Châu Đốc đẩy mạnh thực hiện chính quyền điện tử

29/09/2022 - 07:39

 - Thực hiện Quyết định 618/QĐ-UBND, ngày 22/3/2019 của UBND tỉnh về phê duyệt khung Đề án “An Giang điện tử” giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, TP. Châu Đốc đã nỗ lực, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội (KTXH) phát triển, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN).

Châu Đốc hướng đến xây dựng chính quyền điện tử nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn, việc triển khai Đề án “An Giang điện tử” nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tăng cường sự kết nối giữa các lĩnh vực, quản trị đô thị tinh gọn và thông minh hơn. Đồng thời, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường hiệu quả; nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả phát triển KTXH trên cơ sở các kết nối số, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, tận dụng dữ liệu mở.

Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi sử dụng các dịch vụ công của thành phố; tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động của thành phố, tạo điều kiện để họ nêu ý kiến, phản ánh các bức xúc, đối thoại với chính quyền và tham gia trong suốt quá trình xây dựng và triển khai các chính sách, giải pháp, dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dân, DN. Bên cạnh đó, tăng cường đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội và phòng, chống tội phạm.

Thời gian qua, UBND thành phố cùng các ban, ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn TP. Châu Đốc đã tập trung triển khai thực hiện Đề án “An Giang điện tử”, mang lại những kết quả thiết thực. 9 tháng của năm 2022, thành phố đã triển khai hạ tầng “Trung tâm dữ liệu, điều hành thông minh” (IOC) TP. Châu Đốc, giám sát điều hành các phân hệ chức năng, gồm: Giám sát, điều hành các chỉ tiêu KTXH (tổng hợp, hiển thị trực quan số liệu phục vụ theo dõi, phân tích, đánh giá các chỉ tiêu KTXH của thành phố); giám sát, điều hành giáo dục bằng việc tổng hợp, hiển thị trực quan các số liệu về tình hình dạy và học, chất lượng giáo dục; triển khai kế hoạch công tác tuyển sinh đầu cấp, đáp ứng yêu cầu dịch vụ công trực tuyến từ năm học 2022-2023 đến năm học 2024-2025.

Đối với hệ thống giám sát, điều hành du lịch (DL), lưu trú, thông qua hệ thống đã tổng hợp, hiển thị trực quan các số liệu về tình hình chất lượng dịch vụ DL; cung cấp các tiện ích thông minh cho người dân và du khách mô hình DL thực tế ảo, bản đồ số, tăng cường 3D nhận diện hình ảnh, nhận diện điểm đến tại khu, điểm tham quan DL, đóng góp hình ảnh từ cộng đồng… Thông qua hệ thống còn giám sát, điều hành phản ánh, kiến nghị qua các hình thức website phản ánh, thiết bị di động thông minh, điện thoại, e-mail...

Qua đó, giúp chính quyền địa phương tổng hợp, hiển thị trực quan và công khai tiến độ tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân trên địa bàn. Hệ thống còn giúp giám sát, điều hành mạng xã hội bằng việc thu thập, đánh giá thông tin trên mạng xã hội với tin tức được lọc theo nhóm từ khóa và tự động đánh giá, phân tích, phục vụ công tác theo dõi, quản lý thông tin, giúp đưa ra các giải pháp xử lý phù hợp. Hệ thống còn giám sát, điều hành bằng camera an ninh. Hệ thống giúp theo dõi, thống kê, hiển thị trực quan các thông tin về tiếp nhận, xử lý hồ sơ của người dân, DN tại Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố và bộ phận “một cửa” ở các phường, xã; tình hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan, đơn vị.

Ông Trần Quốc Tuấn cho biết, thực hiện Đề án “An Giang điện tử”, trên địa bàn TP. Châu Đốc đã lắp đặt được 389 camera trên các tuyến đường và khu vực. Đặc biệt, để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn ở khu vực miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, tại đây đã lắp đặt hệ thống camera an ninh, giám sát với 20 camera.

Thông qua hệ thống camera giám sát, giúp chính quyền địa phương, lực lượng chức năng phát hiện và xử lý kịp thời, triệt để các hành vi vi phạm, như: Chèo kéo khách DL; mua bán lấn chiếm lòng, lề đường; đe dọa du khách tại khu vực miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Hệ thống camera giúp xác định thông tin các vụ tai nạn giao thông; kịp thời phát hiện và xử lý nhanh chóng các đối tượng có dấu hiệu tổ chức và cổ vũ đua xe trái phép; các vụ việc gây rối trật tự công cộng và các loại tội phạm…

Công an TP. Châu Đốc phối hợp VNPT thực hiện tuyên truyền, vận động các cơ sở lưu trú tham gia hệ thống “Quản lý lưu trú trực tuyến”; vận động cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú đăng ký, sử dụng để khai báo tạm trú, lưu trú trên hệ thống. Đến tháng 3/2021, có 99 đơn vị (91 cơ sở kinh doanh lưu trú; 8 đơn vị công an cấp thành phố và phường, xã) cài đặt hệ thống để tiếp nhận và cập nhật thông tin lưu trú.

Sau thời gian triển khai, các cơ sở lưu trú đã khai báo 24.668 lượt khách trên hệ thống đến các cơ quan, đơn vị quản lý theo quy định. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh lưu trú trong việc thông báo lưu trú nhanh hơn, không mất thời gian như trước đây. Ngoài ra, giúp cơ quan công an quản lý, giám sát, tổng hợp tình hình khách lưu trú trên địa bàn được chính xác và khoa học, phục vụ công tác tổng hợp, báo cáo UBND thành phố đánh giá tình hình phát triển KTXH địa phương.

“Mặc dù nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất còn một số hạn chế, khó khăn, nhưng với sự vào cuộc quyết tâm và nỗ lực không ngừng của các cấp, ngành, chính quyền địa phương trên địa bàn thành phố, Châu Đốc đã đạt những thành quả bước đầu. Thời gian tới, TP. Châu Đốc, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN” - ông Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.

Thực hiện Đề án “An Giang điện tử”, giai đoạn 2019-2025, tỉnh tập trung thực hiện thí điểm tại TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và một số địa phương trong tỉnh. Các lĩnh vực thực hiện, gồm: Chính quyền điện tử; du lịch; quốc phòng - an ninh; y tế; giáo dục; môi trường; quy hoạch đô thị; giao thông vận tải; nông nghiệp.

THU THẢO