Châu Thành chủ động phòng, chống thiên tai

17/10/2024 - 08:08

 - Biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến ngày càng thất thường, thiên tai phức tạp, khó lường. Với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”, các cấp, ngành huyện Châu Thành chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống từ sớm, từ xa, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Lê Kỳ Quang kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại xã Bình Thạnh

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Nguyễn Phạm Tuấn, Phó Trưởng ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự (gọi tắt là Ban Chỉ huy) huyện Châu Thành cho biết: Thời gian qua, công tác phòng chống thiên tai được các cấp, ngành thực hiện tốt, có hiệu quả thiết thực. Việc xây dựng phương án, kế hoạch, bố trí lực lượng, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, theo hướng từ bị động sang chủ động. Công tác dự báo, cảnh báo sớm về tình hình thiên tai được thực hiện tương đối chính xác, giúp các ngành, địa phương triển khai phương án ứng phó với các tình huống hiệu quả. Qua đó, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, những năm gầy đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nên thiên tai ngày càng diễn biến bất thường, cực đoan, nhất là mưa bão, lũ lụt rất phức tạp, khó đoán định, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Theo Ban Chỉ huy huyện Châu Thành, từ đầu năm đến nay, tình hình mưa giông trên địa bàn huyện đã ảnh hưởng đến nhà cửa, vật kiến trúc tại địa bàn 11 xã, thị trấn, gây ảnh hưởng 31 căn nhà, ước thiệt hại trên 711 triệu đồng. Trong đó, sập hoàn toàn 1 căn; tốc mái hoàn toàn 20 căn; hư hỏng, xiêu vẹo 9 căn; tốc mái một phần 3 căn. Sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn huyện tiếp tục diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ nhanh hơn; gây mất đất sản xuất, đường giao thông... ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, dân sinh của người dân sinh sống trên địa bàn. Theo đó, 9 tháng của năm 2024, toàn huyện Châu Thành ghi nhận xảy ra 22 điểm sạt lở, chủ yếu là các tuyến kênh, mương kết hợp giao thông, đê bao sản xuất tại địa bàn các xã: An Hòa, Bình Hòa, Hòa Bình Thạnh, Tân Phú, Vĩnh An, Vĩnh Lợi, Vĩnh Thành.

Từ thực tiễn cho thấy, trong công tác phòng, chống thiên tai, việc dự báo tình hình diễn biến thời tiết kịp thời, chính xác, cụ thể có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Các ngành, UBND các xã, thị trấn theo chức năng nhiệm vụ đã tập trung chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống lụt bão, thiên tai tại địa phương để bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp, kịp thời bảo vệ tính mạng và tài sản Nhân dân. Trong đó, tập trung thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, kiện toàn Ban Chỉ huy cấp xã; chủ động xây dựng, phê duyệt và thực hiện các phương án ứng phó với thiên tai; phương án huy động lực lượng ứng cứu và tìm kiếm cứu nạn; phương án đảm bảo an toàn giao thông.

Trước tình hình mưa, giông lốc xảy ra trên địa bàn, Thường trực Huyện ủy, UBND huyện, Ban Chỉ huy huyện đã chỉ đạo cho ngành và địa phương đã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Đối với tuyến kênh kết hợp giao thông, đê bao sản xuất tại địa bàn các xã bị sạt lở, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành khẩn trương hỗ trợ các xã, thị trấn khắc phục tạm thời, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và sản xuất; kịp thời phối hợp các đơn vị cấp tỉnh khảo sát, thống nhất phương án và kinh phí khắc phục; báo cáo UBND tỉnh đối với những công trình do tỉnh quản lý. Đồng thời, lập đoàn đến nơi người dân có nhà bị thiệt hại để năm tình hình, chỉ đạo xử lý và hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do bão, giông lốc gây ra. Theo đó, đã hỗ trợ nhà bị sập 100%, số tiền 30 triệu và đối với nhà tốc mái hỗ trợ 3 triệu đồng/căn và huy động lực lượng, người dân trong khu vực bố trí chỗ ăn ở cho người bị ảnh hưởng ở tạm nhà hàng xóm trong thời gian xây dựng, sửa chữa nhà; thu dọn cây cối bị đổ ngã, nhanh chóng ổn định cuộc sống của người bị ảnh hưởng.

Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Lê Kỳ Quang yêu cầu các ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan, tiếp tục tập trung tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thiên tai trên địa bàn. Thường xuyên rà soát kế hoạch, phương án và chủ động bố trí nguồn lực để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, lấy sự an toàn của người dân là điều kiện tiên quyết trong các hoạt động của phòng, chống thiên tai. Nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành, ứng phó thiên tai; phối hợp tổ chức huấn luyện, tập huấn, diễn tập, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, theo các tình huống, phương án đã xây dựng…

TRUNG HIẾU