Chào Sài Gòn mùa thu bình thường mới

01/10/2021 - 14:11

Cũng có thể gọi là “bất bình thường cũ”, vì cuộc sống phải hồi sinh, nhưng sự hồi sinh nào cũng nhiều thay đổi, vì hôm nay chẳng bao giờ như hôm qua.

Tôi thì vẫn mặc chiếc váy cũ (lâu lắm rồi không còn xúng xính mua đồ mới), cầm chiếc lá phong mùa thu đứng ở góc sân trường thân quen, chỉ có điều những âm thanh xung quanh tôi đã “đời hơn”, không còn vắng lặng, chỉ có tiếng chim hót, tiếng xe cấp cứu hú dài nữa.

Tôi bắt đầu nghe thấy tiếng xe máy chạy ì ầm, sáng ra nghe tiếng rao “xôi đậu xanh bắp giã”, đâu đó tiếng nói cười lao xao.

Chiều 30/9, hàng loạt rào chắn, dây kẽm gai được công an, bộ đội, dân phòng gỡ bỏ. Người TP.HCM mừng lắm, nhìn góc phố hết cách ngăn, băng bó mà xúc động rưng rưng. Nhưng thực sự, chúng tôi không quá hồ hởi, vui tươi, vỡ òa như các thành phố khác khi dỡ phong tỏa.

TP.HCM đón nhận mở cửa khá thận trọng khi ca nhiễm hàng ngày vẫn tương đương tổng số ca từ đầu dịch tới giờ của Hà Nội, nghĩa là chúng
tôi vẫn phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Người quen của tôi vẫn nhiễm bệnh, có người vẫn phải nhập viện dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Các gia đình có mất mát trong mùa dịch chẳng thể vui ngay được, thậm chí còn ngậm ngùi khi người thân của mình không chờ được tới ngày hôm nay. Ai cũng còn rất lo lắng và nhiều tâm tư, hồi hộp, dù thấy nhẹ lòng hơn rất nhiều.

Ảnh chụp tối 30-9 tại TP.HCM

Mấy hôm nay quanh nhà tôi mọi người bắt đầu dọn dẹp, sơn lại cửa cổng. Dù nhiều nhà vẫn còn dán biển đỏ “gia đình có người cách ly y tế tại nhà”, cửa thì đóng kín nhưng nghe rõ tiếng trẻ con hò hét trong nhà, tiếng chuyện trò ăn uống vui vẻ.

Có lẽ nhờ có độ phủ vắc xin, các ca nhiễm nặng đã bớt đi nhiều. Chỉ có điều khá giật mình, quan sát trên bản đồ Covid thành phố, tôi nhận thấy trong hẻm số người nhiễm sinh sau năm 2010 đông dần lên, thậm chí có vài bé mới 2-3 tuổi, líu ríu nhiễm chùm gần nhà nhau. Chắc có em đã bị lây từ người lớn, và lây cho cả đám trẻ con hàng xóm xung quanh. Rồi mai các em đi học, nếu chưa được tiêm thì lo lắng lắm đây, lứa tuổi nhiều năng lượng và mải chơi, dễ gì 5K triệt để, điều mà ngay cả người lớn cũng khó thực hiện.

Chúng tôi lại được đi làm đông dần lên, được tiếp xúc xã hội, được mua bán, ăn uống phong phú hơn, được uống ly cà phê mà chúng tôi nhớ nhung đã bao lâu nay. Có điều, chúng tôi chỉ ra khỏi nhà khi trang bị đầy đủ “combo” vật bất ly thân: điện thoại với một cái “app” phù hợp, chai sát khuẩn nhanh và khẩu trang.

Hoa, cà phê và bánh đón mùa thu bình thường mới.

Nhiều thói quen “mùa dịch” tôi chẳng muốn bỏ ngay, thậm chí sẽ duy trì lâu dài như việc đặt thực phẩm, đồ gia dụng trực tuyến thay vì đến siêu thị đông đúc. Có một số “nhu yếu phẩm” tôi hay tích trữ một lượng nhất định trong nhà, như muối, đường, gạo, mì, dầu ăn, sữa tắm, dầu gội, các loại giấy…

Thói quen này có từ hồi đi học châu Âu, khi mà các siêu thị đóng cửa lúc 6h tối và cuối tuần cũng đóng luôn, gần giống thời gian giãn cách nghiêm ngặt vừa rồi ở TP.HCM. Nhờ thói quen này mà 4 tháng vừa qua, tôi đã không phải lao ra đường trong hối hả và hoảng hốt để mua sắm trong lo lắng, bất an.

Tôi dường như cũng sống khác, có xu hướng thích những thứ thư thái cho tâm hồn hơn là những thứ duy mỹ, cầu kỳ. Tôi say mê sắp đặt, trang trí để góc nhà nào cũng có thể là chỗ ngồi ngắm hoa, uống trà, ăn bánh và bàn chuyện với người thân, bạn bè qua điện thoại.

Khi đeo khẩu trang trở thành quan trọng thì cây son đỏ cũng chẳng để làm gì, thậm chí chẳng buồn trang điểm để cảm thấy tự do, thoải mái, tập trung vào bản thân hơn. Làm việc trực tuyến rất mỏi mắt, nhưng cũng giúp tôi không cần di chuyển 2h đồng hồ trên những chuyến xe từ Quận 10 (TP.HCM) sang Dĩ An (Bình Dương) khi đi dạy, hoặc giúp tôi từ cuộc họp này sang cuộc họp khác chỉ với một nút bấm trên điện thoại hay máy tính.

Bình thường mới, có lẽ không phải là trở lại y hệt như ngày xưa, mà đón nhận những thói quen mới, nay đã thành hữu ích. Thay đổi cách sống, ăn uống, vệ sinh để khỏe mạnh hơn, tiết kiệm hơn và có phương án đối với những bất lợi có thể xảy ra trong cuộc sống.

Số ca nhiễm không dễ gì giảm nhanh được mà có thể còn cao hơn, nhưng chỉ mong ít ai bị nặng, chỉ như một cơn cảm cúm, mỏi mệt rồi sẽ qua mà không phải vào viện gặp bác sỹ. Kit test nhanh cũng cần để sẵn trong nhà và ở cơ quan, để lỡ có triệu chứng gì khác thì kịp thời phát hiện để bớt lây cho gia đình, đồng nghiệp.

Người lạc quan thì bảo Sài Gòn sẽ tái sinh rạng ngời, người bi quan thì sợ hãi tăng ca nhiễm và phong tỏa nữa, người nhìn nhận tổng quát ngoài nắm bắt cơ hội đổi thay còn nghĩ đến những bất ổn xã hội có thể xảy ra, những hệ quả của “hậu stress” Covid về cả vật chất lẫn tinh thần. Nhưng dù thế nào, quãng đường trước mắt chúng ta cũng phải đi, khó khăn biết trước giúp chúng ta có động lực để cố gắng và bình tĩnh hơn nữa.

Bốn tháng trời giãn cách dài đằng đẵng, có một điều quan trọng tôi nhận ra, đợt dịch này đã khiến tôi thương và hiểu Sài Gòn hơn rất nhiều, có lẽ vì tôi đã cùng nơi này trải qua những ngày nhiều đau khổ chứ không chỉ có niềm vui, sự hoa lệ và năng động như trước nữa.

Qua khó khăn mới hiểu và thương nhau hơn, âu cũng là vốn quý để cùng nhau hướng tới những ngày mai bình yên và hạnh phúc.

Chào ngày mới nhé, Sài Gòn !

Độc giả Bùi Mai Hương 

Theo Vietnamnet