Vươn lên từ những khó khăn
Giống như những xã thuần nông khác ở huyện Thoại Sơn, đời sống của người dân xã Vĩnh Chánh chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp (SXNN), một số ít sống bằng nghề mua, bán nhỏ và tiểu thủ công nghiệp. Khi bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Vĩnh Chánh có xuất phát điểm rất thấp, chỉ đạt 6/19 tiêu chí, với nhiều khó khăn, hạn chế như: cơ sở hạ tầng không đồng bộ; đồng ruộng manh mún chưa đáp ứng yêu cầu SXNN; việc sinh hoạt, học tập, đi lại của người dân còn lắm gian truân; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt chỉ tiêu nhưng chưa thực sự gắn với giải quyết việc làm để tạo thu nhập ổn định cho người dân; cùng với đó một bộ phận bà con có thói quen trông chờ, ỷ lại, cho rằng xây dựng NTM là nhiệm vụ của Nhà nước nên rất thờ ơ, bàng quan... Thực tế trên cho thấy, con đường đổi mới diện mạo NT ở xã Vĩnh Chánh không phải là chuyện “1 sớm 1 chiều”.
Trước thực trạng đó, Đảng bộ, chính quyền xã Vĩnh Chánh trăn trở làm thế nào để nâng cao đời sống Nhân dân, ổn định an ninh chính trị để cùng chung sức xây dựng thành công NTM. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Chánh Phạm Văn Phúc Linh cho biết: “Từ những đặc thù riêng, địa phương tiến hành xây dựng, ban hành các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, sát thực tế trên cơ sở bám sát chỉ đạo của tỉnh, huyện, trong đó xem việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thi đua chung sức, đồng lòng xây dựng NTM, là việc quan trọng, cấp thiết. Chúng tôi xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, chuyên môn tốt để mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ gương mẫu, chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn phải đề cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm. Thông qua những biện pháp tuyên truyền đa dạng, hình thức phong phú, thiết thực với trên 529 cuộc họp dân, 16.000 lượt bà con tham dự đã góp phần quan trọng thay đổi nhận thức của bà con, xem việc xây dựng NTM là quyền lợi và trách nhiệm của mình, từ đó, có sự chung tay đóng góp công sức, tiền của, vật chất cùng địa phương góp phần đổi thay bộ mặt NT”.
Nông thôn mới Vĩnh Chánh đang đổi thay từng ngày
Nông thôn mới, luồng sinh khí mới!
Xác định xây dựng NTM là chương trình mang tính toàn diện để “thay áo mới” cho xã nghèo, trọng tâm là giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, xã Vĩnh Chánh đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua, sáng kiến hay, cách làm hiệu quả. Trên cơ sở bảo đảm dân chủ, minh bạch, công khai, sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả, đặc biệt là nguồn kinh phí do Nhân dân đóng góp nhằm tạo sự đồng thuận từ chính quyền đến người dân theo phương châm “dựa vào sức dân để lo cho dân”. Đến nay, đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện đều đã được nhựa hóa. Ngoài ra, 3 tuyến đường giao thông NT từ đường trục chính về đến các ấp đã được nhựa hóa 5,2km/6,3km với kinh phí trên 8,8 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp trên 1,7 tỷ đồng. Cùng với đó, người dân còn tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động cùng địa phương hoàn thành các công trình giao thông nội đồng phục vụ việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi.
Tích cực tham gia những phong trào xã hội hóa ở địa phương phải kể đến sự đóng góp rất lớn của ông Nguyễn Hồng Bâng (sinh năm 1965, ngụ ấp Tây Bình A, xã Vĩnh Chánh). Việc gì có lợi cho quê hương đều được ông Bâng nhiệt tình ủng hộ, không nề hà công sức và sẵn sàng đóng góp kinh phí để công trình sớm hoàn thiện. Điển hình cầu bê-tông Đặng Thị Đạt bắc ngang xã, có kinh phí xây dựng trên 690 triệu đồng, ông Bâng đã hỗ trợ 300 triệu đồng. Những lúc rảnh rỗi ông lại “xắn tay áo” cùng mọi người bỏ công sức xây dựng để cầu sớm thông xe. “Cây cầu đó được xây dựng lâu nên đã xuống cấp. Chưa kể, bề ngang cầu khoảng 2m, mỗi khi mưa gió, nhiều học sinh, bà con qua lại bị té ngã. Khi địa phương phát động đóng góp kinh phí xây cầu mới, tôi rất đồng tình và ủng hộ. Hiện, cây cầu mới có chiều ngang 4,5m, dài 36,5m, rất thuận tiện cho việc đi lại” - ông Bâng chia sẻ.
Xác định phát triển NN là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật được địa phương quan tâm. Cụ thể, xã đầu tư các tiểu vùng đê bao khép kín, nâng diện tích gieo trồng 3 vụ từ 6.961ha (năm 2010) lên 9.691ha (năm 2017); sản lượng lúa đạt 63.292 tấn, tăng gần 20.000 tấn so năm 2010. Đến nay, xã đã chuyển đổi 54ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu và 10,2ha sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Đây là những yếu tố cơ bản giúp cải thiện thu nhập cho người dân. Xã còn có 1 làng nghề được thành lập, phát triển ổn định hàng chục năm qua là nghề bó chổi cọng dừa với 153 hộ. Nhờ chăm chỉ lao động, nâng cao tay nghề nên chổi cọng dừa Vĩnh Chánh được khách hàng gần xa ủng hộ. Hiện, làng nghề đã tạo việc làm cho trên 300 lao động nhàn rỗi tại địa phương. Với những kết quả trên, thu nhập bình quân đầu người xã Vĩnh Chánh hiện đạt trên 42 triệu đồng/năm (tăng 2,6 lần so với năm 2010). Bên cạnh đó, các tiêu chí khác như: điện, đường, trường, trạm... đều được địa phương đảm bảo đúng và vượt chỉ tiêu đề ra. Đây là điều kiện và sẽ là thách thức để địa phương dốc sức nâng chất NTM trong tương lai, phấn đấu thành xã NTM kiểu mẫu vào 1 ngày không xa.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN