Châu Thành thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi

15/08/2022 - 16:03

 - Thời gian qua, huyện Châu thành đã triển khai có hiệu quả các chương trình vay vốn tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.

Điểm giao dịch cố định tại các xã, thị trấn hoạt động hiệu quả

Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh An Giang Nguyễn Anh Tuấn khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Hồ Hữu Tài khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khai thực hiện Nghị  định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ

Theo Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Châu Thành Lê Thanh Hùng, để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách thông qua việc ủy thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng cho 4 tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên…

Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác chính là cầu nối giữa nhà nước và nhân dân thông qua việc tổ chức thành lập và chỉ đạo hoạt động của các Tổ Tiết kiệm vàVay vốn (TK&VV) tại cơ sở. Các hội, đoàn thể cùng với trưởng ấp trực tiếp tham gia vào việc bình xét cho vay, kiểm tra giám sát hoạt động của các tổ TK&VV và việc sử dụng vốn của hộ vay. Đồng thời, phối hợp cơ quan chức năng hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, áp dụng các chương trình khuyến nông vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Từ đó, đồng vốn ngân hàng đầu tư mang lại hiệu quả, giúp hộ vay cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Đến 30/6/2022, dư nợ ủy thác qua 4 hội, đoàn thể là 370.279 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 98,35% tổng dư nợ toàn huyện, với 304 Tổ TK&VV và 14.247 hộ còn dư nợ.

UBND huyện Châu Thành đã chỉ đạo Phòng giao dịch NHCSXH huyện xây dựng và duy trì hoạt động 13 điểm giao dịch cố định tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Hoạt động giao dịch xã được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện thực hiện nghiêm túc và đúng lịch cố định hàng tháng tại xã, thị trấn kể cả ngày nghỉ, ngày lễ. Hoạt động giao dịch tại xã đã tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại giao dịch của người vay, đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”.

Những năm qua, nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Châu Thành đã triển khai kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, cụ thể là tập trung triển khai và tuyên truyền Nghị định 78/2002/NĐ-CP, ngày 4/10/2002 của Chính phủ đến với người dân trên địa bàn. Đồng thời, khai thác, tập trung nguồn vốn chính sách ưu đãi, vận dụng linh hoạt, phù hợp đưa hoạt động tín dụng, chính sách trở thành đòn bẩy thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đến nay, toàn huyện Châu Thành có 304 Tổ TK&VV đang hoạt động tại các xã, thị trấn; bình quân một tổ có dư nợ là 1.240 triệu đồng, với gần 47 4thành viên. Trong đó, có 230 tổ xếp loại tốt (chiếm tỷ lệ 75,66%), tổ xếp loại khá đạt 50 tổ (chiếm tỷ lệ 16,45%), tổ xếp loại trung bình là 24 tổ (chiếm tỷ lệ 7,89%), không có tổ xếp loại yếu. “Trong phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách, hoạt động của các Tổ TK&VV ở cơ sở có vai trò rất quan trọng, là cánh tay nối dài của NHCSXH trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội, là cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn, góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng được thụ hưởng kịp thời, thuận lợi, bảo đảm công khai, dân chủ, tạo ra hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội” – ông Lê Thanh Hùng chia sẻ.

 20 năm qua, bám sát mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu vay vốn ở địa phương, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Châu Thành đã tranh thủ nguồn vốn cân đối từ Trung ương, nguồn vốn huy động từ ngân sách địa phương, nguồn vốn huy động tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân… để tạo lập nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Kết quả, đến 30/6/2022, tổng nguồn vốn đạt 376.505 triệu đồng, tăng 366.623 triệu đồng so năm 2003 (tăng 36 lần).

Từ 2 chương trình tín dụng nhận bàn giao (chương trình cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm), đến nay, tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện 14 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện, các chương trình tín dụng đều được triển khai thực hiện tại 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Sau 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn huyện Châu Thành đã giúp cho trên 48.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi của Chính phủ từ NHCSXH huyện, góp phần giúp trên 5.200 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho cho gần 6.000 lao động từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm; giúp cho gần 7.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng trên 17.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng 4 căn nhà ở xã hội, 1.008 căn nhà cho hộ nghèo và 1.675 căn nhà trong cụm tuyến dân cư vượt lũ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Hồ Hữu Tài cho biết, thông qua vốn tín dụng chính sách xã hội gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương đã giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có thêm nguồn vốn để yên tâm đầu tư vào phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cũng như làm thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn về vai trò vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội của địa phương một cách bền vững. Các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt hơn nữa các công việc được NHCSXH ủy thác bảo đảm cho vay đúng chính sách đúng đối tượng, giúp người nghèo sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả cải thiện đời sống và có nguồn vốn trả nợ ngân hàng. Đồng thời, chú trọng củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, nhất là coi trọng chất lượng tín dụng cho một số đối tượng, tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động cho vay, thu nợ, bảo đảm giảm thiểu rủi ro; chú ý đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực đối với đội ngũ cán bộ Hội nhận ủy thác, Tổ trưởng Tổ TK&VV...

TRUNG HIẾU