nào. Bạn bè của con ghé chơi, một tiếng dạ, hai tiếng thưa hiền lành, nên tôi mời vô nhà đãi cơm ăn. Có quà bánh gì, Minh đều gửi bạn bè ăn lấy thảo” - bà Võ Thị Hồng T. (sinh năm 1980, ngụ phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên, mẹ của Minh) chia sẻ.

Nặng gánh mưu sinh, mang nhiều bệnh tật trong người, luôn tin tưởng vào các biểu hiện bình thường của con, ngày 21/6/2023, bà T. chết lặng khi công an địa phương đến tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam Minh về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”. Thì ra, những đứa bạn “hiền lành” lại xúi giục, rủ rê con bà đi làm chuyện “phá làng, phá xóm”, đem hung khí đi giải quyết mâu thuẫn, lấy vỏ chai bia tấn công người khác.

Những buổi chúng gặp nhau, bà tưởng chỉ đi “uống cà-phê”, lại là tụ tập băng nhóm phạm tội. Bà T. khóc không thành tiếng: “Lúc bị bắt, Minh ôm tôi khóc, dặn tôi đừng buồn: “Mẹ ráng điều trị bệnh, con biết sai rồi. Sau này, con không tụ tập, nghe lời bạn xấu nữa”. Tôi buồn lắm, sinh con đâu ai muốn con hư hỏng. Mong các phụ huynh cố gắng kề cận tụi nhỏ, đừng để chúng giống con tôi”...

Những câu chuyện như vậy giờ xuất hiện khắp nơi, tỉnh An Giang cũng không ngoại lệ. Cùng với sự phát triển của xã hội, mối liên kết trong gia đình lỏng lẻo, mặt trái của cơ chế thị trường, cám dỗ của cuộc sống hiện đại đã khiến tội phạm ngày càng trẻ hóa. Thanh, thiếu niên sớm tiếp cận với mạng xã hội, cũng tiến gần hơn với những mặt trái mà mạng xã hội mang lại.

Điển hình như, đầu năm 2023, Trần Ngọc Tuấn Vũ thành lập nhóm Zalo “Anh em đầu cồn”, kêu gọi bạn bè đi đánh nhau, đập phá tài sản của những người có mâu thuẫn với thành viên trong nhóm. Ngày 2/3/2023, hàng chục đối tượng trong nhóm mang theo dao, búa tự chế, đi trên 10 xe gắn máy đến huyện Châu Thành. Không tìm được đối tượng “trả thù”, chúng quay sang đập phá hư hỏng 3 xe gắn máy của người dân rồi tẩu thoát.

“Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an huyện Châu Thành phát hiện 2 vụ tội phạm rất nghiêm trọng do người dưới 18 tuổi thực hiện, liên quan 5 đối tượng. Đó là cướp tài sản, cố ý gây thương tích; thiệt hại tài sản 8,2 tỷ đồng, làm 1 người bị thương. Tất cả đều bị khởi tố. Ngoài ra, qua công tác tuần tra, kiểm soát, chúng tôi phát hiện, giải tán 7 trường hợp thanh, thiếu niên (hơn 80 người) từ địa phương khác, nghi vấn đến huyện giải quyết mâu thuẫn.

Trong đó, 7 đối tượng (sinh năm 2005 - 2009) đem theo hung khí nguy hiểm. Đơn vị đã xây dựng kế hoạch cao điểm đấu tranh phòng, chống các băng, nhóm tội phạm hoạt động xâm phạm trật tự xã hội, đặc biệt là băng nhóm thanh, thiếu niên phạm tội, vi phạm pháp luật trên địa bàn” - thượng tá Nguyễn Phước Sang, Trưởng Công an huyện Châu Thành thông tin.

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh phát hiện nhiều vụ thanh, thiếu niên sử dụng hung khí đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, thậm chí dẫn đến hậu quả chết người. Công an các đơn vị, địa phương khởi tố điều tra 16 vụ, 42 bị can; lập hồ sơ đưa 1 đối tượng đi trường giáo dưỡng; cho 14 đối tượng cam kết; kịp thời ngăn chặn 17 vụ, liên quan 93 thanh, thiếu niên sử dụng hung khí đánh nhau.

4 nguyên nhân sâu xa

Phóng viên Báo An Giang đã liên hệ nhiều cơ quan chức năng, tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng đáng buồn này. Giảng viên Trần Thị Huyền (Phó trưởng Bộ môn Tâm lý giáo dục, Khoa Sư phạm, Trường Đại học An Giang) cho biết: "Tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật diễn ra nhiều năm nay, tuy nhiên gần đây, tội phạm này ngày càng tăng, gây bức xúc dư luận. Chúng ta chỉ thấy hiện tượng như phần nổi của tảng băng chìm, chưa thấu hiểu 4 nguyên nhân sâu xa tác động đến các em”.

