Châu Phú phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

28/01/2021 - 08:20

 - Giai đoạn 2020-2025, Châu Phú (An Giang) xác định việc đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là một trong các khâu đột phá, nhằm từng bước tạo nên mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối với các vùng lân cận, vừa bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), vừa đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng - an ninh.

Trên địa bàn huyện Châu Phú hiện có trên 222 tuyến đường, với tổng chiều dài trên 1.000km, trong đó có 33km đường Quốc lộ 91 đi qua, 2 tuyến Tỉnh lộ 945 và 947 dài trên 32km, đường đô thị thị trấn Cái Dầu có 46 tuyến, dài trên 23km, đồng thời có hơn 300 cây cầu các loại, phần lớn đã được nâng cấp hoặc xây dựng mới thay thế các cầu cũ đã xuống cấp. Nhìn chung, kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Châu Phú trong những năm gần đầy phát triển khá nhanh do được tăng cường đầu tư, từ đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông vận chuyển hàng hóa của người dân.

Trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, huyện Châu Phú luôn xác định phát triển phải đảm bảo tính đồng bộ, hợp lý, từng bước hiện đại, tạo nên mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, liên hoàn, thông suốt, vừa tạo kết nối với các vùng lân cận, vừa bảo đảm mục tiêu phát triển KTXH, vừa đáp ứng yêu cầu quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Do đó, khi phát triển hệ thống giao thông, Châu Phú không chỉ chú trọng nâng cấp những tuyến đường huyết mạch nối trung tâm huyện với các xã hoặc nối trung tâm các xã với nhau, mà còn quan tâm nâng cấp các tuyến đường liên ấp để kết nối các khu dân cư, phục vụ đời sống dân sinh. Bên cạnh đó, huyện còn phát triển giao thông nội đồng phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa nông nghiệp.

Khởi công dự án nâng cấp tuyến đường Nam Cần Thảo, một trong các công trình tạo đột phá của huyện Châu Phú, giai đoạn 2020-2025

Trên cơ sở những kết quả đạt được thời gian qua, giai đoạn 2020-2025 huyện Châu Phú sẽ tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, nâng cao năng lực vận tải và kết nối nông thôn với trung tâm huyện. Châu Phú sẽ tiếp tục cải tạo và đồng bộ hóa hệ thống cầu, đường trên toàn huyện, nhằm rút ngắn thời gian, khoảng cách vận chuyển đến các xã vùng trong và các vùng lân cận ngoài huyện. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Nguyễn Thanh Lâm, để tạo sự đột phá trong phát triển KTXH, Châu Phú đề ra kế hoạch đầu tư nâng cấp các tuyến đường, cải tạo hệ thống giao thông thuộc khu vực đô thị thị trấn Cái Dầu tương xứng với đô thị loại IV, với tổng chiều dài gần 4km. Đặc biệt, huyện đề ra kế hoạch láng nhựa mặt đường Đông Kênh 7 qua địa phận 3 xã: Ô Long Vĩ, Bình Chánh, Bình Long và thị trấn Vĩnh Thạnh Trung; láng nhựa suốt tuyến đường Nam Cần Thảo (từ Quốc lộ 91 đoạn xã Mỹ Phú đến giáp ranh huyện Tịnh Biên) dài trên 17km.

Trong đó, tuyến đường Đông Kênh 7 được xem như tuyến đường “xương sống” của huyện Châu Phú vì kết nối gần như 9 xã của huyện, nhưng do hiện trạng mặt đường nhỏ, qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp khiến việc lưu thông của xe ôtô, xe tải không thuận tiện. Khi tuyến đường Đông Kênh 7 được đầu tư nâng cấp sẽ đấu nối với 2 Tỉnh lộ 945 và 947, tạo kết nối từ huyện Châu Thành qua địa bàn huyện Châu Phú đến TP. Châu Đốc. Tuyến đường Nam Cần Thảo có vai trò quan trọng không kém vì kết nối giao nhau với đường Đông Kênh 7, Tây Kênh 13, từ vị trí giao nhau này có thể đi đến TP. Châu Đốc và huyện Tịnh Biên, cũng như tạo liên kết thuận tiện giữa các xã vùng trong của huyện Châu Phú. Ngoài ra, địa phương còn đề ra kế hoạch đầu tư nâng cấp, mở rộng 14 tuyến đường tại các xã, thị trấn, với tổng chiều dài trên 86km và xây dựng các cầu khang trang bắc qua kênh, rạch.

Từ mục tiêu đề ra, UBND huyện Châu Phú sẽ phân kỳ đầu tư thực hiện hệ thống cầu, đường giao thông theo kế hoạch và huy động tối đa mọi nguồn lực, đặc biệt chú trọng nguồn lực trong nhân dân và từ mọi thành phần kinh tế để đầu tư phát triển giao thông-vận tải; xã hội hóa việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Huyện Châu Phú sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phát động phong trào thi đua xây dựng và phát triển giao thông nông thôn; toàn dân thực hiện tốt việc vận động láng nhựa, bê-tông các tuyến đường và xây dựng cầu trên các tuyến đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Việc vận động các nguồn lực và các thành phần tham gia thực hiện phát triển giao thông nông thôn trên nguyên tắc tự nguyện.

Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, huyện sẽ tranh thủ kinh phí từ các chương trình khác để hỗ trợ địa phương tùy theo tính chất từng công trình và chủ động phân bổ kinh phí, ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trọng tâm là xây dựng cầu, đường đối với các xã điểm xây dựng nông thôn mới theo lộ trình của huyện.

MỸ LINH