Châu Phú phát huy thế mạnh sản phẩm OCOP

23/02/2022 - 06:12

 - Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua, huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Theo đó, nhiều sản phẩm đã được công nhận OCOP, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia các chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, phát triển kinh tế theo hướng hiệu quả, bền vững.

Nhận thấy rõ ý nghĩa quan trọng của chương trình OCOP, UBND huyện Châu Phú đã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, sát tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời, yêu cầu các phòng, ban, ngành, UBND xã, thị trấn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện. Các ngành chuyên môn hướng dẫn xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm truyền thống, phát triển từ các ý tưởng sản phẩm mới theo hướng khai thác, phát huy thế mạnh của các địa phương. UBND huyện còn phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành chương trình cấp huyện, xã và các đơn vị, hợp tác xã (HTX), chủ hộ sản xuất có đăng ký tham gia chương trình OCOP về chuyên môn, phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Huyện Châu Phú đẩy mạnh tư vấn cho chủ thể sản xuất, các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác một số nội dung để hoàn chỉnh sản phẩm tham gia chương trình OCOP, như: Đăng ký kinh doanh, tem truy xuất nguồn gốc, đăng ký sở hữu trí tuệ kiểu dáng, nhãn hiệu, tích cực khuyến khích cải tiến mẫu mã, bao bì... Hỗ trợ xây dựng và triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển, hoàn thiện, ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường vào sản xuất - kinh doanh các sản phẩm OCOP. Đồng thời hỗ trợ các chủ thể sản xuất, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác hoàn thiện các sản phẩm có tiềm năng đạt tiêu chuẩn tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo bộ tiêu chí.

Đến nay, huyện Châu Phú đã có 11 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn 3 sao, gồm: Nhãn xuồng của HTX thương mại dịch vụ du lịch nông nghiệp Khánh Hòa (xã Khánh Hòa), mật ong Cẩm Tú (xã Bình Mỹ), rượu đinh lăng Ngọc Hân (xã Bình Long), khoai môn sấy, mít sấy, chuối sấy, trái cây sấy của Công ty TNHH sản xuất - thương mại Gia Bảo (xã Mỹ Đức), xoài cát Hòa Lộc sấy dẻo và bưởi tươi của Công ty TNHH MTV Vườn Bà Ba (xã Khánh Hòa), khô cá tra phồng của hộ kinh doanh Phương Giàu (xã Khánh Hòa) và nước mắm cá linh của hộ kinh doanh Bà Ba Vui (xã Khánh Hòa).

Nhãn xuồng là một trong những sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao sớm nhất trên địa bàn huyện Châu Phú. Từ cây nhãn xuồng như những nơi khác, nhưng các thành viên của HTX Thương mại dịch vụ du lịch nông nghiệp Khánh Hòa đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, canh tác an toàn. Kết quả, nhãn xuồng của HTX được cấp giấy chứng nhận theo chuẩn VietGAP, được cấp mã truy xuất nguồn gốc và chứng nhận sản phẩm OCOP. Đồng thời, được hỗ trợ quảng bá, trưng bày tại các hội chợ, triển lãm, tạo điều kiện để sản phẩm đi xa hơn, có nhiều thị trường hơn và tiêu thụ ổn định, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân.

Hướng dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn trồng 15 công bưởi và 6 công xoài cát Hòa Lộc của Công ty TNHH MTV Vườn Bà Ba (xã Khánh Hòa), bà Lê Thị Ngọc Ánh cho biết, ngay từ lúc trồng, gia đình bà đã chọn theo hướng VietGap để tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Được sự hướng dẫn của các cấp, ngành và địa phương, sản phẩm bưởi tươi và xoài cát Hòa Lộc sấy dẻo của gia đình đã được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Theo bà Ánh, trước đây, cả bưởi và xoài gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường và giá cả phải phụ thuộc vào thương lái. Sau khi tham gia vào chương trình OCOP, gia đình bà có nhiều cơ hội quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, khách hàng biết đến sản phẩm nhiều hơn, giá cả cao và đầu ra cũng ổn định hơn. Sản phẩm bưởi tươi và xoài cát Hòa Lộc sấy dẻo còn được bán vào các siêu thị, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cây trồng.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú Huỳnh Tấn Hưng cho biết, toàn huyện hiện có 11 sản phẩm của 7 cơ sở, doanh nghiệp được công nhận đạt OCOP 3 sao. Đối với một số sản phẩm đủ điều kiện để nâng lên 4 sao, các ngành chuyên môn sẽ tiếp tục hỗ trợ hồ sơ, thủ tục và đề xuất các cơ sở nâng cao chất lượng để nâng tiêu chuẩn cho sản phẩm OCOP.

Đơn vị sẽ kết hợp Phòng Kinh tế - Hạ tầng mời gọi các doanh nghiệp làm cầu nối cho các sản phẩm OCOP được kết nối trao đổi, liên kết, tạo thị trường đầu ra ổn định hơn. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích các địa phương trên địa bàn huyện đề xuất các sản phẩm có thế mạnh lên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hướng dẫn, hỗ trợ đăng ký hồ sơ đề nghị đánh giá, công nhận thêm các sản phẩm OCOP mới.

“Năm 2022, huyện dự kiến phát triển thêm 6 sản phẩm có thế mạnh của địa phương theo kế hoạch. Riêng các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, hàng năm sẽ tiếp tục đề xuất bổ sung các sản phẩm có thế mạnh để có lộ trình và định hướng phát triển các sản phẩm tốt hơn” - ông Hưng thông tin.

TRỌNG TÍN