Nhiều cuộc khảo sát chuyên môn cho thấy, trẻ có hành vi lệch chuẩn đạo đức hay vi phạm pháp luật phần đông xuất phát từ gia đình khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt (cha mẹ ly hôn, bạo lực gia đình, cha mẹ làm ăn xa, phải nương nhờ ông bà…).

 “Nguyên nhân khác là môi trường sống của các em không lành mạnh, kể cả môi trường thật và ảo trên mạng xã hội. Khi 12 - 13 tuổi, các em vừa qua tuổi trẻ con, mà chưa thể gọi là người lớn, dễ dàng bị lôi kéo vào các trào lưu, tham gia băng nhóm. Trẻ không thể hiểu bản thân mình, dễ nổi loạn, thể hiện cái tôi cá nhân nhưng lại thiếu kỹ năng kiềm chế, thiếu kỹ năng sống, dẫn các hành vi: Uống rượu, bia, dùng thuốc lá, đua xe lạng lách, sử dụng ma túy, xâm hại tình dục trẻ em, tạo băng nhóm thể hiện quyền lực… như một cách khẳng định bản thân đã trưởng thành" - giảng viên Trần Thị Huyền nhìn nhận.

Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an tỉnh An Giang), mạng xã hội đang ngày càng có sức ảnh hưởng đến lối sống của thanh, thiếu niên. Hành vi bạo lực diễn ra khá phổ biến, thiếu kiểm soát trên mạng xã hội, làm lệch lạc nhận thức, sai lầm trong hành động của các em. Nhiều trang mạng công khai rao bán vũ khí, hung khí nguy hiểm, vật liệu nổ, thậm chí hướng dẫn cách chế tạo pháo nổ, bom xăng… Mạng xã hội khiến mối quan hệ và tương tác của thanh, thiếu niên được mở rộng, dễ dàng hơn. Điều này khiến trong quá trình trao đổi qua lại trên mạng xã hội dễ dẫn đến mâu thuẫn, xích mích; nhắn tin thách thức, kéo bè, kết phái đánh nhau, thích thể hiện bản thân trước đám đông.

“Đa số thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật xảy ra bên ngoài nhà trường. Nhưng dưới góc độ ngành giáo dục và đào tạo, tôi cho rằng, một số nhà trường còn xem nặng giáo dục kiến thức văn hóa, mà chưa chú trọng giáo dục đạo đức, nhất là đối với học sinh cá biệt. Bên cạnh, chương trình giáo dục phổ thông vẫn nặng về kiến thức, xem nhẹ vấn đề đạo đức, kỹ năng sống, nhất là giáo dục pháp luật ở các bậc học, cấp học. Rất nhiều trẻ không nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, hoặc thiếu kỹ năng kiểm soát hành vi. Đến khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì mới ân hận” - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Long Xuyên Dương Kiếm Anh đúc kết.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình bày tỏ: “Có nhiều dư luận cho rằng, người dân không dám ra đường vào chiều tối, vì sợ các nhóm thanh, thiếu niên hành xử như “xã hội đen”. Thực trạng này đòi hỏi từng địa phương phải có hướng xử lý hiệu quả, quy trách nhiệm cho lãnh đạo địa phương nếu để xảy ra tình trạng trên. Công an cấp xã phải kịp thời nắm thông tin, xử lý ngay khi nhen nhóm; phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương lân cận, giáp ranh trong và ngoài tỉnh. Nhất định không để vấn nạn kéo dài, gây bức xúc trong dư luận, làm hình ảnh tỉnh An Giang trở nên xấu xí”.

Công an phường Mỹ Long gặp gỡ gia đình thanh niên vi phạm

Tháo gỡ từ gốc

Thượng tá Nguyễn Hồng Phong, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an tỉnh) cho biết: “Ở góc độ chuyên môn, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền phương thức, thủ đoạn, chế tài xử lý thanh, thiếu niên vi phạm pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là mạng xã hội, để người dân nắm, chủ động phối hợp lực lượng chức năng phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả. Tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập đánh nhau. Tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tăng cường quản lý, xử lý trang mạng Internet bạo lực, kích động bạo lực. Đồng thời, khi có thông tin xảy ra vụ việc do băng nhóm, đối tượng đánh nhau gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích… chúng tôi khẩn trương phân công lực lượng đến hiện trường xác minh, thu thập chứng cứ, xác định nhân thân, lai lịch số đối tượng tham gia để giáo dục, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Tìm giải pháp khắc phục tình trạng “trẻ hóa tội phạm”, một số nhà quản lý cho rằng, cần phải siết chặt hơn nữa mối quan hệ “tam giác” giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Nhà trường phải chủ động phát hiện, phối hợp với ngành công an, chính quyền địa phương xử lý các vấn đề phức tạp về chính trị, tư tưởng liên quan đến học sinh. Không để các em bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia hội, nhóm, tổ chức tôn giáo hoạt động trái pháp luật, vi phạm pháp luật, tụ tập gây rối an ninh trật tự, an toàn xã hội. “Thời gian tới, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhà trường, có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường với gia đình trong việc trao đổi thông tin, để cùng quản lý, giáo dục, giúp trẻ phát triển toàn diện” - ông Dương Kiếm Anh chia sẻ thêm.

Ở góc độ quản lý thanh niên, Bí thư Tỉnh đoàn Phan Duy Bằng cho biết: “Chúng tôi đang tích cực đẩy mạnh phát triển các kênh tuyên truyền, thông tin chính thống trên Facebook, trang tin điện tử, hơn 150.000 lượt theo dõi/tháng. Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn giao chỉ tiêu cho các địa phương duy trì và phát triển mô hình “Mỗi đoàn xã, phường, thị trấn xây dựng ít nhất 1 mô hình, giải pháp tư vấn giúp đỡ, hỗ trợ thanh, thiếu niên yếu thế”; giúp đỡ, giáo dục, cảm hóa ít nhất 1 thanh niên chậm tiến được công nhận tiến bộ; triển khai mới và duy trì hiệu quả mô hình “Khu dân cư không có thanh, thiếu niên mắc tệ nạn xã hội”…”.

Giải quyết việc làm cho thanh niên được cho là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần cải thiện tình hình tội phạm, lấy “xây” để “chống”. Theo đó, Tỉnh đoàn tham mưu UBND tỉnh thành lập Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh, hỗ trợ 70 dự án khởi nghiệp. Ngoài ra, quan tâm giải quyết việc làm, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên nhàn rỗi tại địa phương, thông qua các chương trình: Tư vấn hướng nghiệp, ngày giao dịch việc làm, ngày hội khởi nghiệp. Bên cạnh, để đáp ứng nhu cầu việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên vùng nông thôn, thanh niên chậm tiến, tổ chức đoàn phối hợp các ngành liên quan trang bị kỹ năng, kiến thức, nghề nghiệp cho thanh niên. Bên cạnh đó, thường xuyên lồng ghép tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên, học sinh tham gia, như: “Câu lạc bộ (CLB) Tuổi trẻ với pháp luật”, “CLB Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm”, “CLB Tiền hôn nhân”, “CLB Đôi bạn cùng tiến”… nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội.

Giảng viên Trần Thị Huyền đề xuất: “Các gia đình hãy nỗ lực xây dựng hạnh phúc, để trẻ có thể sống và trưởng thành, tự xây dựng cho mình một hệ giá trị sống tích cực. Phụ huynh cần được chia sẻ nâng cao vai trò, trách nhiệm trong giáo dục con cái, đặc biệt cần thay đổi phương pháp giáo dục phù hợp lứa tuổi, không thể chủ quan, cứng nhắc. Nhà trường cần tăng cường hoạt động tham vấn tâm lý học đường, đưa hoạt động giáo dục học sinh vào thiết thực, thu hút và giải quyết được nhu cầu tìm hiểu của các em".

Các cơ quan chức năng cần có những biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ thắt chặt trật tự, an toàn xã hội, tuyên truyền để cộng đồng cùng tham gia giáo dục pháp luật cho trẻ vị thành niên. Cùng với đó, tạo nhiều khu vui chơi, sân chơi, CLB phù hợp với lứa tuổi, để các em được giải tỏa năng lượng, tâm lý, cân bằng cảm xúc cá nhân. Đồng thời, tuyên truyền mạnh mẽ, có giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, tránh tình trạng trẻ vị thành niên bị bạn bè xấu, đối tượng lừa đảo lôi kéo, kích động, dụ dỗ làm điều sai trái, bạo lực, vi phạm pháp luật.

Một điều quan trọng mà giảng viên Trần Thị Huyền nhấn mạnh, trong các giải pháp giáo dục trẻ, cần sự kiên trì và bao dung mới có thể cảm hóa trẻ. Bởi lẽ, theo nhà giáo dục học Makarenko: "Không có trẻ em hư hỏng, mà chỉ có trẻ em rơi vào hoàn cảnh khó khăn…". Nhiệm vụ của người lớn là giúp trẻ vượt qua hoàn cảnh khó khăn, xây dựng lại giá trị sống tốt đẹp, để trẻ có cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa nhất. 

GIA KHÁNH - TIẾN HƯNG - PHƯƠNG LAN - TRÚC PHA